Indonesia mua được gạo Việt Nam với giá thấp
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố kết quả mở thầu tháng 5, với số lượng trúng thầu 150.000 tấn, thấp hơn một nửa so với số lượng chào thầu (300.000 tấn).
Các doanh nghiệp trúng thầu bán gạo sang Indonesia. |
Nguyên nhân là do Bulog đã trả giá quá thấp, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tham gia thầu không đồng ý, buộc phải đàm phán lại giá.
Trong số 150.000 tấn trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các doanh nghiệp Việt Nam, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp quốc tế sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar.
Về phía Việt Nam, Công ty Lộc Trời trúng thầu 2 lô, số lượng 60.000 tấn, với mức giá 563 USD/tấn, giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn.
Công ty còn lại là Công ty Thuận Minh trúng thầu 30.000 tấn, chào giá thấp nhất trong số các doanh nghiệp dự thầu, chỉ 564,5 USD/tấn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp quốc tế trúng thầu với giá thấp nhất 621,5 USD/tấn - cũng là giá chào ban đầu. Còn giá gạo trúng thầu cao nhất tới 629 USD/tấn, chỉ giảm 4 USD/tấn so với giá chào thầu. Giá trúng thầu này cao hơn giá của Công ty Lộc Trời và Thuận Minh gần 70 USD/tấn.
Cùng với đó, có 3 doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự thầu 3 lô, mỗi lô 20.000 tấn với giá chào từ 579 - 582 USD/tấn. Các đơn vị này và Bulog tiếp tục thương lượng lại về giá.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan cũng tham gia chào thầu 3 lô mỗi lô 30.000 tấn với các mức giá thấp nhất là 649 USD/tấn. Các mức giá còn lại là 656,58 và 658,5 USD/tấn. Các doanh nghiệp Thái kiên quyết không giảm giá và Bulog sẽ phải mời lại thầu trong thời gian tới.
Như vậy, dù doanh nghiệp Việt trúng thầu nhưng giá thấp hơn nhiều so với các nước. Điều này có là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận lao dốc ở một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Đơn cử, giá gạo xuất khẩu cao, nhu cầu thế giới lớn, điều này giúp trong quý I/2024, doanh thu của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do biên lợi nhuận giảm cùng với chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp ghi nhận âm 86,4 tỷ đồng, cao hơn mức âm 77,2 tỷ đồng của quý I năm trước.
Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời vừa phải xin lỗi nông dân vì “sự cố” nợ tiền mua lúa. Theo Lộc Trời, việc chậm thanh toán là do các yếu tố khách quan như: chậm dòng tiền từ khách hàng và ngân hàng dù công ty đã có nhiều nỗ lực, chấn nhận bán lúa khô với giá thấp để có tiền mặt.
Trước đó, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, với thị trường Indonesia, Chính phủ nước này dự kiến nhập khẩu gạo năm 2024 khoảng 3,6 triệu tấn, tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.
Thy Lê
Xem thêm tại vnbusiness.vn