Kết quả kinh doanh đạt kỷ lục, MSH chốt tạm ứng cổ tức tỷ lệ 35%
Với tỷ lệ trên, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu MSH sẽ nhận 3.500 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến ngày 20/12.
Với hơn 75 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính May Sông Hồng sẽ trả tổng cộng khoảng 262,5 tỷ đồng trong lần tạm ứng cổ tức này.
Hưởng lợi lớn nhất là nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch MSH Bùi Đức Thịnh, ước tính thu về 113 tỷ đồng cổ tức khi sở hữu tổng cộng gần 43% vốn. Trong đó, ông Thịnh nắm 23,91% vốn, 2 người con ông Thịnh là ông Bùi Việt Quang - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nắm 11,35% và bà Bùi Thu Hà - Thành viên HĐQT nắm 7,72%.
Một tổ chức là Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (HoSE: FTS) với tỷ lệ sở hữu 12,79% cũng dự thu 33,5 tỷ đồng.
Xét về hoạt động kinh doanh, BCTC hợp nhất quý III/2024 vừa được MSH công bố ghi nhận gần 1.750 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước. Được biết đây là doanh thu hàng quý cao nhất lịch sử hoạt động của công ty.
Kỳ này, biên lãi gộp được cải thiện từ mức 10,7% lên 15,2%, cao nhất hơn 2 năm qua. Song song đó, Công ty tiết giảm được 6% chi phí lãi vay, chỉ còn 11 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, MSH lãi ròng hơn 130 tỷ đồng, hơn 2,5 lần cùng kỳ. Đây là mức lãi hàng quý cao nhất mà MSH đạt được kể từ quý IV/2019.
Lý giải về việc doanh thu và lợi nhuận tăng trong kỳ, MSH cho biết do công ty ký được nhiều đơn hàng và một số đơn hàng sản xuất trong quý II được xuất hàng vào đầu tháng 7, cùng với việc tiết kiệm chi phí góp phần làm tăng lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của May Sông Hồng đạt 3.852 tỷ đồng, tăng 14%; Lợi nhuận sau thuế đạt gần 260 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 74% kế hoạch doanh thu và đạt 70% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/09/2024, tổng tài sản của MSH đạt gần 4.400 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm, tương ứng tăng 904 tỷ đồng. Nợ phải trả cuối kỳ hơn 2.200 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm.
Kỳ vọng hưởng lợi lớn từ thị trường Mỹ, Ai Cập
Liên quan đến tình hình kinh doanh của MSH, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 của công ty sẽ hồi phục so với cùng kỳ nhờ nhiều yếu tố. Theo đó, nhu cầu từ thị trường Mỹ (thị trường chính của MSH) sẽ hồi phục trở lại nhờ lạm phát hạ nhiệt và thiếu hụt hàng tồn kho. Cùng với đó, MSH cũng sẽ nhận được những ảnh hưởng tích cực khi kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Việc đầu tư tại Ai Cập cũng được đánh giá sẽ đem lại cơ hội lớn và là bước phát triển mới của MSH khi đây là công ty thứ 2 của Việt Nam và là công ty đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam đầu tư.
Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy Nghĩa Phong và nhà máy Xuân Trường cũng được đánh giá sẽ là động lực tăng trưởng của MSH trong thời gian tới. Trong đó, nhà máy Xuân Trường dự kiến đóng góp khoảng 20% doanh thu của MSH.
ABS cũng nhấn mạnh công ty có khoản vay dài hạn với hạn mức tín dụng lần lượt là 400 tỷ và 450 tỷ đồng nhằm phục vụ cho dự án xây dựng 2 nhà máy trên. Hai khoản này đều được giải ngân bằng VNĐ và USD sẽ khiến doanh nghiệp chịu áp lực nợ vay lớn. Tuy nhuân, ABS kỳ vọng việc đưa 2 nhà máy vào hoạt động đi kèm với sự hồi phục của ngành dệt may nói chung trong nửa cuối năm 2024 sẽ sớm giúp MSH nâng công suất, từ đó tăng lợi nhuận từ mảng kinh doanh cốt lõi, giảm thiểu chi phí lãi vay.
ABS dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của MSH năm 2024 lần lượt đạt 4.877 tỷ đồng (tăng 7,4%) và 309 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ).
Năm 2025, ABS ước tính doanh thu của MSH đạt 5.222 tỷ đồng doanh thu (tăng 7,1%) và lợi nhuận sau thuế của MSH đạt 370 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên ABS cũng lưu ý việc vay nợ bằng đồng VNĐ và USD trong dài hạn có thể khiến doanh nghiệp chịu áp lực nợ vay lớn nếu tình hình hoạt động kinh doanh chính không hồi phục như kỳ vọng.
Liên quan đến cổ phiếu MSH, phản ứng trước thông tin tạm ứng cổ tức, giá cổ phiếu đã tăng lên vùng giá cao nhất hơn 2 năm qua từng đạt được vào tháng 6/2022, kết phiên ngày 15/11 ở mức 51.800 đồng/cổ phiếu.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn