Khách hàng cần làm gì khi tiền gửi ngân hàng bỗng dưng bị mất?
Thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch ngân hàng
Mặc dù thời gian qua, lãi suất ngân hàng luôn ở mức thấp song theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 2/2024, lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn rất lớn, khoảng 14 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, thời gian qua đã liên tục xảy ra những vụ việc tiền gửi ngân hàng bỗng dưng "bốc hơi". Mới đây nhất, tại cuộc họp báo UBND TP Hà Nội chiều 28/3, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội - đã thông tin về vụ khách hàng bỗng dưng mất 58 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).
Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc Ngân hàng MSB Thanh Xuân - về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra, bước đầu công an xác định bà Bùi Thị Hoài Anh có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại là những người gửi tiền tại MSB, với tổng số tiền 338 tỉ đồng.
Vậy, người dân cần làm gì để không bị mất tiền khi gửi ngân hàng hay khi tiền gửi bỗng dưng biến mất, thì phải làm thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Minh Ngọc, khi tiền được gửi vào ngân hàng, ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu của số tiền đó và phải chịu trách nhiệm đối với tài sản đó. Vì vậy, với vụ việc tại ngân hàng MSB vừa qua, người bị hại ở đây là ngân hàng chứ không phải khách hàng. Và ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường tiền cho khách hàng.
Quan hệ giữa khách gửi tiền và ngân hàng được xem như một giao dịch dân sự. Để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng cần lưu giữ và thu thập đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch với ngân hàng. Đây sẽ là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi cần thiết trong những vụ việc khởi kiện vụ án dân sự, đòi lại số tiền từ ngân hàng.
Cân nhắc việc chia tiền thành nhiều sổ tiết kiệm
Để đảm bảo việc gửi tiền của mình được an toàn ở các ngân hàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thúy Anh cho rằng, khách hàng nên chia nhỏ số tiền cần gửi. Chẳng hạn, bạn dự định gửi tiết kiệm ngân hàng 500 triệu đồng, thay vì gửi chung vào một sổ/tài khoản tiết kiệm, bạn hãy chia nhỏ thành 2 - 3 sổ. Điều này giúp bạn không bị mất nhiều tiền lãi khi có việc gấp cần rút tiền, thay vì phải rút cả sổ tiết kiệm với số tiền lớn, bạn chỉ cần rút từng sổ tiết kiệm nhỏ. Đặc biệt, việc gửi một số tiền lớn tập trung vào một tài khoản cũng gặp nhiều rủi ro trong các trường hợp các đối tượng tội phạm, hacker tấn công vào hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng chia sẻ, việc gửi một số tiền lớn trong cùng một sổ tiết kiệm thường được các ngân hàng khuyến khích và để mức lãi suất cao hơn so với việc chia nhỏ sổ. Vì vậy, người dân cần cân nhắc lãi suất và các nguy cơ rủi ro có thể gặp phải để lựa chọn kỳ hạn gửi tiết kiệm cũng như lượng tiền gửi phù hợp nhất với mỗi tài khoản tiết kiệm.
Tiếp đó, với số tiền lớn, khách hàng nên tránh giao dịch ngoài trụ sở mà nên đến trực tiếp các chi nhánh ngân hàng để thực hiện giao dịch.
Trong quá trình nộp tiền, khách hàng cần chú ý ghi đầy đủ thông tin và số liệu vào các tài liệu, chỉ nhận lại chứng từ khi có chữ ký của nhân viên giao dịch và dấu xác nhận của ngân hàng.
Ngoài ra, người dân nên chọn các ngân hàng uy tín trong hệ thống và tránh những tiền lệ thất thoát tiền gửi.
Bên cạnh đó, từ phía ngân hàng MSB cũng đưa ra những cảnh báo với khách hàng, khi thực hiện các giao dịch chỉ ký xác nhận trên mẫu hợp đồng mở tài khoản, mở thẻ khi thể hiện đầy đủ, chính xác thông tin của chính mình (căn cước công dân, số điện thoại, thư điện tử…).
Kích hoạt, quản lý tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính trên các thiết bị thuộc sở hữu của chính mình, không cung cấp các thông tin về tài khoản, nhờ người khác sử dụng thiết bị để đăng nhập vào tài khoản…
Xem thêm tại cafef.vn