Hơn 33.000 tỷ đồng tự doanh cổ phiếu tại CTCK đang được phân bổ thế nào?
Trong các loại tài sản tài chính, khoản cổ phiếu luôn mang tính biến động nhất và ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của đa số công ty chứng khoán (CTCK) trong quý II và cũng như thời gian sắp tới.
Ngành chứng khoán tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng giá trị cổ phiếu tự doanh trong quý II. Xét 18 đơn vị tự doanh cổ phiếu/chứng chỉ quỹ lớn nhất, tổng giá trị thị trường của danh mục đầu tư cuối tháng 6 đạt trên 33.300 tỷ đồng, tăng 7% và 16% so với lần lượt thời điểm cuối quý I và 2023.
Chứng khoán Vietcap (VCI) và SHS tiếp tục dẫn đầu về tự doanh cổ phiếu/chứng chỉ quỹ, với danh mục tăng trưởng lần lượt 9% và 4% trong quý II.
Vietcap đang nắm giữ giá trị cổ phiếu gần 8.800 tỷ đồng tại cuối tháng 6, chiếm 89% mảng tự doanh. Các khoản đầu tư lớn nhất kể đến KDH, IDP, MBB, FPT, TDM, NAP01, VPB02... Đa số cổ phiếu trong tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đều đang ước lãi so với vốn gốc bỏ ra, trong đó KDH lãi 26%, IDP gấp 5 lần, FPT lãi 43%, TDM lãi 17%, NAP01 lãi 46%. Trong quý II, thị trường ghi nhận FPT và TDM đều tăng giá khả quan.
SHS duy trì vị trí thứ hai với giá trị cổ phiếu cuối kỳ đạt trên 4.600 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu không có nhiều biến động với những cái tên quen thuộc là VPB, HPG, FRT, MWG trong FVTPL, và SHB, TCD tại AFS. Trên thị trường, FRT và MWG là hai cổ phiếu đã ghi nhận xu hướng tích cực trong quý II.
Top 5 tự doanh cổ phiếu/chứng chỉ quỹ còn có Chứng khoán VIX (VIX), VNDirect (VND) và VPBankS. Ba đơn vị này cùng ghi nhận giá trị danh mục giảm 3-6% trong quý II.
Cổ phiếu/chứng chỉ quỹ chiếm 1.284 tỷ đồng danh mục tự doanh của VNDirect. Trong đó VPB và HSG được rót vốn nhiều nhất, với giá gốc lần lượt 458 tỷ đồng và 367 tỷ đồng. Khoản đầu tư VPB đang tạm lỗ 44 tỷ đồng (-9%), ngược lại HSG đang ước lãi 112 tỷ đồng (30%).
Trong quý II, VNDirect đã mua thêm VPB và HSG, đồng thời bán ra ACB. Công ty tiếp tục nắm giữ C4G và LTG với giá trị lần lượt 270 tỷ đồng và 70 tỷ đồng. Báo cáo tài chính quý II của VIX và VPBankS không thuyết minh cụ thể về danh mục đầu tư.
Nhóm đầu tư cổ phiếu trên nghìn tỷ còn có TCBS, KIS (Việt Nam), ACBS, HSC, CTS, VDSC hay SSI.
HSC (HCM) đã gấp đôi danh mục sau 3 tháng, đạt 1.287 tỷ đồng. Danh mục gồm 834 tỷ đồng cổ phiếu và 453 tỷ đồng chứng chỉ quỹ. Danh mục cổ phiếu có nhiều bluechip như FPT, TCB, VPB, ACB, STB, MBB, MWG, SSI... Chứng chỉ quỹ lớn nhất là VFMDIAMOND ETF với 403 tỷ đồng.
Cũng gia tăng đáng kể danh mục quý II là Chứng khoán Rồng Việt (VDS). Theo báo cáo tài chính riêng quý II, giá trị cổ phiếu cuối kỳ đạt 1.360 tỷ đồng, tăng 70% so với cuối quý I. Công ty đã gia tăng giá trị đầu tư tại cả FVTPL và AFS. Một số khoản đầu tư lớn nhất kể đến HSG, MWG, GEX, VNM, QNS, CTG, DBC, CMG.
Tại cuộc họp thường niên 2024, ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Rồng Việt, từng chia sẻ việc bộ phận tự doanh thực hiện thoái một phần vốn tại Dabaco (DBC).
Khoản đầu tư DBC với giá gốc gần 59 tỷ đồng tại quý I không còn được thuyết minh trong nhóm khoản đầu tư lớn tại báo cáo quý I. Tại AFS, cổ phiếu ngành chăn nuôi lợn cũng bị bán ra, với giá gốc giảm từ 47 tỷ đồng về 25 tỷ đồng (giảm 56%).
Chiều ngược lại, ACBS, BSC, VCBS đã thu hẹp giá trị danh mục lần lượt 12%, 31% và 9%.
Đơn cử, tự doanh cổ phiếu/chứng chỉ quỹ của BSC (BSI) tại cuối tháng 6 ghi nhận 540 tỷ đồng, giảm so với 783 tỷ đồng vào 3 tháng trước. Báo cáo quý II cho thấy một số khoản đầu tư lớn của BSC bao gồm TCB, HPG, CTCP Đầu tư Phan Vũ. Trong khi đó, các khoản đầu tư cổ phiếu FPT, MWG với giá gốc 50 tỷ và 56 tỷ đồng không còn được thuyết minh, nên có khả năng đã bị bán ra.
Xem thêm tại vietnambiz.vn