Hơn 50% tổ chức tài chính - ngân hàng Việt Nam hướng tới chuẩn mực tự động hóa

Nhiều ngân hàng top đầu dần đạt đến mức độ tự động hóa cao

Theo số liệu từ akaBot về thực trạng tự động hóa (RPA), trong giai đoạn 2019-2024, hơn 10.000 robot ảo đã được triển khai cho gần 30 ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam.

Ông Dương Việt Tùng - Giám đốc Vận hành akaBot, Tập đoàn FPT chia sẻ: “Chúng tôi đã làm việc với hơn 50% ngân hàng, công ty tài chính ở Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi số và tự động hóa quy trình. Trong đó, nhiều ngân hàng top đầu đã dần đạt đến mức độ tự động hóa rất cao khi đa số các quy trình vận hành hàng ngày, có số lượng xử lý lớn đều đã được 100% xử lý bởi Bot.”

Tiêu biểu, các ngân hàng lớn như BIDV đã triển khai thành công tự động hóa bằng bot ảo (RPA) cho 11 luồng nghiệp vụ tại các bộ phận quan trọng như Ngân hàng số, Trung tâm Thẻ và Trung tâm Chăm sóc Khách hàng từ năm 2019.

TPBank cũng là ngân hàng khởi đầu việc triển khai RPA từ năm 2019 với hơn 200 quy trình tự động hóa tại 9 khối nghiệp vụ lõi.

Không nằm ngoài làn sóng số hóa, các ngân hàng thương mại khác cũng không ngừng đẩy mạnh chiến lược triển khai tối ưu vận hành và tự động hóa như HDBank, EximBank, Techcombank... Các quy trình được xử lý thường là các nghiệp vụ lặp đi lặp lại như xử lý giao dịch, phê duyệt tín dụng, đối soát dữ liệu và quản lý rủi ro.

Tự động hóa đã đem lại hiệu quả vận hành tiêu biểu trong các ngân hàng, như tiết kiệm từ 80-95% thời gian xử lý giao dịch, đối soát, vận hành thẻ và giúp giảm thiểu 99% rủi ro sai sót từ các thao tác thủ công. Đặc biệt, khối lượng công việc do robot ảo thực hiện có thể được quy đổi tới 12.000 giờ lao động/ năm, tương đương với 40-60 nhân sự làm việc.

Tích hợp AI tự chủ: Xu hướng tất yếu trong ngành ngân hàng

Đến năm 2026, 70% doanh nghiệp tại châu Á sẽ chuyển sang ứng dụng AI nâng cao để tự động hóa các quy trình phức tạp (Gartner Forecast, 2024).

Trong ngành ngân hàng, xu hướng này thể hiện qua sự dịch chuyển từ RPA truyền thống sang Agentic Process Automation (APA) - giải pháp kết hợp AI để hệ thống tự học, tự ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực.

Tự động hóa với AI tự chủ (APA) được kỳ vọng sẽ không chỉ hỗ trợ mà còn có thể tự đưa ra quyết định tối ưu, tái thiết kế quy trình ngân hàng.

Không giống như RPA, vốn chỉ thực hiện các tác vụ theo kịch bản lập trình sẵn, việc tích hợp AI tự chủ sẽ giúp hệ thống có thể thích ứng, học hỏi từ dữ liệu thực tế và điều chỉnh hành vi theo thời gian. Điều này mở ra một cuộc cách mạng mới trong ngành tài chính, nơi các hệ thống có thể tự động xử lý giao dịch, đánh giá rủi ro, phát hiện gian lận và cung cấp tư vấn tài chính mà không cần đến sự can thiệp trực tiếp từ con người.

Theo nghiên cứu từ Fintech Futures (2025), các ngân hàng đang đầu tư mạnh vào AI tự chủ nhằm tạo ra một hệ thống vận hành thông minh hơn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào lao động thủ công.

Một số ngân hàng tại châu Âu và Mỹ đã bắt đầu triển khai các hệ thống Agentic AI vào vận hành. JPMorgan Chase, HSBC và ING là những tổ chức tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ này để cải thiện hiệu suất giao dịch và tối ưu hóa danh mục tín dụng.

Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng, hơn 60% tổ chức tài chính tại châu Á đã thử nghiệm các mô hình AI tự chủ trong các hoạt động như giao dịch, dịch vụ khách hàng và quản trị rủi ro.

Tại Việt Nam, sự quan tâm đến AI tự chủ cũng đang gia tăng. Một số ngân hàng đã thử nghiệm mô hình AI nâng cao trong quy trình phê duyệt khoản vay và đánh giá rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi.

Công nghệ AI đang định hình lại vai trò của lực lượng lao động

Việc ứng dụng rộng rãi tự động hóa với AI tự chủ sẽ không tránh khỏi tác động đến lực lượng lao động trong ngành ngân hàng.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2024), khoảng 20-30% công việc ngân hàng hiện tại có thể bị thay thế hoặc thay đổi do AI. Các vị trí liên quan đến xử lý hồ sơ, kiểm toán viên, phân tích rủi ro cấp thấp và tư vấn viên khách hàng sẽ là những nhóm công việc chịu ảnh hưởng đầu tiên.

Tại Việt Nam, sau giai đoạn triển khai tự động hóa bước đầu, nhiều ngân hàng cũng đã tiến đến giai đoạn tối ưu và tinh giản bộ máy nhân sự, hạn chế các vị trí công việc thủ công và đẩy mạnh đầu tư cho chiến lược chuyển đổi số mới.

Báo cáo tài chính quý IV/2024 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy, mặc dù tổng nhân sự toàn ngành tăng so với cùng kỳ nhưng một số ngân hàng đã cắt giảm từ hàng chục tới hàng trăm lao động để tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ông Bùi Đình Giáp - Giám đốc vận hành khối sản phẩm, dịch vụ mới, FPT IS, Tập đoàn FPT, nhận định: "AI tự chủ không chỉ thay đổi cách ngân hàng vận hành, mà còn định hình lại vai trò của con người trong ngành. Nhân sự ngân hàng sẽ cần chuyển đổi sang các vai trò chiến lược hơn, nơi họ sử dụng AI như một công cụ để tái thiết kế và tối ưu các quy trình được tự động hóa."

Lộ trình chuẩn bị cho kỷ nguyên tự động hóa mới

Theo ông Bùi Đình Giáp, để tận dụng làn sóng tự động hóa thông minh tự chủ ứng dụng AI, các ngân hàng cần tập trung vào 3 yếu tố, bao gồm: Nâng cấp hạ tầng công nghệ và số hóa toàn diện hệ thống core banking;  đào tạo đội ngũ có khả năng quản lý trợ lý AI tự chủ và lựa chọn nền tảng công nghệ có tích hợp AI với khả năng tùy biến cao.

Không nằm ngoài xu hướng, hệ sinh thái tự động hóa akaBot từ FPT hiện đã nghiên cứu và phát triển giải pháp ứng dụng AI.

Giải pháp mới sẽ giúp các ngân hàng đạt được mức độ tự động hóa tự chủ cao hơn, đồng thời vẫn giữ khả năng sử dụng các hệ thống RPA truyền thống để phục vụ những doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang tự động hóa với AI. Điều này cho phép các ngân hàng có lộ trình chuyển đổi linh hoạt, từ việc áp dụng tự động hóa đơn giản đến các mô hình tự vận hành tiên tiến.

Agentic Automation không chỉ là một xu hướng công nghệ mà đang trở thành một chuẩn mực mới trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng.

Với sự đầu tư mạnh mẽ từ các ngân hàng và công ty công nghệ, Việt Nam có cơ hội lớn để tận dụng sức mạnh của AI tự chủ và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn