Khách hàng sử dụng ngân hàng số tiếp tục tăng mạnh
Khách hàng mới tăng nhanh
Ngân hàng VPBank cho biết, tới thời điểm hiện tại, tập khách hàng hợp nhất của VPBank đã cán mốc 21 triệu khách hàng, tương đương 1/5 dân số Việt Nam. Số lượng khách hàng có thu nhập cao và trung bình cao tăng trưởng trên 50% so với thời điểm cuối năm 2021, cho thấy hiệu quả của hoạt động khai thác các phân khúc giàu tiềm năng mà VPBank đang theo đuổi.
Trong khi đó, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng ngân hàng số VPBank NEO tăng mạnh 63% so với cùng kỳ năm trước, giao dịch qua nền tảng số cũng tăng kỷ lục tới gần 80%. Thông qua số hóa toàn bộ chu trình cho vay có tài sản đảm bảo đối với sản phẩm cho vay mua nhà, ô tô và vay tiêu dùng, từ khâu xử lý thông tin, định giá tới giải ngân, tỷ lệ giải ngân của phân khúc cho vay thế chấp trực tuyến của VPBank đã đạt tới con số 85%.
Tại Ngân hàng TPBank, tính đến hết tháng 6/2022 ngân hàng có thêm gần 1,5 triệu khách hàng mới, tăng trưởng 25% so với cuối năm 2021 và nâng tổng số khách hàng của TPBank lên mức hơn 6 triệu.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, trong những năm gần đây, TPBank đã đầu tư mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng cho công nghệ và ngân hàng số. Dù xác định đây là cuộc chơi tốn kém, nhưng ngân hàng vẫn luôn không ngừng đầu tư cho sáng tạo, đổi mới, cập nhật công nghệ, từ đó cho ra đời những sản phẩm đột phá dựa trên nền tảng am hiểu khách hàng, cá nhân hóa tính nhưng cũng như tăng cường bảo mật an toàn, mục tiêu đem lại trải nghiệm hài lòng và thuận tiện nhất cho khách hàng. Hiện TPBank đang phục vụ gần 100% thị phần người sử dụng ví điện tử tại Việt Nam, là đơn vị ngân hàng kết nối nhiều ví điện tử nhất toàn ngành.
SSI Research cũng nêu lên rằng, tại thời điểm tháng 6/2022, Vietcombank đang có khoảng 8 triệu khách hàng dùng ngân hàng số, tăng 21% so với mức 6,6 triệu khách hàng vào đầu năm 2022 và tương đương với khoảng 36% tổng số khách hàng cá nhân của VCB. Với việc đầu tư mạnh mẽ cho số hóa, Vietcombank đặt mục tiêu có 10 triệu người dùng ngân hàng số vào cuối năm 2022.
Tương tự, tính đến hết quý 2/2022, Ngân hàng ACB có 5 triệu khách hàng, tăng 15% so với đầu năm, trong đó sự gia tăng chủ yếu đến từ nền tảng công nghệ.
Báo cáo phân tích của VCBS đánh giá, tỷ lệ dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng hiện vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực. Với xu hướng phát triển số hóa và sự ra đời của công nghệ xác thực từ xa (eKYC) giúp mở tài khoản không cần đến chi nhánh ngân hàng sẽ giúp cho tỷ lệ này tăng lên. Các ngân hàng tập trung phát triển trải nghiệm khách hàng ở giai đoạn hiện tại có thể được hưởng lợi lớn nhờ xu thế này khi tăng được tập khách hàng sử dụng dịch vụ.
Tối ưu hóa hiệu quả hoạt động
Việc đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ không chỉ giúp các ngân hàng thu hút thêm nhiều khách hàng mới mà các chi phí hoạt động, hiệu quả hoạt động cũng được tối ưu hóa. Báo cáo phân tích của VCBS chỉ ra rằng, chi phí vận hành của ACB đã giảm đáng kể từ cuối năm 2021, từ mức 42% xuống còn 33% vào cuối quý 2/2022. VCBS cho rằng việc tăng cường công nghệ trong vận hành sẽ giúp kiểm soát chi phí tốt hơn trong năm 2022, giúp ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận.
Đối với ngân hàng TPBank, báo cáo của VCBS cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2021, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của ngân hàng này tăng trưởng 4 lần, từ gần 7.500 tỷ đồng lên gần 31 nghìn tỷ đồng. Kết quả này là nhờ sự tập trung trong chuyển đổi số hóa và tiên phong trong thiết kế sản phẩm giao dịch 0 đồng, giúp TPBank thu hút chủ yếu nhóm khách hàng cá nhân trẻ, yêu thích trải nghiệm công nghệ và tiết kiệm chi phí giao dịch.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo ngân hàng, TPBank là ngân hàng đầu tiên có thể thực hiện 2 triệu giao dịch/ phút, liên kết với nhiều ngân hàng và đối tác trên nền tảng giao dịch online, đáp ứng nhu cầu giao dịch của giới trẻ, đặc biệt trong các ngày ưu đãi mua sắm như Black Friday,…
Bên cạnh đó, việc tăng cường các điểm giao dịch “livebank” giúp TPBank giảm chi phí vật lý (thuê địa điểm giao dịch) và chi phí nhân sự thực hiện các giao dịch như rút, gửi tiền, chuyển tiền qua quầy… Từ đó, tiết giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng.
Các chuyên gia cũng nhận định, việc phát triển mạnh các ứng dụng số sẽ giúp các ngân hàng thu hút được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn. Cùng với đó, chi phí vận hành cũng sẽ giảm xuống nhờ hiệu suất làm việc được nâng lên.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn