Khi "ông lớn" ngành phân đạm "thức giấc": Cổ phiếu tăng trần 2 phiên liên tiếp, có lãi năm 2023 nhờ được xóa 1.800 tỷ lãi vay, thoát âm vốn chủ sở hữu sau 4 năm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/3, cổ phiếu DHB của CTCP Đạm Hà Bắc bất ngờ tăng "kịch trần" lên mức giá 12.000 đồng/cp trong khi thị trường chứng kiến phiên giao dịch "đỏ lửa" với việc VN-Index giảm gần 14 điểm còn 1.267,86 điểm. Đây đã là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này. Thanh khoản của mã này cũng tăng vọt từ vài nghìn đơn vị lên vài trăm nghìn đơn vị trong hai phiên gần đây.
Cổ phiếu DHB bỗng nhiên nổi sóng ngay khi nhận quyết định khi đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch. Cụ thể, theo thông báo từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu của Đạm Hà Bắc ra khỏi diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/3 nhờ việc vốn chủ sở hữu không còn âm. Trước đó, cổ phiếu này chỉ được giao dịch duy nhất vào thứ sáu hàng tuần.
Nhờ khoản lãi trong năm 2023, vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc đã không còn ghi nhận số âm lần đầu kể từ năm 2019. Cụ thể, theo BCTC kiểm toán năm 2023, Đạm Hà Bắc ghi nhận doanh thu thuần 4.413 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Với giá vốn hàng bán tăng mạnh gần 1.000 tỷ đồng lên 4.428 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ở mức âm 15,2 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi tới 2.834 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác hơn 1.800 đã góp phần lớn giúp công ty báo lãi sau thuế 858,2 tỷ đồng, giảm 52% so với khoản lãi kỷ lục 1.779 tỷ đồng năm 2022. Đặc biệt, Đạm Hà Bắc có lãi trong bối cảnh doanh nghiệp này đã lỗ 3 quý đầu năm 2023. Đây là năm thứ 3 liên tiếp công ty báo lãi trở lại, kể từ giai đoạn 2015 - 2020 thua lỗ triền miên.
Khoản lợi nhuận khác của Đạm Hà Bắc đến từ chi phí lãi vay được xóa, giảm lãi suất ghi nhận trong năm nên lợi nhuận khác của công ty đạt 1.803 tỷ đồng. Theo đó, đề án tái cơ cấu các khoản vay nợ đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) của công ty đã chính thức được phê duyệt, cho nên toàn bộ số tiền lãi hơn 1.802 tỷ đồng đã được xáo và hạch toán vào thu nhập khác của công ty.
Tuy nhiên, dù vốn chủ sở hữu đang dương trở lại và có lãi hơn 800 tỷ đồng trong năm 2023, Đạm Hà Bắc vẫn đang lỗ lũy kế khoảng 2.100 tỷ đồng.
Việc Đạm Hà Bắc thua lỗ triền miên và mới có lãi trở lại trong 3 năm gần đây phần lớn là do chi phí lãi vay quá lớn. Từ năm 2008, công ty này đã vay ngân hàng Phát triển Việt Nam một khoản vay với hạn mức trên 4.100 tỷ đồng để tài trợ dự án cải tạo nhà máy Đạm Hà Bắc. Đến năm 2015, khi dự án hoàn tất và đi vào hoạt động, công ty bắt đầu phải hạch toán lãi vay vào chi phí hoạt động hàng năm.
Đạm Hà Bắc từ một công ty phân đạm đầu ngành của Việt Nam, sau khi sử dụng vốn vay để cải tạo nhà máy, đã dần chìm trong thua lỗ do lãi vay lớn. Từ năm 2015, khi nhà máy đi vào vận hành, chi phí lãi vay hàng năm của doanh nghiệp chưa bao giờ dưới 400 tỷ đồng, thậm chí lên đến 980 tỷ đồng vào năm 2021. Giai đoạn 2015 - 2023, tổng chi phí lãi vay của Đạm Hà Bắc đạt trên 6.700 tỷ đồng. Phần lớn chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay dự án cải tạo Nhà máy.
Dự án cải tạo Nhà máy không chỉ mang đến cho Đạm Hà Bắc những khoản lỗ khổng lồ, còn khiến công ty rơi vào tranh chấp nhiều năm với nhà thầu dự án. Đến nay những tranh chấp đó vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Về triển vọng ngành phân bón năm 2024, nhiều công ty chứng khoán nhận định ngành phân bón sẽ đón nhiều tín hiệu tích cực hơn trong thời gian tới từ việc nhu cầu tiêu thụ tăng trong bối cảnh nguồn cung bị siết chặt. Nhận định giá phân bón trong thời gian tới, MASVN kỳ vọng giá phân bón đã tạo đáy vào tháng 6/2023 và đang trong chu kỳ phục hồi trong thời gian tới nhờ Nga và Trung Quốc đã kéo dài thời gian hạn chế xuất khẩu phân bón.
Song song đó, các tổ chức lớn như Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) và NUE cùng dự báo tăng trưởng sản lượng phân bón toàn cầu tăng 1,8% trong năm 2024, sau khi kỳ vọng khoảng 4% vào năm 2023.
Xét về triển vọng ngắn hạn, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định giá phân bón urê trong năm 2024 có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2023.
Nguyên nhân bắt nguồn từ những động thái hạn chế xuất khẩu của các "ông lớn" trên thị trường phân bón thế giới. Theo đó, quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 15% lượng tiêu thụ toàn cầu) là Nga đã gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5/2024 để bảo vệ thị trường nội địa. Cùng với đó, Trung Quốc cũng tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá.
Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh giá bán phân bón sản xuất trong nước, giúp tăng thêm tính cạnh tranh với mặt hàng phân bón nhập khẩu.
Xem thêm tại cafef.vn