KBSV hạ dự báo lợi nhuận toàn thị trường, chỉ tăng 14% năm 2024 nhưng vẫn là mức cao
Mùa kết quả kinh doanh đang đến gần, Chứng khoán KBSV cũng vừa đưa ra dự báo tăng trưởng EPS toàn thị trường với thay đổi đáng kể so với trước đó.
Theo đó, KBEV hạ dự báo mức tăng trưởng EPS toàn thị trường từ 19% ở báo cáo chiến lược kỳ trước xuống 14% so với cùng kỳ 2023. Đây vẫn được coi là mức tăng trưởng cao, phản ánh quan điểm KBSV về việc hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đã tạo đáy trong năm 2023, và bước sang chu kỳ hồi phục mới trong năm 2024.
Các yếu tố đóng vai trò cho hỗ trợ sự tăng trưởng trở lại của các doanh nghiệp bao gồm: Chính sách tiền tệ với xu hướng nới lỏng là chủ đạo và mặt bằng lãi suất mặc dù chịu nhiều áp lực tăng trở lại những vẫn duy trì ở mức nền thấp trong 2024; Chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ như thúc đẩy Đầu tư công, miễn giảm thuế, thu hút vốn FDI….
Các đơn hàng xuất nhập khẩu và công suất dây chuyền sản xuất được gia tăng nhanh chóng trong bối cảnh thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam được thúc đẩy khi kỳ vọng Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Dù vậy, việc hạ dự phóng này phản ánh quan điểm thận trọng của KBSV về triển vọng kinh doanh của 2 ngành chính là ngân hàng và bất động sản sau khi số liệu kinh doanh quý 1 được công bố, cùng các diễn biến mới về mặt bằng lãi suất.
Cụ thể, lãi suất huy động tăng từ cuối quý 1 sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng, bên cạnh vấn đề về chất lượng tài sản vẫn cần phải theo dõi thêm. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản chưa cho thấy tín hiệu khả quan hơn và chi phí lãi vay vẫn đang bào mòn đáng kể lợi nhuận của hầu hết các công ty trên sàn.
Ở chiều ngược lại, 4 ngành được KBSV nâng dự phóng bao gồm: Hàng tiêu dùng không thiết yếu, Công nghiệp, Nguyên vật liệu, Năng lượng, với mức tăng lần lượt là 159%, 50%, 36%, 17% so với dự báo đưa ra trong báo cáo chiến lược quý trước. Cơ sở cho sự điều chỉnh đến từ việc phần lớn lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực trên hồi phục vượt xa kỳ vọng của thị trường, đặc biệt là các công ty vốn hóa đầu ngành như MWG, FRT, HVN, VJC, HPG, PLX, PVD trong quý đầu tiên của 2024.
Mới đây, 13 doanh nghiệp cũng chính thức đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hoặc công bố báo cáo tài chính cho cùng quý, trong đó: Tổng lợi nhuận sau thuế Q2/2024 của 13 doanh nghiệp này giảm 10,4% so với cùng kỳ 2023, do kết quả kinh doanh kém tích cực của ACV (Cảng hàng không) và OIL (Xăng dầu).
Trước đó, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý 2 của ACV ước đạt 2.354 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, ACV ghi nhận tổng doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 21,7% lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.983 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ.
Ngược lại, nhóm có tăng trưởng lợi nhuận mạnh so với cùng kỳ bao gồm Chứng khoán (MBS), Phân bón (DDV, BFC), Hóa chất (CSV), Lốp xe (CSM) và Thủy sản (ANV). Đây cũng là các nhóm được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 vừa qua.
MBS là công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính Q2/2024, với lợi nhuận sau thuế đạt 217 tỷ đồng duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023 tăng 75,4% và so với quý 1/2024 (+18,7%). Động lực chính cho tăng trưởng này đến từ hoạt động cho vay margin chủ yếu nhờ mở rộng quy mô dư nợ margin trong khi mảng Tự doanh có lợi nhuận tăng thấp và Môi giới ghi nhận sụt giảm tương đối.
Đối với triển vọng thị trường trong năm 2024, KBSV giảm mức điểm kỳ vọng của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm xuống 1.320 điểm từ mức 1.360 điểm. "Điều này là hệ quả của việc đồng thời hạ mức P/E mục tiêu của chỉ số xuống 15 lần (từ mức 15,3 trong báo cáo gần nhất - phản ánh dự báo về mức nền lãi suất tăng cao hơn), và hạ dự phóng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX xuống 14% từ mức 19% trong báo cáo gần nhất", KBSV nhấn mạnh.
Xem thêm tại vneconomy.vn