Khi kế hoạch tăng vốn kéo giảm giá cổ phiếu

DIC Corp phải dừng kế hoạch huy động vốn mới khi cổ phiếu liên tục lao dốc.  Ảnh: Lê Toàn

Cổ phiếu giảm giá khi doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán gặp khó khăn, nhà đầu tư khó kiếm lời, việc các doanh nghiệp công bố thông tin về kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn để bổ sung vốn đầu tư, trả nợ… đã phản tác dụng. Hàng loạt cổ phiếu lao dốc khi nhà đầu tư bán tháo để tránh phải nộp thêm tiền vào doanh nghiệp hoặc tránh bị pha loãng trong các đợt chào bán riêng lẻ với giá chiết khấu mà nhà đầu tư cá nhân không được tham gia.

Tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG), giữa tháng 12/2024, Tổng công ty nhận được chấp thuận chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, huy động 3.000 tỷ đồng và lên kế hoạch nhận tiền mua của nhà đầu tư từ ngày 21/1/2025 đến 19/2/2025.

Tuy nhiên, từ ngày 10/12 đến ngày 30/12/2024, giá cổ phiếu DIG đã giảm 10%, từ 21.000 đồng/cổ phiếu về 18.900 đồng/cổ phiếu và nếu tính từ ngày 12/4/2024 tới nay, thì đã giảm 43,8%, từ vùng đỉnh 33.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá cổ phiếu DIG dù đã giảm mạnh từ nửa đầu năm và giao dịch vùng đáy 19.800 đồng/cổ phiếu, nhưng sau khi DIC Corp ra thông tin phát hành thêm cổ phiếu, giá DIG tiếp tục giảm và dưới vùng tích lũy 19.800 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, ngày 2/12, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG) được chấp thuận chào bán 131,6 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.579,7 tỷ đồng và thời gian đặt mua, nộp tiền từ ngày 31/12/2024 đến 24/1/2025. Trong đó, từ ngày 11/11/2024 đến 2/1/2025, giá cổ phiếu NKG đã giảm 13% từ 16.830 đồng về 14.650 đồng/cổ phiếu và nếu nhìn rộng ra, từ ngày 17/6/2024 tới nay, giá cổ phiếu NKG đã giảm 29,8% từ 20.880 đồng/cổ phiếu.

Mới đây nhất, từ ngày 20/12/2024 đến 2/1/2025, giá cổ phiếu DXG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đã giảm 12%, từ 17.850 đồng về 15.700 đồng/cổ phiếu sau khi Công ty thông qua kế hoạch chào bán hơn 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.802 tỷ đồng, thời gian đăng ký chốt quyền ngày 7/1/2025 và thời gian nộp tiền từ ngày 14/1 đến ngày 14/2/2025.

Như vậy, trong bối cảnh cuối năm 2024 thị trường giao dịch giằng co, nhiều nhà đầu tư thận trọng và áp lực rút ròng khối ngoại vẫn còn khá lớn, việc các doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn đã phản ứng ngược, hàng loạt cổ phiếu bị nhà đầu tư bán ra và gây hiệu ứng tiêu cực lên thị trường.

“Quay xe” với kế hoạch huy động vốn mới

Khi dòng tiền suy yếu và nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với các đợt huy động vốn mới, hàng loạt doanh nghiệp đã phải dừng kế hoạch huy động vốn. Trong đó, ngày 23/12/2024, DIC Corp thông báo dừng kế hoạch chào bán 200 triệu cổ phiếu nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông trong điều kiện chứng khoán không thuận lợi và cổ phiếu DIG có dấu hiệu dừng giảm giá, đang có dấu hiệu phục hồi.

Khép lại một năm nhiều thăng trầm

Đầu năm 2024, thị trường chứng khoán thăng hoa với kỳ vọng về việc nâng hạng, sự hồi phục của doanh nghiệp từ nền thấp năm 2023. Tuy nhiên, nửa cuối năm, thị trường ảm đạm với thanh khoản suy giảm, nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lao dốc, tâm lý bi quan bao trùm, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân suy giảm mạnh trên diện rộng và khối ngoại đã rút ròng kỷ lục hơn 90.311 tỷ đồng trên HoSE trong năm 2024.

Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã HPX) thông báo về việc tạm dừng kế hoạch chào bán thêm 152,08 triệu cổ phiếu cho cổ đông để huy động hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động được Công ty sử dụng để thanh toán gốc và lãi của các khoản nợ ngân hàng, trái phiếu. Lý do tạm dừng là đảm bảo lợi ích cho cổ đông do tình hình thị trường không thuận lợi và đảm bảo tính khả thi của đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.

Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị Nam Hà Nội (mã NHA) cũng thông báo tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 đã phê duyệt, với lý do thay đổi phương án chào bán phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện tại, kế hoạch huy động và sử dụng vốn trong thời gian tới.

Theo kế hoạch chào bán cổ phiếu ban đầu, Tổng công ty Nhà và đô thị Nam Hà Nội dự kiến chào bán hơn 8,83 triệu cổ phiếu để huy động 88,35 tỷ đồng. Trong đó, Công ty sẽ dùng 50 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án do Công ty làm chủ đầu tư; 30 tỷ đồng thực hiện chi trả các khoản nợ; còn lại gần 8,35 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động.

Trước đó, tại Diễn đàn Mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam năm 2024 do Báo Đầu tư tổ chức, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital Việt Nam chia sẻ: “Một rào cản khác của thị trường vốn và M&A đó là lòng tin giữa người bán và người mua. Hiện lòng tin vào thị trường hơi yếu, minh chứng là nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 3,5 tỷ USD khỏi thị trường Việt Nam và lũy kế trong 3 năm rút đến 6 tỷ USD, đây là kết quả của vấn đề lòng tin”.

Có thể thấy, khi thị trường yếu, thanh khoản thấp và nhà đầu tư thận trọng, việc huy động vốn của doanh nghiệp không dễ dàng, buộc các doanh nghiệp phải tạm dừng, hoãn kế hoạch huy động vốn để tránh cổ phiếu tiếp tục lao dốc.

Xem thêm tại baodautu.vn