IDS Equity Holdings thâu tóm thành công Ocean Group (OGC)
Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, IDS Equity Holdings – vốn chuyên đầu tư vào những công ty gặp căng thẳng về tài chính – dẫn dắt một nhóm đầu tư để thâu tóm 51% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) và 22.3% cổ phần tại công ty con của OGC là CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (HNX: OCH).
IDS Equity Holdings thâu tóm thành công Ocean Group (OGC)
Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, IDS Equity Holdings – vốn chuyên đầu tư vào những công ty gặp căng thẳng về tài chính – dẫn dắt một nhóm đầu tư để thâu tóm 51% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) và 22.3% cổ phần tại công ty con của OGC là CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (HNX: OCH).
Hiện vẫn còn chưa rõ về tổng giá trị chính xác của thương vụ thâu tóm. Tuy nhiên, theo ước tính của DealStreetAsia theo mức vốn hóa của OGC và OCH, nhóm nhà đầu tư của IDS Equity Holdings đã chi ra khoảng 50 triệu USD để mua cổ phần tại OGC và 20 triệu USD cho cổ phần tại OCH.
Tập đoàn Đại Dương sở hữu gần 60% cổ phần tại OCH, theo báo cáo tài chính quý 3/2020. OGC chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực bất động sản và khách sạn, dịch vụ, đang điều hành những khách sạn như Sunrise Nha trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport Tp.HCM, Starcity Tây Hồ Hà Nội và các khách sạn khác. Bên cạnh đó, Công ty này còn sở hữu thương hiệu bánh Givral và kem Tràng Tiền.
Hiện cổ phiếu OGC đang niêm yết trên sàn HOSE và OCH đang niêm yết trên sàn HNX. Chia sẻ với DealStreetAsia, ông Nguyễn Dũng Minh, Giám đốc Phát triển Khách sạn của IDS Equity Holdings, cho biết sau khi thâu tóm, cổ phiếu của hai công ty sẽ tiếp tục được giao dịch trên sàn để đảm bảo lợi ích của các cổ đông thiểu số và thanh khoản,
Trước đó, IDS Equity Holdings đã sở hữu cổ phần nhỏ tại cả OGC và OCH như một nhà đầu tư thụ động, nhưng sau đó đã đi đến quyết định thâu tóm để góp phần tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tại hai công ty này, ông Minh nói.
OGC gần đây đã công bố sự chấp thuận của Hội đồng quản trị để giảm bớt cổ phần nắm giữ tại OCH với mục đích giảm khoản nợ trị giá hơn 2,800 tỷ đồng tại cuối tháng 9/2020. Đợt bán cổ phần này sẽ khiến OGC không còn là cổ đông kiểm soát của OCH, khiến OGC sẽ mất đến 93% doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh trong báo cáo tài chính hợp nhất.
“Vì mất niềm tin vào một số thành viên lãnh đạo hiện tại, chúng tôi quyết định sẽ tiến hành tiếp quản quyền điều hành OGC và OCH”, ông Minh nói với DealStreetAsia.
OGC ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 156 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng 204% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng này một phần đến từ việc OCH thoái vốn khỏi một số công ty con và đã được phản ánh trong báo cáo tài chính hợp nhất của OGC. Tuy nhiên, đến nay tập đoàn này vẫn còn lỗ lũy kế gần 2.67 ngàn tỷ đồng.
“Chúng tôi sẽ xem xét kỹ kế hoạch kinh doanh và tình hình tài chính của cả hai công ty trước khi đề xuất bất kỳ thay đổi nào liên quan đến danh mục tài sản mới hoặc nhân viên chủ chốt,” ông Minh nói thêm.
“Chúng tôi tin rằng trong vòng 12 tháng tới, hoạt động kinh doanh của OGC và OCH sẽ trở lại quỹ đạo trước đó”, vị Giám đốc IDS Equity Holdings nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng IDS rất lạc quan về cơ hội thâu tóm và phát triển thêm các tài sản khách sạn và nghỉ dưỡng khác tại Việt Nam. “Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều hoạt động kiểu này trong những thời điểm bất ổn như hiện tại. Chúng tôi cũng nhận được đề xuất thỏa thuận từ mọi lĩnh vực”.
IDS đã làm việc với các ngân hàng trong nước nhằm phát triển danh mục các khoản đầu tư vào nợ xấu (NPL) của mình, nhất là kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến. Cuối năm 2019, công ty đã mua lại khoản nợ của tòa nhà văn phòng Time House tại Hà Nội từ PVCombank và tăng hạn mức tín dụng cho chủ đầu tư dự án, đồng thời cung cấp nguồn lực cần thiết để doanh nghiệp có thể tiếp tục quản lý hoạt động kinh doanh và dòng tiền. Trong vòng chưa đầy 15 tháng, Time House đã có tỷ lệ lấp đầy 100%.
“Cách tiếp cận của chúng tôi là vực dậy các chủ doanh nghiệp khi họ gặp vấn đề về dòng tiền và không thể trả nợ đúng hạn”, ông Minh khẳng định.
Nhắm tới các tài sản gặp căng thẳng về dòng tiền và nợ xấu tại thị trường Việt Nam, IDS Equity Holdings hiện đang dưới sự kiểm soát của Leadvisors Capital Management.
Năm 2018, Samurai Power của Nhật Bản đầu tư 31 triệu USD để đổi lấy một lượng cổ phần tại IDS. Trong tháng 7/2019, IDS ký biên bản ghi nhớ trị giá 500 triệu USD với các công ty Nhật Bản Raysum Co và Argo Holdings để phát triển các dự án văn phòng và khách sạn thông qua các khoản đầu tư trực tiếp và đầu tư bằng cách mua nợ xấu tại Việt Nam.
IDS Equity Holdings tiền thân là Doanh nghiệp Nhà nước thành lập bởi Bộ Giao thông vận tải Việt Nam vào năm 1986, hoạt động trong dịch vụ in vé. Đến năm 2017, Leadvisors đã nắm giữ quyền kiểm soát tại IDS, và sau đó vào năm 2018, Samurai Power đã bắt tay với Leadvisors để chuyển đổi IDS thành nền tảng hàng đầu trong việc mua lại, tái cấu trúc và thúc đẩy tăng trưởng của các công ty dẫn đầu bởi những người lãnh đạo xuất sắc, có nhiều tiềm năng nhưng đang được định giá thấp. IDS Equity Holdings chuyên đầu tư vốn cổ phần, đầu tư vào nợ xấu (NPL) và phát triển bất động sản. Hiện tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của Công ty khoảng 4,660 tỷ đồng. Về phần công ty mẹ của IDS, Leadvisors Capital Management thành lập năm 2008, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, dịch vụ tài chính, giáo dục, công nghệ và dịch vụ kinh doanh và truyền thông kỹ thuật số. |
Vũ Hạo (Theo DealStreetAsia)