Khách hàng vay mua nhà, mua xe vẫn phải “gồng” lãi suất

Người vay “gồng” lãi suất cao

Anh Giang Huy (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, anh có khoản vay 700 triệu đồng trong thời gian 7 năm, với mục đích mua xe tại TPBank từ tháng 6/2020, mức lãi suất tại thời điểm ký hợp đồng vay là 12,5%/năm. Đến thời kỳ mặt bằng lãi suất lên đỉnh vào tháng 6/2023, lãi vay của khoản tín dụng trên được ngân hàng điều chỉnh lên 14,9%/năm và hiện áp dụng 12,55%/năm.

Sau khi đã trả nợ được khoảng 50% khoản vay, hàng tháng, anh Huy vẫn phải trả hơn 14,5 triệu đồng tiền gốc và 4,1 triệu đồng tiền lãi, nên vẫn áp lực. Anh có liên hệ với nhân viên tín dụng TPBank để xin điều chỉnh giảm lãi vay, nhằm giảm áp lực trả nợ. Nhân viên tín dụng TPBank thừa nhận, mức lãi vay trên còn cao do thời điểm ký hợp đồng vay lãi suất huy động cao và sẽ kiến nghị giảm lãi.

“Tôi không biết khi nào được TPBank giảm lãi suất cho khoản vay này, vì nhân viên tín dụng không xác định được thời gian, nên đang tính tất toán trước hạn, dù phải chịu phí phạt trả trước là 2% trên tổng dư nợ còn lại. Hiện tại, mặt bằng lãi suất mua xe, nhà được các ngân hàng giảm còn 5-7%/năm”, anh Huy nói.

Cũng theo anh Huy, hiện anh cũng có một khoản vay mua nhà tại VIB (vay từ tháng 10/2023) và ngân hàng này đang tìm cách đáo hạn, ký lại hợp đồng giảm lãi vay cho khách hàng.

Không như anh Huy, nhưng ông Nguyễn Văn Hiếu có khoản vay 2 tỷ đồng (trong thời hạn vay 20 năm) được ký với Vietcombank từ tháng 9/2022 để mua căn hộ 3 phòng ngủ của Vinhomes Grand Park và được hưởng lãi suất ưu đãi 9,5%/năm trong 2 năm đầu kể từ ngày giải ngân và sau đó cộng thêm biên độ 3,5-4%/năm, nên ông lo lắng rằng, đến tháng tháng 9/2024 khi hết hạn ưu đãi, nếu ngân hàng không giảm, thì phải trả lãi vay 13-13,5%/năm. Với mức lãi vay ưu đãi 9,5%/năm hiện nay, mỗi tháng, ông Hiếu phải trả hơn 8 triệu đồng tiền lãi, cộng thêm 14 triệu đồng tiền gốc, nên áp lực sẽ rất lớn khi lãi suất hết ưu đãi…

Đó cũng là lý do không ít khách hàng cá nhân hiện phải cắt lỗ, do không chịu nổi áp lực trả nợ và lãi suất vay mua nhà, đặc biệt là những khách hàng vay mua nhà đầu tư từ tháng 6/2023 trở về trước, khi mặt bằng lãi còn cao.

Ngân hàng có điều chỉnh lãi suất với khoản vay cũ?

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay mới với khách hàng cá nhân mua nhà, xe được ngân hàng giảm xuống mức thấp 5-7%/năm trong giai đoạn đầu của khoản vay từ 6 tháng đến 1 năm. Còn với khoản vay cũ, một số ngân hàng đã điều chỉnh, song vẫn còn nhà băng “neo” lãi cao, với lý do trước đây huy động lãi suất cao.

Với các khoản vay cũ, nếu ngân hàng áp lãi suất cao, thì nay có thể điều chỉnh, nhằm chia sẻ áp lực với khách hàng. Tuy nhiên, điều này cũng tùy vào chính sách của từng ngân hàng.

Một cán bộ tín dụng khối cá nhân của BVBank cho biết, đối với khoản vay trung, dài hạn, Ngân hàng cho vay bằng lãi suất cơ sở, cộng thêm biên độ, nhưng hiện lãi suất cơ sở giảm 2% so với cuối năm 2023, nên BVBank hiện cho vay mua nhà chỉ với lãi suất 5%/năm được áp dụng trong 5 tháng đầu; 5,5%/năm cho 6 tháng; 6,5%/năm cho 9 tháng; 7,5%/năm cho 12 tháng và 8,9%/năm được áp dụng cho 18 tháng đầu tiên…

Đại diện Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho hay, Ngân hàng có giảm lãi suất cho khoản vay cũ của khách hàng vay mua nhà (vay có thế chấp bất động sản), xe ô tô và áp dụng cho tất cả khách hàng hiện hữu. Phương thức điều chỉnh lãi suất dựa theo bậc thang về dư nợ (dư nợ cao giảm càng nhiều). Việc giảm lãi suất khoản vay cũ được quản lý bằng tỷ lệ margin tối thiểu theo từng mức dư nợ.

Còn với khoản vay mới, Ngân hàng Shinhan đang cho vay mua nhà với lãi suất 5,2%/năm cố định trong 1 năm; 5,5%/năm cố định trong 2 năm; 6%/năm cố định trong 3 năm và 7,5%/năm cố định trong 5 năm (nhưng 6 tháng đầu được nhà băng này áp dụng mức lãi vay 5,5%/năm). Với cho vay mua ô tô, lãi vay là 6,3%/năm trong năm đầu giải ngân; 5,9%/năm trong 6 tháng 7,9% trong 30 tháng sau, với tỷ lệ tài trợ vốn 80% giá trị xe. Riêng với lãi suất cho vay tiêu dùng, do tính chất rủi ro cao và tín chấp (không tài sản đảm bảo), nên Shinhan Việt Nam vẫn áp dụng lãi vay từ 11%/năm (tính trên dư nợ giảm dần). Hạn mức cho vay lên đến 900 triệu đồng, thời hạn 60 tháng...

Vietcombank cũng cho hay, Ngân hàng đã và đang từng bước điều chỉnh giảm lãi suất khoản vay cũ cho khách hàng. Tuy nhiên, với lãi suất ưu đãi trước đây phải đợi đến khi hết thời hạn ưu đãi, ngân hàng mới điều chỉnh lãi suất về mức hợp lý. Còn với khoản vay mới mua nhà, nhà băng này đang áp dụng mức lãi suất 8-9%/năm.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, với các khoản vay cũ từ nửa cuối năm 2022 và đầu 2023, nếu ngân hàng áp lãi suất cao, thì nay đã có thể điều chỉnh, nhằm chia sẻ áp lực với khách hàng. Tuy nhiên, điều này cũng tùy vào chính sách của từng ngân hàng.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động bình quân từng thời kỳ cộng chi phí hoạt động của ngân hàng hoạt động cộng phần bù rủi ro. Theo đó, phần bù rủi ro ở các khoản vay phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ xếp hạng tín nhiệm của đối tượng vay, kỳ hạn vay, bối cảnh kinh doanh từng thời điểm... Ngoài ra, phần lãi vay còn được cộng thêm một phần tỷ lệ lợi nhuận mà các ngân hàng kỳ vọng, vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp

Xem thêm tại baodautu.vn