Nhà đầu tư đổ tiền vào CTCK nhiều nhất
Số liệu từ báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tới cuối năm 2023 đạt 83.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,3 tỷ USD).
Lượng tiền gửi tại các CTCK tăng quý thứ ba liên tiếp, đạt mức cao nhất trong gần 2 năm qua, tăng khoảng 20.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Trong quá khứ, lượng tiền nằm sẵn ở trong các CTCK lớn (so với quy mô thị trường) thường mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, trên thực tế, tiền gửi ở các CTCK rất cao nhưng giao dịch trên TTCK vẫn khá trầm lắng và giá cổ phiếu tăng chậm.
Câu hỏi được đặt ra là, tại sao lượng tiền gửi tại các CTCK lại tăng mạnh như vậy? Ai là người gửi tiền và dự kiến tác động của dòng tiền này tới TTCK thời gian tới ra sao?
Theo các báo cáo tài chính, có thể thấy, lượng tiền gửi tập trung chủ yếu vào một số CTCK như Chứng khoán VPS, VnDirect, Techcombank Securities (TCBS), Chứng khoán SSI, BSC, VCBS...
Tại VPS, số dư tiền gửi khách hàng lên tới 16.555 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Trong khi đó, VnDirect (VND) ghi nhận có 6.400 tỷ đồng và TCBS là 5.800 tỷ đồng. Chứng khoán SSI cũng có số dư tiền gửi khách hàng đạt gần 5.300 tỷ đồng.
Hầu hết CTCK có số dư tiền gửi ở ngưỡng vài nghìn tỷ đồng như: BSC, SHS, VCBS...
Dòng tiền lớn nằm chờ đổ vào chứng khoán. (Ảnh: HH) |
Có thể thấy, lượng tiền gửi tại các CTCK là rất lớn. Tiền gửi tại Chứng khoán VPS thậm chí còn bằng 70% so với tiền huy động vốn của một ngân hàng cỡ nhỏ như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương - Saigonbank (SGB). Tới cuối quý IV/2023, Saigonbank có lượng tiền gửi của khách hàng chỉ hơn 23,5 nghìn tỷ đồng.
Sự dịch chuyển của dòng tiền lớn như vậy vào một kênh đầu tư có thể phản ánh được phần nào những biến động trên thị trường tài chính cũng như tình hình và triển vọng của nền kinh tế.
Dòng tiền hướng vào kênh chứng khoán được cho là có nhiều nguyên nhân. Nó diễn ra trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm rất sâu, đồng thời hệ thống ngân hàng đang đẩy mạnh bơm vốn ra nền kinh tế. Thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc, trong khi đây vốn là kênh hút một lượng tiền rất lớn trong nền kinh tế.
Tỷ USD nằm trong tài khoản chứng khoán: Tiền đến từ đâu?
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt - cho rằng, lượng tiền nhà đầu tư để trong tài khoản chứng khoán tăng mạnh có thể do họ nhận thấy cơ hội trên TTCK và chuẩn bị trở lại kênh đầu tư này.
Tuy nhiên, theo ông Trí, hiện nhiều nhà đầu tư chưa đẩy mạnh giải ngân do kỳ vọng thị trường điều chỉnh để có giá hợp lý hơn.
Nhiều tổ chức cũng đưa ra dự báo tích cực về TTCK sau Tết, khi mà các doanh nghiệp đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 và chuẩn bị kế hoạch cho mùa đại hội đồng cổ đông, diễn ra từ tháng 3-4/2024.
Có khá nhiều yếu tố được kỳ vọng sẽ là bệ đỡ cho TTCK, như nền tảng vĩ mô vững chắc, mặt bằng lãi suất thấp, nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng như thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất. Thị trường bất động sản được kỳ vọng dần tốt lên khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua.
Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi) cũng được kỳ vọng giúp hệ thống ngân hàng ổn định hơn, bớt tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau, cho vay tín dụng quá tập trung vào một số nhóm lợi ích...
Tình hình kinh tế thế giới cũng diễn biến tích cực. Theo HSBC, khu vực kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng vững chắc hơn. Kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 6/2024. Thu nhập của doanh nghiệp được phục hồi.
Trong hơn 3 tuần đầu năm mới 2024, TTCK chưa bứt phá nhưng cũng nhúc nhích đi lên. Thanh khoản chưa cao nhưng có thể sẽ bùng nổ. Đáng chú ý là đa số dự báo đều tích cực với TTCK. Trong khi các kênh đầu tư khác còn khá mù mịt thì rõ ràng, thị trường cổ phiếu là nơi được quan tâm.
Trên thực tế, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng hiện rất thấp. Tiền gửi ngắn hạn ở mức 3-5%/năm, từ 12 tháng trở lên phần lớn cũng ở mức 5-6%/năm.
Có thể thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm chỉ bằng khoảng 40-50% so với thời kỳ đỉnh cao hồi nửa cuối năm 2022.
Với mức lãi suất thấp như hiện tại, chỉ cần mua đúng cổ phiếu trong vòng 3 phiên là có thể kiếm lãi gấp nhiều lần. Sức hấp dẫn của TTCK rõ ràng là cao hơn nhiều so với kênh gửi tiết kiệm và sự trầm lắng của kênh bất động sản.
Bên cạnh đó, nhiều CTCK gần đây lách luật huy động tiền gửi từ các nhà đầu tư.
Thông thường, tiền gửi tại các CTCK gồm hai phần. Đó là tiền chờ cơ hội để giải ngân mua cổ phiếu, khi nằm ở tài khoản các CTCK sẽ được nhận khoản lãi suất thấp khoảng dưới 0,3%/năm. Thứ hai là khoản tiền cho sản phẩm tiền gửi huy động, được CTCK trả lãi suất cao hơn nhiều, từ 3-5%/năm, thậm chí lên tới trên 8%/năm.
Gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn yêu cầu CTCK không được thực hiện các hoạt động làm cho khách hàng/nhà đầu tư hiểu rằng CTCK có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, một số CTCK vẫn chưa dừng dịch vụ này. Trước đó, giới đầu tư có thể thấy dạng dịch vụ này ở một số công ty như ISave của TCBS, hoặc các tên gọi như dịch vụ Money Market (MM) của VPS; dịch vụ S-Savings của SSI...
Việc dòng tiền chảy mạnh vào chực chờ ở tài khoản chứng khoán là một tín hiệu tốt, chứng tỏ TTCK có triển vọng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Nhưng, ở một góc độ khác, nó cũng cho thấy sự thiếu vắng, ít hấp dẫn của các kênh đầu tư khác và sự kém hấp thụ vốn của nền kinh tế. Sự chậm quay vòng dòng tiền ở bất cứ một kênh đầu tư nào cũng như nền kinh tế nói chung đều không tốt.
Link bài gốc: https://vietnamnet.vn/hon-3-ty-usd-nam-cho-trong-tai-khoan-tien-chua-biet-mua-gi-2242781.html