Huy động chậm hơn tín dụng có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất
Theo đó, tiền gửi của khu vực dân cư tăng 6,5% so với đầu năm, đạt 6,96 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của nhóm tổ chức kinh tế tăng 3,43%, đạt hơn 7,07 triệu tỷ.
Tốc độ huy động của các ngân hàng 9 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023 là 7,3%.
Tuy nhiên, huy động vốn đã cải thiện đáng kể trong quý 3/2024, khi cũng theo số liệu từ NHNN, huy động vốn của toàn ngành đến hết tháng 6/2024 mới tăng khoảng 1,5% so với đầu năm.
Trước đó, theo NHNN, tính đến ngày 30/9/2024, tín dụng tăng 9% so với đầu năm. Còn theo thông báo mới nhất đến 7/12/2024 tín dụng đã đạt được 12,5%.
Điều này nghĩa là tốc độ huy động vốn chậm hơn so với tín dụng. Theo các chuyên gia, tình trạng này sẽ khiến chênh lệch giữa dư nợ cho vay và số dư tiền gửi duy trì ở mức cao.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, thực trạng trên có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động, đặc biệt ở các ngân hàng quy mô nhỏ.
Theo ghi nhận trên thị trường từ các ngân hàng, tính từ đầu tháng đến nay đã có 6 ngân hàng tăng lãi suất, bao gồm: Dong A Bank, ABBank, IVB, TPBank, GPBank và MSB.
Ở chiều ngược lại, Bac A Bank, ABBank, VIB, IVB và LPBank là những ngân hàng giảm lãi suất.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đã tăng trung bình khoảng gần 1 điểm % từ mức đáy trong tháng 3/2024.
Nhưng nhiều tháng qua, 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank) đang duy trì mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài thấp nhất trên thị trường, ở mức từ 4,7-4,8%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn vào khoảng 5-5,5%/năm, ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ hơn vào khoảng 5,5%-6%/năm...
Thậm chí, một số ngân hàng đưa lãi suất tiền gửi lên 7-9,5%/năm, nhưng để được nhận mức lãi suất này cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt, với số tiền gửi phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển nhận định, dù lãi suất huy động nhích lên nhưng thị trường không xuất hiện tình trạng thu hút dòng tiền bằng việc chạy đua lãi suất cao như những năm trước.
Hiện nay, lãi suất VND ở mức 5%/năm là hợp lý, ổn định, qua đó sẽ góp phần ổn định thị trường vốn.
Theo thông tin mới đây từ NHNN, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). |
Nhưng cũng theo TS. Hiển, lãi suất tiền gửi tại các nước phát triển đều rất thấp, chỉ nhỉnh hơn so với chỉ số lạm phát.
Ở Việt Nam, lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối dao động dưới 5%/năm, là mức lãi suất rất hợp lý, chênh lệch với lạm phát khoảng 1%.
Điều đáng mừng là việc giữ mức lãi suất huy động thấp nhằm có thêm dư địa để giữ ổn định lãi suất cho vay.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 7/12/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, nguồn vốn huy động năm 2024 đảm bảo hài hoà, lãi suất đầu ra đã giảm tích cực. Tính đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96% so với đầu năm.
Vì thế, báo cáo của VCBS dự báo, trong bối cảnh lạm phát trong khả năng kiểm soát, xu hướng tăng của tỷ giá chững lại, áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất giảm bớt, nên lãi suất có thể ổn định và đi ngang trong thời gian tới.
Về lãi vay, theo VCBS, chất lượng tín dụng và lãi suất cho vay vẫn được NHNN theo dõi sát sao.
Theo đó, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.
Tuy vậy, vẫn có sự phân hóa giữa từng ngành nghề và doanh nghiệp, cũng như khẩu vị rủi ro giữa các ngân hàng thương mại hiện nay.
Cụ thể cho năm 2025, các chuyên gia Công ty Chứng khoán VPBankS dự báo, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ hoặc đi ngang, tùy thuộc vào diễn biến kinh tế và chính sách tiền tệ của NHNN.
Sự phân hóa về lãi suất giữa các ngân hàng sẽ trở nên rõ ràng hơn, cũng như chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như mức độ phục hồi kinh tế và lạm phát.
VPBankS nhận định đây sẽ là một năm ổn định nhưng đầy thách thức đối với các ngân hàng trong việc cân đối giữa huy động vốn và lợi nhuận.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn