Hơn 1 năm sau ‘trận chiến’ 35.000 tỷ, nhà ga hành khách sân bay Long Thành chính thức cất nóc
Theo thông tin từ CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, chiều ngày 23/8, công ty này chính thức tổ chức lễ cất nóc công trình gói thầu 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách – Cảng hàng không quốc tế Long Thành – Giai đoạn 1.
Theo đại diện của Ricons, khởi công ngày 31/8/2023, đến nay, nhà ga của sân bay Long Thành đã chính thức hoàn thành phần kết cấu bê tông cốt thép từ tầng hầm kỹ thuật đến tầng 4, kết hợp thi công và lắp đặt công tác cơ điện.
Mặc dù điều kiện thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thi công trên công trường, gần 2.500 nhân sự gồm đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, kiến trúc sư và công nhân cùng gần 2.000 máy móc thiết bị đã và đang lao động ngày đêm để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Việt Nam nói chung. Trong đó, nhà ga hành khách là gói thầu có quy mô lớn nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và thời gian thi công dài nhất trong các gói thầu của Dự án thành phần 3- Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Gói thầu có giá trị 35.000 tỷ đồng và được Liên danh Vietur triển khai trong thời gian 39 tháng. Giai đoạn 1 khi đưa vào khai thác, cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm.
Theo kế hoạch, sau lễ cất nóc, Ricons tiếp tục bước vào giai đoạn thi công đồng thời các hạng mục hoàn thiện, kết cấu thép, façade, lắp đặt cơ điện và các thiết bị nhà ga.
1 năm trước, vào tháng 8/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức đấu thầu gói 5.10. Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất trong các gói thầu của công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với trị giá 35.233 tỷ đồng.
Có 3 liên danh tham gia đấu, trong đó Liên danh Hoa Lư, đứng đầu là CTCP Xây dựng Coteccons và các thành viên Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Xây dựng Hòa Bình và Powerline Engineering. Đây được gọi là liên danh “nội”.
Đối thủ của Hoa Lư là Vietur, đứng đầu bởi nhà thầu quốc tế IC ISTAS, quy tụ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của doanh nhân nổi tiếng ngành xây dựng Nguyễn Bá Dương như Ricons, Newteccons, SOL E&C, cùng với DN có tên tuổi như Vinaconex, Phục Hưng Holdings, HAWEE cơ điện…
Cuối cùng, chiến thắng thuộc về Vietur.
Trong một diễn biến mới đây xung quanh sân bay Long Thành, ngày 24/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông tin về việc 8 doanh nghiệp trong liên danh Đèo Cả bị loại ở vòng kỹ thuật tại gói thầu số 4.7. Gói thầu có giá hơn 6.300 tỷ đồng, thuộc Dự án thành phần 3, sân bay Long Thành.
Cho rằng bị loại ở gói thầu quan trọng thuộc dự án sân bay Long Thành không đúng quy định, Liên danh Đèo Cả khiếu nại, kiến nghị chủ đầu tư xem xét lại.
Tuy nhiên, ACV cũng đã có thông tin phản hồi như sau. Cụ thể thành viên liên danh là Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long đã bị tạm ngưng trên hệ thống từ 30/6/2024 (do chưa đóng phí đúng hạn) đến thời điểm phê duyệt danh sách nhà thầu.
ACV cho biết hồ sơ mời thầu gói 4.7 được lập theo mẫu 03B theo thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ đã được chủ đầu tư phê duyệt, đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; trả lời toàn bộ các yêu cầu của các đơn vị quan tâm suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ mời thầu.
Cũng theo ACV, Liên danh Đèo Cả đã không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Công tác đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật đối với nhà thầu đã được đơn vị thực hiện đúng quy định, qua các bước: kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ hồ sơ kỹ thuật; trình độ và kinh nghiệm bên tham gia thầu... Việc giải quyết kiến nghị thực hiện đúng quy định tại Điều 91 Luật Đấu thầu.
Xem thêm tại cafef.vn