Khách loay hoay vì app xác thực khuôn mặt 'chê' điện thoại rẻ tiền, ngân hàng hối thúc
Gấp rút chạy "deadline"
Hiện các ngân hàng thương mại ráo riết hoàn tất việc thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng nhằm đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Tại Ngân hàng TPBank, nhà băng này cho biết bắt đầu thu thập và chuẩn hoá dữ liệu khách hàng từ tháng 4/2024, trung bình mỗi ngày có trên dưới 10.000 mẫu khuôn mặt và CCCD được cập nhật vào kho dữ liệu từ tất cả các kênh (Mobile Banking, Internet Banking, tại quầy giao dịch, và LiveBank 24/7).
Đến nay, TPBank đã trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tuân thủ áp dụng 100% Quyết định 2345 về xác thực sinh trắc trong các giao dịch giá trị cao với tất cả khách hàng, trước thời hạn 1/7.
Agribank là nhà băng thuộc nhóm có số lượng giao dịch trực tuyến lớn nhất hệ thống với khoảng 254 nghìn giao dịch trực tuyến/ngày, chiếm 91,97% tổng số giao dịch của ngân hàng.
Agribank cho biết đã xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học được làm sạch sau khi đối chiếu dữ liệu sinh trắc học thu thập được với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an quản lý.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng rà soát dữ liệu của khách hàng hiện hữu, cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng nhằm ngăn chặn rủi ro gian lận; Triển khai Module quản lý hạn mức tập trung và cho phép các kênh giao dịch tra cứu tình trạng hạn mức tổng đối với tài khoản thanh toán của khách hàng và các thông tin khác theo Quyết định 2345.
Ngoài ra, ngay trong tháng 6/2024, toàn bộ hệ thống xác thực kết nối trực tuyến với Bộ Công an cũng được Agribank đưa vào vận hành, các ứng dụng xác thực cũng đã được hoàn thiện để sẵn sàng áp dụng quy định mới từ tháng 7/2024.
Loay hoay xác thực khuôn mặt
Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng dễ dàng đăng ký xác thực khuôn mặt với các ứng dụng ngân hàng. Vấn đề chung của các ngân hàng hiện nay là không phải thiết bị nào cũng hỗ trợ đọc thông tin chip trên CCCD, thậm chí có thiết bị di động bị ứng dụng từ chối ngay từ bước đầu tiên.
Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay, những ngày qua ban lãnh đạo và các bộ phận chuyên môn của Agribank cũng đã tiếp nhận những phản hồi của người dùng về việc gặp khó khăn trong đăng ký xác thực khuôn mặt.
Agribank đang gấp rút tìm cách khắc phục về mặt công nghệ và có hướng dẫn cụ thể trong ngày 26-27/6 để kịp thời hỗ trợ khách hàng.
“Bản thân nhà tôi bây giờ cũng đang loay hoay để thực hiện việc này”, Phó Tổng Giám đốc Agribank nói. “Hiện nay mọi người đang phải tính toán để thiết kế phần mềm hỗ trợ. Tôi cũng đã trao đổi với bộ phận kỹ thuật của ngân hàng và trong tuần này sẽ phải có được giải pháp hỗ trợ cụ thể.”
Được biết, các giải pháp kỹ thuật của các ngân hàng đều giống nhau nên đây là vấn đề chung của tất cả các ngân hàng chứ không phải của riêng nhà băng nào.
Trước mắt, khách hàng thực hiện giao dịch dưới 10 triệu đồng/giao dịch và dưới 20 triệu đồng/ngày vẫn sẽ không bị ảnh hưởng.
Là người thường xuyên phải thực hiện các giao dịch chuyển tiền trên ứng dụng di động, anh Vũ Minh Khuê (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết hiện anh sở hữu tài khoản thanh toán tại 4 ngân hàng khác nhau gồm VietinBank, BIDV, Agribank và MB.
Chia sẻ với VietNamNet về trải nghiệm thực tế khi thực hiện đăng ký sinh trắc học với ngân hàng, anh Khuê cho hay, sau khi được hướng dẫn đăng ký khuôn mặt với ứng dụng VietinBank iPay, ứng dụng yêu cầu anh chụp ảnh CCCD và chụp ảnh chân dung rồi mới thực hiện xác thực chip trên CCCD.
