Hơn 5.400 cửa hàng của Thế giới Di động, Viettel Store và Viettel Post trên toàn quốc chính thức hoạt động như ‘cây ATM’

Sự kết hợp giữa bán lẻ và dịch vụ tài chính đang mở ra một xu hướng mới, mang đến cơ hội tiếp cận dịch vụ tiện ích cho mọi người dân. Theo đó, hơn 5.400 cửa hàng của Thế giới Di động, Viettel Store và bưu cục Viettel Post trên toàn quốc sẽ trở thành các điểm giao dịch tài chính, hoạt động như những "cây ATM" tiện lợi cho người dân.

Thay vì phải tìm kiếm các cây ATM hay đến chi nhánh ngân hàng, khách hàng giờ đây có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch như rút tiền, chuyển khoản hoặc thanh toán hóa đơn. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi hạ tầng ngân hàng chưa phát triển đầy đủ.

linh-2.jpg
Hơn 5.400 cửa hàng của Thế giới Di động, Viettel Store và Viettel Post trên toàn quốc chính thức hoạt động như ‘cây ATM’

Cụ thể, vào ngày 4/12, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế giới Di động (MWG) cho biết, hơn 3.000 cửa hàng Thế giới Di động và Điện máy Xanh trên toàn quốc sẽ chính thức trở thành điểm giao dịch tiện lợi, hoạt động như cây ATM. Khách hàng chỉ cần CCCD để thực hiện nạp, rút, chuyển tiền cho tất cả ngân hàng một cách nhanh chóng và đơn giản.

Chỉ hơn 20 ngày sau đó, vào ngày 26/12, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) và Tập đoàn Viettel tiếp tục mở rộng mô hình này. Hơn 2.400 cửa hàng, siêu thị và bưu cục của Viettel Store và Viettel Post trên toàn quốc sẽ trở thành đại lý thanh toán của MB, mang lại tiện ích tài chính cho khách hàng ở 63 tỉnh thành.

Mô hình ngân hàng đại lý này được triển khai theo Quyết định 666/QĐ-TTGSNH2 của Ngân hàng Nhà nước, mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển dịch vụ tài chính tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi các ngân hàng truyền thống chưa tiếp cận được. Đồng thời, mô hình này cũng giúp ngân hàng giảm chi phí mở chi nhánh, phòng giao dịch và chi phí về nguồn nhân lực.

Về mặt lợi ích, các đại lý có thể nhận được hoa hồng từ ngân hàng và đồng thời tăng doanh thu, lợi nhuận nhờ thu hút thêm tệp khách hàng từ hệ thống ngân hàng. Mặt khác, bên được giao đại lý có thể tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh từ những giá trị có sẵn như cửa hàng, nhân lực, tiền nhàn rỗi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khi mở rộng mô hình đại lý thanh toán, NHTM cần thận trọng trước những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là rủi ro đạo đức nghề nghiệp từ các đối tác và một số nghiệp vụ mang tính chuyên ngành.

Trước đây, mô hình này đã được các ngân hàng như Vietcombank, MB và PGBank thử nghiệm, tuy nhiên chỉ dừng lại ở giai đoạn thí điểm vì thiếu khung pháp lý. Hiện các ngân hàng khác như Vietcombank, PGBank, Techcombank và BIDV cũng đang tăng cường hợp tác với các chuỗi bán lẻ như MoMo, Petrolimex, Winmart, và KiotViet để mở rộng dịch vụ thanh toán và tín dụng bán lẻ.

Với mô hình này, Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện. Sự hợp tác giữa các tổ chức tài chính và doanh nghiệp bán lẻ không chỉ giúp tăng cường tiện ích cho người dân mà còn thúc đẩy nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn