Hơn 5.936 tỷ đồng làm hạ tầng KCN Tân Phước 1; 5.643 tỷ đồng làm hạ tầng KCN Phúc Long mở rộng
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Đầu tư 5.936,5 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tân Phước 1, tỉnh Tiền Giang
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 471/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tân Phước 1, tỉnh Tiền Giang.
Quyết định nêu rõ, Dự ánđầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tân Phước 1, tỉnh Tiền Giang có vốn đầu tư 5.936,5 tỷ đồng, quy mô 470 ha.
Địa điểm thực hiện dự án tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Thời hạn hoạt động của dự án: 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án: Không quá 60 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Tiền Giang đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc xác định hiện trạng sử dụng đất, điều kiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có việc xác định chưa đủ cơ sở, điều kiện tiếp nhận lại đất, thu hồi đất của Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang theo trường hợp tự nguyện trả lại đất; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành.
UBND tỉnh Tiền Giang cập nhật quy mô diện tích của khu công nghiệp Tân Phước 1 theo các giai đoạn vào kế hoạch sử dụng đất tỉnh Tiền Giang 05 năm 2021 - 2025 theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.
Trường hợp khu vực thực hiện dự án có tài sản công, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước.
UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo thực hiện thu hồi đất của Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang theo quy định của pháp luật về đất đai; kiểm kê, xác định cụ thể nguồn gốc đất, đối tượng sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn cho thuê đất và giấy tờ hợp pháp về đất đai có liên quan để lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong khu vực thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai; thực hiện các cam kết; kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định này và đề xuất giải pháp điều chỉnh dự án đầu tư phù hợp để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả thực hiện dự án.
Công ty cổ phần IDICO Tiền Giang (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện cam kết về việc không khiếu kiện và tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án theo Quyết định này; trong trường hợp vi phạm cam kết, nhà đầu tư chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư.
Công ty cổ phần IDICO Tiền Giang phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang và các cơ quan có liên quan thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, không để xảy ra thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện phức tạp…
Quảng Nam đề xuất bổ sung dự án thuỷ điện 1.200 tỷ đồng vào Quy hoạch Điện VIII
Tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng xem xét bổ sung Dự án Thủy điện Tăk Lê vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.
Dự án Thuỷ điện Tăk Lê được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2018, với công suất dự kiến ban đầu là 11,6MW, điện lượng dự kiến là 34,98 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất là 14,86ha, bình quân 1,28ha/1MW.
Đến tháng 1/2023, tỉnh Quảng Nam đã có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án Thủy điện Tăk Lê (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My). Công ty TNHH Thanh Bình làm chủ đầu tư.
Theo Quyết định điều chỉnh của tỉnh Quảng Nam, tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là hơn 1.250 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Công ty TNHH Thanh Bình để thực hiện dự án là 375 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30% tổng vốn đầu tư. Vốn huy động là hơn 875 tỷ đồng.
Quy mô dự án được điều chỉnh công suất thiết kế là 29,5 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là 89,975 triệu kWh. Diện tích đất sử dụng của dự án là 24,446ha.
Về tiến độ thực hiện dự án đến quý IV/2025, dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động chính thức.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thanh Bình là ông Phạm Cao Hiếu - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án Thủy điện Tăk Lê đã thực hiện nghiêm túc việc nộp tiền ký quỹ thực hiện đầu tư dự án sau khi được cấp chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Ngoài ra, dự án đã có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương, đã được cập nhật để đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Thanh Bình, doanh nghiệp đã bỏ ra chi phí lớn gồm tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện đầu tư dự án; tiền góp vốn đầu tư đường dây và trạm biến áp 110kV đấu nối dùng chung các dự án thủy điện khu vực Nam Trà My; tổng dự toán khoảng 350 tỷ đồng. Hạng mục này chủ đầu tư đã hoàn thành đưa vào vận hành từ năm 2022…
Theo chính quyền tỉnh Quảng Nam, nếu dự án chậm được đưa vào kế hoạch, chậm triển khai sẽ ảnh hưởng đến tiến độ theo cam kết, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án và doanh nghiệp.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng xem xét bổ sung dự án Thủy điện Tăk Lê vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.
Quảng Nam cho Công ty F.C.L thuê hơn 36 ha đất làm Thủy điện Sông Bung 3A
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định cho Công ty Cổ phần F.C.L thuê diện tích đất 362.367 m2 để thực hiện Dự án Thủy điện Sông Bung 3A. Cụ thể, UBND huyện Nam Giang quyết định thu hồi theo thẩm quyền: Đất hộ gia đình cá nhân: 54.142 m2, loại đất trồng cây hằng năm khác tại các Quyết định số: 106, 107, 108, 109, 110, 232 và số 233/QĐ-UBND ngày 23/01/2024; đất do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Giang quản lý: 301.510 m2, gồm: 136.204,24 m2 đất quy hoạch rừng phòng hộ và 165.305,76 m2 đất sông suối tại Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 23/01/2024 và đất do UBND xã Zuôih quản lý: 6.715 m2.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, diện tích đất trên được Nhà nước cho thuê theo hình thức trả tiền hàng năm. Thời hạn từ ngày có quyết định đến ngày 05/12/2068 (theo thời hạn hoạt động của dự án tại Quyết định số 3651/QĐ-UBND ngày 5/12/2018 của UBND tỉnh).
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần F.C.L. có trách nhiệm sử dụng đất đúng vị trí, diện tích, mục đích được Nhà nước cho thuê. Thực hiện dự án Thủy điện Sông Bung 3A theo đúng quy hoạch tổng mặt bằng và hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 889/QĐ-BTNMT ngày 5/4/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, ký Hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Quản lý đất đai thực hiện việc luân chuyển hồ sơ địa chính đến cơ quan Thuế để xác định đơn giá đất cho thuê và đến Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam để chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Giang, UBND xã Zuôih và UBND xã Chà Vàl bàn giao đất trên thực địa cho Công ty Cổ phần F.C.L theo quy định.
Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm thông báo đơn giá đất thuê và tiền thuê đất của Công ty Cổ phần F.C.L phải nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành.
UBND huyện Nam Giang có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Zuôih và UBND xã Chà Vàl phối hợp với Chi cục Quản lý đất đai tổ chức bàn giao đất ngoài thực địa cho Công ty Cổ phần F.C.L theo quy định. Chỉ đạo các phòng, ban và địa phương có liên quan theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần F.C.L.
Được biết, Dự án Thuỷ điện Sông Bung 3A được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Quyết định chủ trương đầu tư lần đầu vào ngày 5/12/2018 (theo Quyết định số 3651), điều chỉnh lần thứ I vào ngày 9/12/2019 (theo Quyết định số 4000); dự án có quy mô công suất 20 MW, được đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Zuôih và xã Chà Vàl, huyện Nam Giang.
Đến ngày 20/10/2022, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định số 2822/QĐ-UBND về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án Thủy điện Sông Bung 3A do Công ty cổ phần F.C.L làm chủ đầu tư.
Nội dung tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh cụ thể từ ngày 5/12/2018 đến tháng 2/2023 hoàn thành các hồ sơ, thủ tục về đầu tư, giải phóng mặt bằng, môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy, xây dựng. Từ tháng 2/2023 thi công xây dựng, hoàn thành các hạng mục công trình chính vào tháng 2/2025.
Ngoài ra, dự án thực hiện tích nước hồ chứa trong tháng 1/2025; phát điện tổ máy H1, tổ máy H2 và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động chính thức trong tháng 3/2025.
Bình Dương xem xét đầu tư Cảng cạn An Điền 255 tỷ đồng
Ngày 3/6, tại phiên họp UBND tỉnh Bình Dương lần thứ 62 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh cho ý kiến về Dự án Cảng cạn An Điền.
Bình Dương đang đẩy mạnh đầu tư các Dự án cảng cạn, các trung tâm logistics để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp - Ảnh minh họa: Lê Quân |
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, đã tiến hành thẩm định và thấy rằng Dự án Cảng cạn An Điền đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như chấp thuận nhà đầu tư.
Dự án Cảng cạn An Điền do Công ty cổ phần Bến Cát Logistics đề xuất tại phường An Tây, TP. Bến Cát với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 255 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đặt mục tiêu xây dựng Cảng cạn An Điền thành một cảng cạn hiện đại, với hệ thống kho bãi và trang thiết bị đồng bộ.
Theo đánh giá của các Sở, ban ngành của tỉnh Bình Dương, Dự án Cảng cạn An Điền phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu và quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn.
Nếu được UBND tỉnh Bình Dương thông qua trong năm nay thì nhà đầu tư dự kiến đưa vào khai thác từ quý I/2028.
Dự án này là một phần trong chiến lược phát triển logistics của tỉnh Bình Dương. Khi đi vào hoạt động sẽ là đầu mối tổ chức vận tải, kết nối các phương tiện vận tải hàng hóa, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả kinh tế khu vực.
Trong quy hoạch của Bình Dương, khu vực TP.Bến Cát còn có các dự án cảng cạn khác như Cảng cạn An Tây, Cảng cạn Rạch Bắp, cùng với các cảng cạn khác sẽ tạo thành một mạng lưới cảng cạn đồng bộ kết nối với các tuyến đường ĐT744, Vành đai 3, Quốc lộ 13 và các cảng biển tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lo thất thu phí Quốc lộ 5 khi xây dựng đường song hành vành đai 4 Hà Nội
Sau khi đường song hành vành đai 4 hoàn thành, các đường và đường địa phương sẽ đấu nối với đường song hành vành đai 4 tạo ra các cung đường để phương tiện tránh trạm thu phí số 1 Quốc lộ 5.
Trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5. |
Lo ngại này được Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) nêu ra trong văn bản vừa được gửi tới Bộ GTVT về ảnh hưởng của tuyến đường song hành vành đai 4 – vùng Thủ đô đến việc thu phí Quốc lộ 5 – hoàn vốn cho Dự án BOT đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Theo đó, VIDIFI đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công có các biện pháp để hạn chế người điều khiển ô tô sử dụng đường song hành đường vành đai 4 tránh Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5.
Nhà đầu tư Dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (bao gồm cả việc nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 5) cũng đề nghị cho phép này được nghiên cứu bổ sung một số trạm thu phí phụ tại một số tuyến đường đấu nối với Quốc lộ 5 và dịch chuyển Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5 về khu vực khoảng từ Km11+135 - Km12+00, Quốc lộ 5.
Được biết, đường vành đai 4 - vùng Thủ đô giao cắt Quốc lộ 5 ở vị trí khoảng Km18, Quốc lộ 5. Đây là đường trên cao, giao cắt khác mức với Quốc lộ 5, đường có mặt cắt ngang rộng 17,5m, 4 làn xe cơ giới. Cổng thu phí của Trạm thu phí số 1 QL5 nằm ở vị trí khoảng Km18+150, Quốc lộ 5.
Đường song hành hai bên đường vành đai 4 có quy mô nền 12m, mặt đường 11m, bố trí 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe máy, xe thô sơ rộng và giao cùng mức với Quốc lộ 5 và giao cùng mức với các đường trong Khu công nghiệp Hòa Phát và các đường địa phương. Tổ chức giao thông trên đường song hành đường vành đai 4 – vùng Thủ đô là đường 1 chiều.
Theo VIDIFI, hiện nay, tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng đường Quốc lộ 38, địa phương để tránh Trạm thu phí số 1 Quốc lộ 5 đang diễn ra phức tạp.
Nhiều phương tiện đi trên Quốc lộ 5 theo hướng từ Hải Phòng lên đến nút giao Quốc lộ 38 rẽ vào Quốc lộ 38 để đi các tỉnh phía bắc, các phương tiện khác tiếp tục đi trên Quốc lộ 5 đến đường tỉnh 380 (nút giao Phố Nối), hoặc đường huyện 13 (nút giao Khu công nghiệp Hòa Phát) thì rẽ vào đường địa phương, đi trên Tỉnh lộ 385 và nhập lại Quốc lộ 5 tại nút giao thị trần Như Quỳnh để tránh Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5.
Hướng ngược lại, các phương tiện đi theo Quốc lộ 38, đường địa phương để nhập vào Quốc lộ 5 tại các nút giao trên.
Số liệu đếm xe ô tô trên Quốc lộ 5 trong quý I/2024 tại Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5 và các vị trí trước sau trạm thu phí đã thể hiện một phần nào tình trạng xe tránh trạm hiện nay.
Theo đó, tại vị trí Km12+300 (trước trạm thu phí) lưu lượng các phương tiện là 38.867 lượt/ngày đêm; tại Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5 (Km18+150) là 21.794 lượt xe/ngày đêm; tại vị trí Km58+800, Quốc lộ 5 (sau trạm thu phí) là 36.787 lượt xe/ngày đêm.
Điều đáng nói là sau khi đường song hành vành đai 4 hoàn thành, các đường Khu công nghiệp và đường địa phương đấu nối với đường song hành đường Vành đai IV sẽ tạo ra các cung đường để các phương tiện tránh trạm thu phí số 1 QL5 rất thuận lợi.
Cụ thể, các phương tiện đi trên Quốc lộ 5 từ Hải Phòng về Hà Nội đến nút giao Khu công nghiệp Hòa Phát (Km19+150), cách trạm thu phí khoảng 864m sẽ rẽ phải vào đường Khu công nghiệp Hòa Phát hoặc rẽ trái đường địa phương có kết nối với đường song hành đường vành đai 4, sau đó đi theo đường song hành đường vành đai 4 đi ra Quốc lộ 5 để về Hà Nội, tránh Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5.
Các phương tiện đi trên Quốc lộ 5 theo hướng Hà Nội – Hải Phòng, khi đến nút giao vành đai 4 sẽ rẽ vào đường song hành đường vành đai 4 và đi vào đường Khu công nghiệp Hòa Phát hoặc đường địa phương để đi ra Quốc lộ 5 tại nút giao Km19+150, từ đó tiếp tục đi trên Quốc lộ 5 để đi Hải Phòng, tránh Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5.
“Điều này gây thất thu tiền thu phí, ảnh hưởng đến phương án tài chính của Hợp đồng BOT Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và nguồn thu của Nhà nước, đồng thời gia tăng tai nạn giao thông, hư hỏng kết cấu hạ tầng và gây ùn tắc giao thông tại các đường địa phương”, lãnh đạo VIDIFI lo lắng.
Thẩm định phương án đấu giá 1,3 triệu m³ cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu vừa ký văn bản về việc phê duyệt phương án đấu giá chi tiết vật liệu cát đổ nền sau nạo vét Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (thành phố Hội An).
Dự án nạo vét sông Cổ Cò đã tạo ra lượng cát lớn. |
Chính quyền tỉnh Quảng Nam giao Sở tài chính chủ trì nghiên cứu nội dung phương án đấu giá chi tiết vật liệu cát đổ nền sau nạo vét Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh.
Đồng thời rà soát, kiểm tra, thẩm định, tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt theo đúng quy định.
Việc triển khai dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (thành phố Hội An) đã tạo ra một lượng cát lớn khoảng 1,3 triệu m3, được tập kết ở một số khu vực dọc theo bờ sông.
Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đấu giá, nhưng sau 2 lần bán đấu giá, không có tổ chức, cá nhân nào tham gia.
Giá khởi điểm để bán đấu giá vật liệu (cát) sau nạo vét Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 2216 ngày 24/8/2022 có đơn giá là 144.000 đồng/m³.
Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò có tổng vốn đầu tư 1.230 tỷ đồng, gồm 2 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 được tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018. Khối lượng thực hiện gồm nạo vét đoạn sông từ Km0 - Km14 đạt tiêu chuẩn sông cấp IV, xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu Nguyễn Duy Hiệu, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 (HA/W3) được phê duyệt năm 2020 với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Cần Thơ: Lập đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 KCN công nghệ cao quận Ô Môn
Ngày 4/6, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển đã ký ban hành Quyết định số 1231/QĐ-UBND phê duyệt đề cương, dự toán chi phí lập đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn.
Đến năm 2030, Cần Thơ có thêm 7 khu công nghiệp thành lập mới với tổng diện tích gần 6.486 ha. (Trong ảnh: Khu công nghiệp Trà Nóc - TP. Cần Thơ. Ảnh: Thu Hà) |
Vị trí lập quy hoạch tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, với quy mô diện tích khu đất quy hoạch khoảng 250 ha. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng và cơ quan thẩm định là Sở Xây dựng TP. Cần Thơ.
Mục tiêu lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn nhằm phục vụ công tác quản lý quy hoạch sau khi quy hoạch thành phố được ban hành, đồng thời phục vụ công tác mời gọi đầu tư.
Nội dung thực hiện quy hoạch gồm lập nhiệm vụ quy hoạch; khảo sát hiện trạng địa hình, kiến trúc, cảnh quan; thu thập tài liệu thông tin về khu vực Dự án, các đồ án đã được phê duyệt, trong đó bao gồm các yếu tố địa hình, địa vật, kiến trúc, giao thông, thuỷ văn, thực vật phủ, các định hướng phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đến đồ án quy hoạch. Đánh giá tổng hợp.
Lập phương án quy hoạch phân khu: trên cơ sở, phân tích đánh giá hiện trạng, các đồ án đã phê duyệt, cập nhật các định hướng liên quan, đề xuất phương án cơ bản đảm bảo đạt được mục tiêu đề.
Theo Quyết định nêu trên, dự toán chi phí lập quy hoạch xây dựng tạm tính hơn 2 tỷ đồng, từ nguồn vốn vốn đầu tư công. Thời gian thực hiện năm 2024 - 2025.
Theo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 2/12/2023, đến năm 2030, Cần Thơ có 14 khu công nghiệp thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, với diện tích khoảng 7.473 ha, gồm: 7 khu công nghiệp đã thành lập có diện tích 987,57 ha; 7 khu công nghiệp thành lập mới (khi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp) có diện tích dự kiến 6.485,75 ha (trong đó, Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn có diện tích 250 ha).
Trình phương án đầu tư PPP cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trị giá 19.617 tỷ đồng
UBND TP.HCM vưa có Tờ trình số 3080/TTr - UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tưDự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Phối cảnh một nút giao trên cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. |
Tại Tờ trình này, UBND TP.HCM khẳng định Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả Dự án và các tài liệu liên quan đã được giải trình, làm rõ, hoàn thiện theo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành; đảm bảo đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo quy định.
Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1), Dự án có điểm đầu giao với đường vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM; điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 (tại lý trình Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Tổng chiều dài Dự án khoảng 50,977km, trong đó đoạn qua địa phận TP.HCM là 24,66km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26,317km. Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có quy mô 6 làn xe cao tốc.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 1, Dự án được xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc với chiều rộng nền đường 25,5m; giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 120 tương đương vận tốc thiết kế 120km/h.
Dự kiến, tuyến sẽ bắt đầu từ đường vành đai 3 TP.HCM, hướng tuyến cao tốc đi gần song song với đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) và cách Quốc lộ 22 về phía bên phải theo hướng tuyến (về phía Bắc) khoảng 2km đến 4km. Đoạn qua địa phận TP.HCM đến Tỉnh lộ 8 tuyến, rẽ phải để tránh Khu quân sự Đồng Dù, sau đó rẽ trái khoảng Km16 để đi song song với đường sắt quy hoạch và đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tuyến cắt qua Đường tỉnh 787B, đường Hồ Chí Minh, Đường tỉnh 782, Quốc lộ 22B, tuyến đi đến khu vực Gò Dầu (Km38+700); tại đây, tuyến rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 370 , tuyến cắt Quốc lộ 22B gần khu vực Km41+000, tuyến rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 600 , vượt sông Vàm Cỏ đi về phía Quốc lộ 22 - giao với Quốc lộ 22 tại Km53+850.
Dự án dự kiến đầu tư xây dựng 8 nút giao liên thông, trong đó 5 nút giao được đầu tư trong dự án TP.HCM- Mộc Bài (vành đai 3, Tỉnh lộ 8, Đường tỉnh 787B, Quốc lộ 22B, Quốc lộ 22); 3 nút giao được đầu tư trong dự án khác (vành đai 4, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Gò Dầu – Xa Mát). Trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 nút giao khác mức liên thông (Vành đai 3, Tỉnh lộ 8, Đường tỉnh 787B, Quốc lộ 22B) và 1 vị trí cuối tuyến giao bằng với Quốc lộ 22.
Tổng mức đầu tư sơ bộ Dự án là 19.617 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị (bao gồm 2.900 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng công trình bằng vốn Ngân sách TP.HCM) là 9.273 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác (đã bao gồm chi phí chuẩn bị dự án khoảng 45 tỷ đồng) là 695 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật (đã bao gồm chi phí dự phòng) là 6.774 tỷ đồng; chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị và trượt giá là 1.594 tỷ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng là 1.281 tỷ đồng.
Phần vốn Nhà nước tham gia Dự án là 9.674 tỷ đồng, chiếm 49,31% tổng mức đầu tư dự án, trong đó phần vốn Trung ương tham gia là 2.872 tỷ đồng, hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng Dự án (chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM là 1.368 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 1.504 tỷ đồng).
Phần vốn ngân sách TP.HCM là 6.802 tỷ đồng (chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM là 3.902 tỷ đồng; chi phí hỗ trợ xây dựng công trình là 2.900 tỷ đồng).
Phần vốn nhà đầu tư BOT là 9.943 tỷ đồng (bao gồm 45 tỷ đồng chi phí chuẩn bị dự án theo Khoản 1 Điều 73 của Luật PPP được bố trí trước từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố và sẽ được nhà đầu tư được lựa chọn hoàn trả lại cho ngân sách Thành phố), chiếm 50,69% tổng mức đầu tư Dự án.
Theo tính toán, thời gian hoàn vốn Dự án dự kiến 14 năm 10 tháng; thời gian thực hiện hợp đồng: dự kiến 16 năm 9 tháng (sẽ được xác định cụ thể trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư). Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho Cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Tại Tờ trình số 3080, UBND TP.HCM dự kiến thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2024 đến năm 2029, trong đó thời gian chuẩn bị dự án là năm 2024; lựa chọn nhà đầu tư là từ năm 2024 đến 2025; giải phóng mặt bằng, tái định cư là từ năm 2024 đến năm 2025; khởi công dự án vào tháng 6/2025; thi công xây dựng công trình là từ năm 2025 đến năm 2027.
UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật PPP trong quá trình kinh doanh, khai thác công trình.
Cụ thể, khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại Hợp đồng Dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính.
Việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP theo quy định tại Điều 50, Điều 51 và Điều 65 Luật PPP và được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần tăng doanh thu.
Khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế.
Việc chia sẻ phần giảm doanh thu được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện sau đây: quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn Hợp đồng dự án PPP theo quy định tại các Điều 50, Điều 51 và Điều 65 Luật PPP nhưng chưa bảo đảm mức doanh thu tối thiểu là 75%; đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.
Nguồn vốn dự kiến sử dụng để chi trả phần giảm doanh thu tại Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) là từ nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương.
UBND TP.HCM dự kiến phân chia Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) thành 4 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1: đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức PPP; tổng mức đầu tư 10.421 tỷ đồng. UBND TP.HCM là Cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện
Dự án thành phần 2: đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc; tổng mức đầu tư 2.422 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo phương thức đầu tư công, UBND TP.HCM là Cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đoạn qua TP.HCM; tổng mức đầu tư 5.270 tỷ đồng. Dự án đầu tư theo phương thức đầu tư công, UBND TP.HCM là Cơ quan chủ quản
Dự án thành phần 4: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh; tổng mức đầu tư 1.504 tỷ đồng. Dự án đầu tư theo phương thức đầu tư công, UBND tỉnh Tây Ninh là Cơ quan chủ quản.
Quảng Ngãi sẽ tổ chức đấu giá 48 mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng
Ngày 4/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch này, tổng số mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường, được cấp thẩm quyền đưa ra đấu giá là 48 mỏ, gồm cát, đất và đá, với tổng diện tích lên đến khoảng 577 ha.
Thời gian được ấn định để đưa ra 48 mỏ khoáng sản nêu trên ra đấu giá là trong năm 2024. Riêng đối với các mỏ cát, việc đưa ra tổ chức đấu giá chậm nhất là ngày 30/7/2024. Trường hợp trong năm 2024 chưa thực hiện đấu giá hết thì sẽ chuyển số mỏ còn lại sang đấu giá những năm tiếp theo.
UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Tài nguyên và Môi trường, thông báo công khai danh mục khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá; thông tin cơ bản về điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản.
Xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá; thông báo công khai về việc lựa chọn tổ chức đấu giá; xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước cho khu vực mỏ khoáng sản đưa ra đấu giá…
Lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành.
Các Sở Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tài chính, Tư Pháp và UBND huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ có sự phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện tổ chức đấu giá.
Trong quá trình tổ chức và thực hiện đấu giá, nếu có khó khăn và vướng mắc, Sở Tài nguyên và Môi trường cần báo cáo kịp thời, tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, quyết định.
Trình hồ sơ dự án cầu đi bộ 1.000 tỷ đồng qua sông Sài Gòn trong tháng 6/2024
Thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải cho biết, Sở vừa chủ trì họp thẩm định hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tưDự án xây dựng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn (kết nối công viên bến Bạch Đằng, Quận 1 với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức).
Phối cảnh cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn |
Sau khi thẩm định hồ sơ Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh hồ sơ. Dự kiến, trong tháng 6/2024 sẽ trình UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Theo Sở Giao thông Vận tải, cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn có thiết kế phức tạp, khác với các cầu vượt đường bộ thông thường. Cầu có thể chịu được động đất cấp độ 7, chịu được tải trọng lớn bởi trong tương lai sẽ tổ chức các sự kiện lớn tập trung đông người trên cầu.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood tài trợ toàn bộ. Theo kế hoạch Dự án sẽ khởi công vào ngày 30/4/2025, hoàn thành năm 2027.
Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn được thiết kế cầu hình lá dừa nước, có chiếu sáng mỹ thuật và bố trí thác nước tuần hoàn. Với kiến trúc độc đáo, cây cầy này được kỳ vọng tạo sức hút với người dân và du khách khi đến TP.HCM.
Cầu đi bộ dự kiến xây dựng ở vị trí giữa cầu Ba Son và hầm sông Sài Gòn. Điểm đầu của cầu phía quận 1 nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng, điểm đầu phía TP Thủ Đức tại công viên bờ sông thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
TP.HCM lên kế hoạch đầu tư 2 công viên lớn, tổng vốn đầu tư 13.900 tỷ đồng
Ban Quản lý Dự ánđầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Ban Hạ tầng đô thị) vừa ban hành Quyết định số 117/QĐ-BHTĐT về kế hoạch phát triển công viên cây xanh trên địa bàn Thành phố.
Một góc công viên Tao Đàn, Quận 1, TP.HCM Ảnh: Lê Quân |
Theo kế hoạch, giai đoạn 2024-2025 sẽ phát triển tối thiểu 68 ha công viên công cộng, tối thiểu 4 ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh.
Giai đoạn 2026-2030, Thành phố sẽ tập trung đầu tư các công viên quy mô lớn tại TP. Thủ Đức, Quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn để đảm bảo chỉ tiêu cây xanh công cộng trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 đạt không dưới 1 m2/ người (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025).
Trong giai đoạn từ 2024-2025, Ban Hạ tầng đô thị sẽ lập và trình chủ trương đầu tư 5 dự án công viên để chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2026-2030.
Trong đó có 2 công viên quy mô lớn gồm Khu công viên cây xanh 150 ha, tại phường Thạnh Xuân, Quận 12, vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024-2030. Dự án lớn thứ 2 là Khu lâm viên sinh thái 128 ha tại TP. Thủ Đức vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng, cũng thực hiện từ năm 2024-2030.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của Chương trình Phát triển công viên, cây xanh giai đoạn 2020 -2025 là kinh phí để đầu tư xây dựng công viên.
Để hoàn thành chỉ tiêu tăng thêm 150 ha đất công viên công cộng – tương đương 0,65 m²/người (quy mô dân số ước tính 10 triệu người), theo Quyết định số 2198/QĐ-UBND thì Thành phố cần đầu tư tối thiểu 54 dự án với kinh phí ước tính 9.011 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Trong số 8 dự án này, HĐND và UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 4 dự án với tổng kinh phí 1.590 tỷ đồng.
Một khó khăn nữa là việc mời gọi đầu tư đối với lĩnh vực công viên cây xanh hiện nay không thể thực hiện được do quy định tại Luật Đầu tư số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020 của Quốc hội và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ thì công viên cây xanh không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và xã hội hóa. Vì vậy, chưa khuyến khích các nguồn lực bên ngoài tham gia thực hiện.
Hiện tại, diện tích công viên tại TP.HCM chỉ có hơn 500 ha, tương ứng khoảng 0,55 m2/người, chỉ số này thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn cây xanh đô thị là 15 m2/người.
Đầu tư 692 tỷ đồng xây 2,7 km đường kết nối 2 tuyến cao tốc phía Bắc
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 699/QĐ - BGTVT Phê duyệt đầu tưDự án đầu tư tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Một đoạn cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. |
Dự án có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; điểm cuối vuốt nối về đường Hồ Chí Minh hiện hữu; tổng chiều dài tuyến khoảng 2,736 km, bao gồm 2 hạng mục: đường cao tốc chính tuyến và đường gom.
Đối với đường cao tốc, Dự án sẽ đầu tư mở rộng 2 làn xe bên trái đường hiện hữu, bề rộng nền đường mở rộng 12,75m (đảm bảo quy mô hoàn thiện 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m); đường gom đạt quy mô đường giao thông nông thôn cấp B có nền đường rộng 5m, mặt đường rộng 3,5m; đường hoàn trả có thiết kế phù hợp với cấp đường hiện trạng.
Hướng tuyến của Dự án bám theo hướng tuyến đường Hồ Chí Minh đang khai thác. Bình đồ tuyến được thiết kế đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của cấp đường; phù hợp với các quy hoạch liên quan; tận dụng tối đa các hạng mục đã được đầu tư xây dựng và phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1 của đường Hồ Chí Minh, phối hợp với yếu tố cắt dọc, cắt ngang đảm bảo hài hoà, kinh tế - kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài.
Dự án xây dựng 1 cầu trên đường cao tốc vượt Đường tỉnh315B; sơ đồ cầu vượt phù hợp với quy hoạch của ĐT.315B và Quy hoạch chung thị xã Phú Thọ; bố trí 5 hầm chui trên tuyến chính và tuyến nhánh nút giao liên thông, kết cấu bằng bê tông cốt thép.
Đối với hệ thống thu phí, giao thông thông minh (ITS), kiểm tra tải trọng xe, trạm dừng nghỉ, trước mắt Dự án chỉ xây dựng hạ tầng của hệ thống giao thông thông minh (bể cáp kỹ thuật, ống bảo vệ cáp...) trên tuyến.
Trong quá trình thực hiện tiếp theo, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra căn cứ các chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT và quy định pháp luật, tiếp tục nghiên cứu đầu tư đảm bảo thống nhất với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và đường Hồ Chí Minh đoạn Phú Thọ - Cổ Tiết,… đảm bảo đồng bộ, thuận lợi trong khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Với quy mô xây dựng như trên, Dự án đầu tư tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có tổng mức đầu tư 692,565 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương (được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022). Tiến độ thực hiện Dự án là cơ bản hoàn thành năm 2025.
Bộ GTVT giao Sở GTVT Phú Thọ thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện Dự án tuân thủ quy định; thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư Dự án theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT trong quá trình quản lý, thực hiện Dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ra công điện về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có Công điện gửi lãnh đạo các bộ ngành, địa phương để đốc thúc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các Dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và hoàn thành thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định.
Chính phủ luôn đốc thúc phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. |
Lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải ra Công điện là vì, đến hết tháng 5/2024, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 148 tỷ đồng, bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bên cạnh một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Bên cạnh đó, còn có 5 bộ, cơ quan trung ương, 10 địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Và còn 6 địa phương chưa đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương hoặc bố trí ngân sách địa phương để thu hồi hoặc chưa thu hồi đủ vốn ứng trước.
Theo đó, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân đầu tư công.
Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước.
“Xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; kết quả giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án được phân công theo dõi là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 người đứng đầu”, Công điện của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Cũng theo Công điện, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tăng cường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, như kịp thời công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng bảo đảm đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật; chủ động phối hợp với các địa phương lân cận có nguồn mỏ vật liệu, đất, cát… nghiên cứu, dành một phần trữ lượng để điều phối, cung ứng cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trên địa bàn, đang bị thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo đủ vật liệu theo tiến độ cho nhu cầu thi công của các dự án…
Cùng với đó, chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định, để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.
“Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm; khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng”, Công điện nêu rõ.
Một nội dung quan trọng khác cũng đã được đề cập, đó là phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh quá trình tiếp nhận, đàm phán, ký kết, phê chuẩn hiệp định vay vốn ODA; quản lý, sử dụng vốn vay ODA; đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối thông tin, báo cáo giải trình, giám sát sự tuân thủ quy định, quy trình, tiến độ, hiệu quả, mục tiêu của dự án, tránh bị động trong triển khai thực hiện dự án sử dụng vốn ODA, giảm thiểu các điều chỉnh dự án, gây thiệt hại về vốn và hiệu quả dự án.
Đồng thời, tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.
Riêng đối với 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án, kiên quyết thực hiện việc điều chuyển cán bộ đối với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Tương tự như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đề nghị các bộ ngành, địa phương sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; cũng như thực hiện việc thu hồi vốn ứng trước theo quy định.
Đề xuất ACV nghiên cứu đầu tư Dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 2
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai giai đoạn 2 của Dự ánđầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV lập nghiên cứu phương án triển khai giai đoạn 2 của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thi công Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Long Thành giai đoạn 1. |
Trước đó, tại Nghị quyết số 94/2015/QH13, Quốc hội đã xác định quy mô đầu tư theo từng giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm; giai đoạn 3 hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Cũng tại Nghị quyết này, Quốc hội giao “Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư”.
Theo Bộ GTVT, để có thể triển khai công tác san lấp mặt bằng khu vực nhà ga hành khách T3 và xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2, Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua.
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã có các văn bản đề nghị ACV nghiên cứu phương án triển khai giai đoạn 2 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, báo cáo Bộ GTVT để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Theo báo cáo của ACV, các hạng mục nêu trên không nằm trong phạm vi của Dự án giai đoạn 1 nên chưa xác định được chủ đầu tư, chưa được thu xếp nguồn vốn, chưa được quy định phạm vi sử dụng đất.
“Những nội dung này cần được làm rõ tại Báo cáo nghiên cứu khả thi để cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án trước khi triển khai đầu tư xây dựng. Vì vậy, ACV đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền để có chủ trương chỉ đạo”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Bên cạnh đó, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 do ACV thực hiện. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, vào tháng 8/2016, Thủ tướng đã giao ACV tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của Dự án.
Theo nội dung hồ sơ trình phê duyệt đầu tư giai đoạn 1, ACV đã xây dựng kế hoạch kinh doanh, tích lũy nguồn tiền để thực hiện Dự án giai đoạn 2 và định hướng cho giai đoạn 3, trong đó tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2 khoảng 48.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2028 - 2032.
Bộ GTVT cho biết, thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1 cũng như nhu cầu, thời điểm đầu tư giai đoạn 2 phụ thuộc vào chủ đầu tư và doanh nghiệp khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai là ACV. Hiện nay, ACV là doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, không thuộc quản lý của Bộ GTVT.
Trước đó, tại Thông báo số 215/TB-VPCP ngày 8/6/2023 và số 70/TB-VPCP ngày 28/2/2024, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án triển khai giai đoạn 2 của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường cất hạ cánh thứ 2 để đầu tư ngay sau khi hoàn thành dự án giai đoạn 1.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Sân bay được xây dựng đạt cấp 4F, là cảng hàng không quốc tế quan trọng của Việt Nam, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực. Dự án có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư khái toán toàn bộ dự án là khoảng 16,06 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,45 tỷ USD.
Hiện nay, trên công trường Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế với hơn 2.000 máy móc đang ngày đêm tăng tốc thi công các gói thầu. Các gói thầu quan trọng đang được tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành, đưa sân bay vào khác vào cuối năm 2025.
Khởi công xây dựng 29 km đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên, Tuyên Quang
Sáng 7/6, tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Bộ GTVT đã tổ chức lễ triển khai thi công Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn đoạn qua tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang.
Các đại biểu thực hiện nghi thức triển khai Dự án. |
Dự án có tổng chiều dài khoảng 28,98 km; điểm đầu tại Chợ Chu (điểm cuối đoạn Chợ Mới - Chợ Chu), huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên; điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn (giao cắt với Quốc lộ 2C) huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 1.665 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và dự kiến hoàn thành vào năm 2025 này được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III miền núi vận tốc thiết kế 60km/h quy mô 2 làn xe; bề rộng nền đường 9m; riêng đoạn tuyến đi qua thị xã Trung Sơn có chiều rộng nền đường 14 m, bề rộng cầu phù hợp với bề rộng nền đường.
Hai gói thầu xây lắp chính của Dự án là XL1, XL2 đều có sự góp mặt của Tập đoàn Sơn Hải trong vai trò là nhà thầu chính hoặc thành viên liên danh trúng thầu, thi công.
Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng) điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau) dài 3.183 km (tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km). Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành 2.488/2.744km và khoảng 258 km tuyến nhánh, còn lại 256km đang triển khai, trong đó đoạn Chợ Chu Ngã Ba - Trung Sơn là dự án thành phần cuối cùng được đầu tư xây dựng để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.
“Khi hoàn thành, tuyến Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn tạo thành một hệ thống giao thông đường bộ liên vùng, giảm tải lưu lượng cho các tuyến đường bộ trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang nói riêng và khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc nói chung, qua đó sẽ khai thác hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông lớn của quốc gia”, ông Lâm cho biết.
TP.HCM thu gần 6 tỷ đồng mỗi ngày từ phí hạ tầng cảng biển
Kể từ khi triển khai hoạt động thu phí cảng biển từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/5/2024, TP.HCM đã thu được 4.717 tỷ đồng. Bình quân đạt 5,96 tỷ đồng mỗi ngày.
Kể từ khi triển khai hoạt động thu phí cảng biển từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/5/2024, TP.HCM đã thu được 4.717 tỷ đồng. Ảnh: Anh Quân |
Thông tin được ông Hoàng Phúc Dũng, Phó Trưởng Phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho biết trong phiên họp báo thường kỳ, ngày 6/6.
Số tiền thu được, ông Dũng cho biết Thành phố triển khai xây dựng một số Dự án để tăng cường kết nối các cảng biển, cụ thể: Xây dựng nút giao An Phú (tiến độ hoàn thành khoảng 40%, dự kiến hoàn thành tháng 12/2025); Xây dựng nút giao Mỹ Thủy (tiến độ hoàn thành khoảng 45%, dự kiến hoàn thành tháng 1/2026).
Ngoài ra, Thành phố cũng hoàn thành thi công mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy. Phần tổ chức giao thông sẽ hoàn thành trong tháng 6/2024.
“Việc đầu tư các dự án giao thông trên cần nguồn vốn đầu tư lớn, số tiền thu phí cảng biển chỉ bổ sung một phần nguồn kinh phí để thực hiện các dự án”, ông Dũng nói thêm.
Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã phản ánh, cuối năm 2020, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết ban hành mức thu phí hạ tầng cảng biển, triển khai từ ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, HĐND thành phố đã hai lần thông qua nghị quyết lùi thời hạn thu phí và chính thức thu từ 1/4/2022.
Tuy nhiên, từ khi triển khai thu phí, các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đã có một số ý kiến liên quan đến đối tượng thu phí và mức phí áp dụng khác nhau giữa mở tờ khai trong và ngoài Thành phố cần phải điều chỉnh. Do đó, Thành phố đã nghiên cứu, sửa đổi theo hướng miễn, giảm mức phí với một số đối tượng kể từ ngày 1/8/2022.
Theo đó, mức thu đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng quá cảnh là 50.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container, hàng đóng ghép chung container của nhiều chủ hàng; 2,2 triệu đồng/container loại 20ft và 4,4 triệu đồng/container 40ft.
Đối với hàng gửi khi ngoại quan, hàng chuyển khẩu được đưa vào khu vực kho bãi thuộc các cảng biển thành phố (không đưa vào kho ngoại quan và khu vực trung chuyển) cũng như hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, áp dụng mức thu 15.000 đồng/tấn cho hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container, hàng đóng ghép chung container của nhiều chủ hàng; 250.000 đồng/container 20ft; 500.000 đồng/container 40ft.
Thành phố miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh;
Hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy, theo hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.
Riêng đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy không thuộc trường hợp trên, mức phí thu sẽ giảm 50%.
Đầu tư 5.643 tỷ đồng xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Phúc Long mở rộng
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 482/QĐ-TTg ngày 6/6/2024 về chủ trương đầu tưDự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phúc Long mở rộng, tỉnh Long An.
Theo Quyết định, Phó thủ tướng chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phúc Long mở rộng, tỉnh Long An với quy mô sử dụng đất của dự án là 328,82 ha; tổng vốn đầu tư 5.642,77 tỷ đồng.
Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Phúc Long. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức và xã Long Định, Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Thời gian hoạt động của dự án kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đến hết ngày 29/12/2059.
UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cập nhật quy mô diện tích khu công nghiệp Phúc Long mở rộng vào kế hoạch sử dụng đất tỉnh Long An 05 năm 2021-2025 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu đất trồng lúa đến năm 2025 và đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An.
UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An và các cơ quan có liên quan rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Phúc Long mở rộng đã được phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; đảm bảo kết nối hạ tầng giữa khu công nghiệp Phúc Long hiện hữu và khu công nghiên Phúc Long mở rông để nâng cao hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An và các cơ quan có liên quan yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về khoáng sản; phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm cho thuê đất; giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, việc sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án và việc đáp ứng đủ các điều kiện của nhà đầu tư; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư về việc đảm bảo điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Phúc Long chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo đúng cam kết để thực hiện dự án và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai và Điều 45 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Xem thêm tại baodautu.vn