Tuy nhiên, anh không thể thực hiện việc chụp ảnh CCCD ngay từ bước đầu tiên do ứng dụng thông báo “Thiết bị của khách hàng không hợp lệ để thu thập khuôn mặt. Quý khách vui lòng đổi thiết bị hoặc liên hệ với Chi nhánh/PGD gần nhất.”
“Điều này khiến tôi hơi thất vọng bởi điện thoại di động tôi đang dùng là Redme 13C mua mới từ đầu tháng 4/2024. Đây là dòng điện thoại được xem là đời mới nhất của hãng Redme phân phối tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó ngân hàng không cho biết cụ thể điện thoại nào mới được tương thích”, anh Khuê nói.
Tại ứng dụng của BIDV, sau khi tích vào ô xác nhận đã đọc, đồng ý với điều kiện, điều khoản giao dịch chung và lưu ý khi cài đặt – sử dụng dịch vụ, anh Khuê bấm vào nút “Cài đặt và thu thập”, sau đó được yêu cầu chọn giấy tờ xác thực (CCCD gắn chip).
Sau khi bấm nút “Tiếp tục” để chụp ảnh CCCD gắn chip, ngân hàng yêu cầu chọn đúng loại giấy tờ để được xác thực thành công. Tuy nhiên, sau khi xác nhận, ứng dụng hiện lên thông báo “Quý khách vui lòng sử dụng thiết bị có hỗ trợ đọc thông tin Chip trên thẻ CCCD.” Đồng nghĩa với việc thiết bị Redme 13C không được ngân hàng chấp thuận.
Thử với ứng dụng của Agribank, anh Khuê nhận được thông báo thiết bị không hỗ trợ thực hiện đọc thông tin NFC.
Tuy nhiên, cũng với thiết bị đó, anh lại không gặp trở ngại gì trong việc xác thực sinh trắc học tại ứng dụng của Ngân hàng MB.
Thực tế, không phải khách hàng nào cũng dễ dàng khi đăng ký xác thực khuôn mặt với ứng dụng của MB. Chị Lê Ngọc Diệp (Thạch Thất, Hà Nội), một khách hàng của MB cho biết: “Loay hoay một lúc nhưng không thể đăng ký do ứng dụng hiển thị thông báo “Vui lòng đăng ký eKYC để có thể thiết lập phương thức xác thực khuôn mặt. Mãi đến khi cập nhật phần mềm mới của ứng dụng thì mới xác thực thành công.”
Tuy nhiên, chị Diệp cũng bày tỏ thắc mắc khi Ngân hàng TMCP Bắc Á (nơi chị mở tài khoản) đến giờ phút này vẫn không có bất kỳ một thông báo nào về việc này.
Theo khuyến cáo của Ngân hàng Agribank, trường hợp gặp khó khăn trong quá trình đăng ký xác thực khuôn mặt, khách hàng có thể gọi điện đến tổng đài hoặc đến các điểm giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, nhiều khách hàng không thực hiện đăng ký xác thực khuôn mặt thành công nên đã tìm đến các điểm giao dịch ngân hàng nhờ hỗ trợ. Theo ghi nhận tại Agribank, một số chi nhánh đã hỗ trợ thành công cho các khách hàng. Thực tế khi thao tác trên điện thoại một số người làm rất dễ, nhưng cũng có những thiết bị lại gặp vấn đề, mỗi người gặp một vấn đề khác nhau.
Cho thuê, cho mượn tài khoản có thể bị xử lý hình sự Nhằm đảm bảo an toàn hoạt động tài khoản thanh toán, tránh trường hợp tài khoản thanh toán bị đăng ký các dịch vụ không mong muốn và bị kẻ gian lợi dụng thông tin để phạm tội, các ngân hàng lưu ý khách hàng về việc không cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán (theo điểm h khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN). Việc mở tài khoản thanh toán và cho thuê, cho mượn là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính theo khoản 15 Điều 1 của Nghị định 143/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 40 triệu đồng đến 100 triệu đồng (nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Các ngân hàng đều khẳng định sẽ xem xét và có thể dừng cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến, các dịch vụ tài khoản đối với tài khoản cho thuê, cho mượn. Trước đó, ngày 13/6/2024 Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 4932/NHNN-TT gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên. |
Xem thêm tại nguoiquansat.vn