Kết quả kinh doanh ngành dệt may quý I, nhiều doanh nghiệp đón lãi to, chỉ riêng 'ông lớn' đi lùi
Quý I/2024, ngành dệt may đón nhận sự khởi đầu tích cực với kim ngạch xuất khẩu đạt 9.5 tỷ USD, tăng 9.6% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam đều tăng trưởng khá.. Theo đó, kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng cũng ‘gặt hái’ được những thành công nhất đinh.
Đối với Dệt May Thành Công (TCM), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần quý I hơn 934 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu chủ yếu đến từ mảng may mặc và dệt may, đóng góp tới 98% vào tổng doanh thu. Khấu trừ thuế phí, công ty lãi ròng hơn 62 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận sao nhất trong 6 quý gần đây của Dệt Thành Công.
Cùng đà tăng, May Sông Hồng (MSH) cũng không kém cạnh khi doanh thu hợp nhất quý I đạt hơn 770 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gấp đôi, đạt gần 45 tỷ đồng, góp phần đẩy lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 62 tỷ đồng, tăng 60%. Sau khi trừ thuế, lãi ròng của Sông Hồng đạt 47,7 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa |
Đối với Dệt May Hòa Thọ (HTG) tuy doanh thu quý I đạt 1.179,3 tỷ đồng giảm gần 60 tỷ đồng so với cùng kỳ nhưng ‘con cưng’ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vẫn báo lãi tăng 46% trong quý I/2024. Cụ thể, do giá vốn hàng bán giảm trong khi doanh thu từ hoạt động tài chính tăng lên nên Dệt May Hòa Thọ vẫn nhận về khoản lãi trước thuế 55,2 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Kết thúc quý đầu năm 2024, ông lớn ngành dệt may tại miền Trung ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 44,5 tỷ đồng, tăng hơn 46% so với cùng kỳ, hoàn thành 25% mục tiêu lợi nhuận năm 2024.
Riêng ‘cánh chim đầu đàn’ của ngành dệt may nước ta, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - VGT) lại cho thấy kết quả kinh doanh quý I không được như ý. Cụ thể, sau 3 tháng đầu năm, Vinatex ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 3.961,8 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính đi ngang so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận 127,4 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay chiếm 63%.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, dù kỳ này chi phí lãi vay giảm 22% còn 79,8 tỷ đồng nhưng lỗ chênh lệch tỷ giá tăng gấp gần 2 lần lên 46,4 tỷ đồng. Vinatex lý giải, các đơn vị thành viên của Tập đoàn chủ yếu vay USD để hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi tỷ giá tăng cao, các doanh nghiệp đã phát sinh lỗ tỷ giá lớn do phải đánh giá lại số dư gốc vay ngoại tệ, dẫn đến việc lỗ chênh lệch tỷ giá.
Do đó, hết 3 tháng đầu năm, Vinatex báo lãi trước thuế 102 tỷ đồng, lãi sau thuế 71,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, có nhiều điểm sáng cho ngành dệt may hồi phục trở lại, nhất là tại những thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn của ngành. Trong đó, Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75% là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.
Bên cạnh đó, các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam tốt hơn. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cao hơn 2023.
Dù vậy, bài học kinh nghiệm từ năm 2023 cho thấy, thị trường thế giới hiện nay biến động rất khó lường, do vậy việc chuẩn bị tâm thế vững vàng, nội lực đủ mạnh để chớp nhanh cơ hội, đồng thời nâng cao sức chống chịu là khuyến cáo chung được nhiều chuyên gia đưa ra.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), với 16 FTA đã có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn. Khi các hiệp định vào cuộc thì vai trò chuỗi cung ứng rất quan trọng. Khách hàng sẽ tìm tới những nhà cung ứng có khả năng cung cấp trọn gói sản phẩm dệt may. Hiện nay, thị trường đang ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên FTA như Canada, Úc, châu u… đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tâm thế của ngành dệt may hiện không phải là đối phó khó khăn mà là nắm thời cơ, chớp cơ hội để có hiệu quả cao nhất. Cùng đó, cần chuẩn bị điều kiện thiết bị, năng lực quản trị, sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất. Tiếp tục tiết kiệm và đảm bảo chi phí sản xuất tốt, có hiệu quả sớm nhất, qua đó chủ động để đón “sóng” các đơn hàng mới trong năm 2024.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn