Huy động vốn có thể tăng hơn 10% và tín dụng tăng 14,1% trong năm nay
Đây là thông tin đáng chú ý từ Kết quả điều tra Xu hướng kinh doanh quý III/2024 của Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước .
Các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ tốt hơn trong quý III, khi nền kinh tế có nhiều diễn biến tích cực và phục hồi; trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Theo khảo sát, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,3% trong quý III/2024 và tăng 10,1% trong năm 2024, điều chỉnh cao hơn mức dự báo 9,9% ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Đây cũng là yếu tố được các chuyên gia ngoài các TCTD tham gia khảo sát cho rằng hoàn toàn có khả năng xảy ra, khi trên thị trường, các kênh đầu tư thụ động đang bớt hấp dẫn trong khi lãi suất huy động tăng trở lại, hứa hẹn việc thu hút dòng tiền tiết kiệm tiếp tục tăng trưởng.
Thực tế, "sóng" tăng lãi suất tiết kiệm đã được các ngân hàng duy trì từ tháng 5 đến nay với hàng chục đợt tăng lãi suất, thậm chí có ngân hàng tăng lãi suất tới 3-4 lần chỉ trong vòng 1 tháng.
Nếu tính trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận 24/36 ngân hàng thương mại trong nước tăng lãi suất huy động, trong khi chỉ có 2 ngân hàng giảm lãi suất ở một số kỳ hạn.
Dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng bình quân 3,7% trong quý III/2024 và tăng 14,1% trong năm 2024. |
Ngay từ đầu tháng 7, đã có thêm ngân hàng thông báo tăng lãi suất tiết kiệm như: SeABank, NCB, Eximbank.
Cách đây một tháng, hầu hết ngân hàng đều niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng dưới 4,9%/năm, nhưng hiện đã có nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất trên 5%/năm cho các kỳ hạn này. Đối với kỳ hạn 12 tháng, hầu hết các ngân hàng tư nhân đã trả lãi suất huy động từ 5% - 6%/năm.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ liên tục duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian tới.
Nguyên nhân của mặt bằng lãi suất cao xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý III với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND.
Các chuyên gia phân tích thuộc VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ trong quý III khoảng 0,3-0,5 điểm %. Đồng thời, áp lực tăng có thể gia tăng trong quý IV và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên với mức 0,5-1 điểm %.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính tới ngày 24/6/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%, gần đạt mục tiêu Chính phủ đề ra (đến hết quý II/2024 tăng 5-6%). Theo các chuyên gia, nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng này được duy trì, khả năng tín dụng cả năm đạt 15% không phải là mục tiêu bất khả thi.
Chẳng hạn, tại Vietcombank, tính tới giữa tháng 6/2024, tín dụng mới tăng 2,1%, song dự kiến đến hết ngày 30/6/2024 tăng 4,3%, đến hết ngày 30/9/2024 tăng 8,2% và đến cuối năm tăng 12%. Tín dụng tính tới giữa tháng 6/2024 tại SHB chỉ tăng hơn 2,5%, song đến ngày 30/6 tăng khoảng 5% và hết năm nay dự kiến tăng khoảng 14%...
Các tổ chức tín dụng cũng nhận định tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý III và cả năm nay.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, nhiều ngân hàng đã hoặc dự kiến tăng nhẹ lãi suất huy động; trong khi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Về nợ xấu, các TCTD cho biết tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tiếp tục có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý II/2024, chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ” như kết quả tại thời điểm quý I/2024. Tuy nhiên, các TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể giảm trong quý III/2024.
Tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế, 70-75,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý III/2024 và cả năm 2024.
Trong năm 2024, 86,2% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, bên cạnh đó vẫn có 11% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 (cao hơn tỷ lệ 10,1% TCTD kỳ vọng tại kỳ điều tra trước) và 2,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Thanh Hoa
Xem thêm tại vnbusiness.vn