Khi nào khối ngoại ngừng rút ròng?
Thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán ròng 40.500 tỷ đồng trên HoSE, tương đương 1,6 tỷ USD.
Vì đâu nên nỗi?
Lượng bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay ghi nhận tại cổ phiếu VHM với giá trị xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong danh sách bán ròng của khối ngoại là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị bán ròng gần 5.500 tỷ đồng. Hai cổ phiếu bluechip khác là VNM và MSN cũng bị bán ròng lần lượt hơn 5.100 tỷ và hơn 3.300 tỷ đồng.
Giá trị bán ròng mạnh của khối ngoại còn ghi nhận tại loạt cổ phiếu khác như VRE của CTCP Vincom Retail (~2.700 tỷ), FUESSVFL (~1.900 tỷ), FPT (~1.900 tỷ), VND (1.800 tỷ đồng).
Riêng trong tháng 5/2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 15.590 tỷ đồng trên sàn HoSE và hơn 3.690 tỷ đồng trên sàn UPCoM, trong khi mua ròng hơn 269 tỷ đồng trên sàn HNX. Các mã được các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong tháng là VHM, CTG, MSR, ABB và VPB.
Khối ngoại triền miên bán ra hàng nghìn tỷ đồng mỗi phiên. |
Lần gần nhất, thị trường chứng kiến đà bán ra ồ ạt của khối ngoại là vào giai đoạn 2021, với giá trị bán ròng luỹ kế khi đó vượt 58.000 tỷ đồng - thiết lập kỷ lục năm xả hàng mạnh nhất của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Nhiều ý kiến dự báo khả năng cao những cột mốc kỷ lục mới sẽ sớm được thiết lập khi mà khối ngoại vẫn chưa có tín hiệu dừng xả hàng, triền miên bán ra hàng nghìn tỷ đồng mỗi phiên.
Nhìn chung, sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ, tỷ giá cao... đã tác động đáng kể tới hành động của nhà đầu tư ngoại. Điều này gây ra hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu, những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hiệu quả hơn. Không chỉ Việt Nam, mà các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt.
Bên cạnh đó, áp lực bán ròng một phần còn đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra trên một số quỹ ETF lớn. Điển hình là Quỹ DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) của Dragon Capital, dòng vốn vào quỹ ETF này ghi nhận đã rút ròng hơn 6.300 tỷ từ đầu năm 2024. Tương tự, Fubon ETF - quỹ ETF quy mô lớn nhất thị trường cũng đang đẩy mạnh bán ròng hàng trăm tỷ cổ phiếu Việt Nam trong vài phiên trở lại đây. Dòng tiền tại ETF này từ đầu năm 2024 ghi nhận rút ròng gần 1.600 tỷ đồng.
Hay như mới đây, gã khổng lồ quản lý tài sản BlackRock đã thông báo giải thể Quỹ iShares Frontier Select EM ETF - một quỹ chuyên đầu tư vào thị trường cận biên và mới nổi, đầu tư gần 20% tỷ trọng vốn vào thị trường Việt Nam. Trước khi giải thể, quỹ đã bán ròng toàn bộ cổ phiếu Việt Nam, với tổng khối lượng 10,8 triệu cổ phiếu, tức 20% so với lượng nắm giữ ngày 10/6 là 53,6 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, một số câu chuyện riêng trên TTCK Việt Nam cũng có thể gây ra tác động tiêu cực tới khối ngoại như việc chuyển đổi hệ thống mới KRX chưa thể thực hiện, hay sự chênh lệch về tỷ trọng giữa các nhóm ngành trên sàn, thiếu những hàng "ngon" như nhóm ngành sản xuất, công nghiệp, công nghệ, y tế, chăm sóc sức khoẻ,...
Cường độ rút ròng sẽ hạn chế hơn
Trong báo cáo mới đây về dòng vốn ngoại trên thị trường, SSI Research cho rằng khác với giai đoạn trước khi cường độ bán lớn của khối ngoại thường gây áp lực lên điểm số thị trường thì dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân mới là động lực dẫn dắt chính trong giai đoạn hiện tại. Với môi trường lãi suất thấp, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn tích cực tham gia TTCK và đối ứng tốt lực bán ròng của khối ngoại. Điều này cũng đang thể hiện sự ảnh hưởng tích cực lên diễn biến VN-Index. Phiến 12/6, chỉ số đã vượt qua ngưỡng 1.300 điểm lần đầu tiên sau 2 năm, tính từ đầu năm 2024 đã tăng hơn 15%.
Theo SSI Research, các rủi ro liên quan tới lãi suất, tỷ giá là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam ở giai đoạn hiện tại. Song, báo cáo chỉ ra điểm tích cực là kỳ vọng về bản dự thảo lần 2 của thông tư cho phép công ty chứng khoán triển khai hình thức hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức sẽ sớm được công bố.
Đội ngũ phân tích duy trì quan điểm thận trọng về dòng vốn vào các quỹ ETF của Việt Nam, tuy nhiên đánh giá cường độ rút ròng sẽ hạn chế hơn. Tín hiệu tích cực có thể sẽ bắt đầu xuất hiện khi môi trường vĩ mô (tỷ giá và lãi suất) ổn định hơn.
Dưới góc nhìn của Quỹ AFC Vietnam Fund, một số nhà đầu tư nước ngoài có sự lo lắng và bán ròng quá đà. Bên cạnh đó, diễn biến gần đây mang tới kỳ vọng về việc môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện.
Về diễn biến thị trường, AFC Vietnam Fund cho rằng, môi trường lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã thúc đẩy hoạt động tiêu dùng và xuất khẩu. Trong tháng 5, xuất khẩu tăng trưởng 15,8% so với cùng kỳ. Một số lĩnh vực chính như dệt may, quần áo tiếp tục hồi phục ấn tượng, với tổng giá trị xuất khẩu đạt 13,1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.
Quỹ này cho biết vẫn đang mua vào cổ phiếu Việt Nam. Tính tới cuối tháng 5/2024, AFC Vietnam Fund đang đầu tư vào 43 mã cổ phiếu và nắm giữ tỷ trọng 6,7% tiền mặt. Các lĩnh vực được phân bổ lớn nhất bao gồm tiêu dùng (54,6%) và tài chính (13,5%).
Đáng chú ý, sau khi bị rút ròng mạnh vài tháng gần đây, Fubon FTSE Vietnam ETF có thể giải ngân thêm 4.000 tỷ đồng mua cổ phiếu Việt Nam trong thời gian tới, sau khi được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua số tiền huy động vốn bổ sung đợt 6 là 5 tỷ TWD (~154 triệu USD).
Tại thời điểm 13/6/2024, giá trị tài sản ròng của Fubon ETF đạt hơn 25,3 tỷ TWD (~ 20.000 tỷ đồng), trong đó danh mục cổ phiếu chiếm 99,5%. Các khoản đầu tư lớn nhất danh mục gồm HPG, VIC, VCB, MSN, VHM, VNM, SSI,...
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn