Khó khăn nối dài, Nhiệt điện Phả Lại lên kế hoạch lãi trước thuế 427 tỷ năm nay
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC), doanh nghiệp nhận định một số yếu tố thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng điện và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thuận lợi là tổ máy S6 cơ bản sửa chữa hoàn thiện và đưa vào khai thác, tăng cơ hội tham gia thị trường và gia tăng doanh thu sản xuất điện cho công ty.
Với sự hỗ trợ giúp đỡ của EVN, EVNGenco2, các cơ quan quản lý nhà nước PPC đã ký được Hợp đồng sửa đổi bổ sung số 19 Hợp đồng mua bán điện Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 và Phả Lại 2 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc khai thác vận hành các Tổ máy phát điện Dây chuyền 1 của PPC.
Bên cạnh đó, PPC đã hoàn thiện ký kết hợp đồng mua bán than năm 2024 với các đơn vị cung cấp, cơ bản đáp ứng nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện.
PPC cũng đưa ra khó khăn trong năm nay là các tổ máy DC1 của Nhiệt điện Phả Lại suy giảm công suất nghiêm trọng, tác động không nhỏ đến quá trình vận hành và sản xuất điện, khó khăn lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được giao.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch điện VIII và Văn bản số: 3606/BCT-ĐL ngày 12/6/2023 của Bộ Công thương, đối với các nhà máy nhiệt điện than đã vận hành đủ 40 năm nếu không chuyển đổi nhiên liệu hoặc không thu giữ CO2 sẽ phải dừng hoạt động.
Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển đổi nhiên liệu hay thu giữ CO2 đều đang ở giai đoạn nghiên cứu, định hướng mà chưa có các quy định, quy chế hướng dẫn, khung pháp lý cụ thể từ các bộ, ngành liên quan. Thách thức đó ảnh hưởng trực tiếp trong thời gian tới PPC phải thực hiện các dự án nâng cấp - chuyển đổi nhiên liệu đối với các tổ máy dây chuyền 1.
Để đảm bảo tiêu chuẩn theo Quy chuẩn Môi trường mới được ban hành và áp dụng thay thế cho Quy chuẩn Môi trường QCVN 22:2009 quy định về phát thải ra môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện đốt than. Trong kế hoạch sắp tới, công ty phải thực hiện khai dự án nâng cấp, cải tạo thiết bị dây chuyền 1 để phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới, đáp ứng quy định của Quy hoạch Điện VIII.
Đối với các tổ máy của dây chuyền 2, PPC tiếp tục khởi động dự án nâng cấp hệ thống khử SOx, NOx trong khói nhằm đáp ứng quy chuẩn mới đang tạm dừng trước đây.
Với chi phí đầu tư, nâng cấp cải tạo giá trị rất lớn để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng đặt ra thách thức cho PPC. Công ty đang dự thảo báo cáo, trình tổng công ty cho phép thực hiện dự án theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1, rà soát, đánh giá, hiệu chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư dự án đáp ứng quy chuẩn QCVN22:2009 hiện hành và có tính toán dự phòng khi quy chuẩn mới được chính thức ban hành.
Giai đoạn 2 là thực hiện nâng cấp thiết bị hệ thống sau khi quy chuẩn môi trường mới được ban hành, kết họp chuyển đổi nhiên liệu cho các tổ máy DC2. Lọc bụi tĩnh điện của dây chuyền 1 xuống cấp nghiêm trọng, hoạt động không hiệu quả, nguy cơ cao xảy sự cố phải ngừng lò để sửa chữa, tăng chi phí khởi động vàmất nhiều cơ hội tham gia thị trường điện.
Hiện tại, lọc bụi khối 1 đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, lọc bụi khối 2 và 3 đang trong quá trình thi công sửa chữa, lọc bụi khối 4 đã hoàn thiện sửa chữa.
Với nhận định tình hình như trên, tình hình thực tế thiết bị, trên cơ sở sử dụng tối đa có thể năng lực các tổ máy, PPC lên kế hoạch tổng doanh thu 8.756 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 427 tỷ đồng; tăng lần lượt 51% và 12% so với thực hiện năm 2023. Cổ tức năm 2024 dự kiến 6% vốn điều lệ.
Tổng số tiền dự kiến cho kế hoạch sửa chữa lớn năm nay là 488 tỷ và tiền chi mua sắm, đầu tư tài sản cố định là 18,5 tỷ đồng.
Về phương án chi trả cổ tức năm 2023, PPc dự kiến trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 9% (900 đồng/cp). Trong đó, PPC đã tạm ứng cổ tức tỷ lệ 2,75% vào ngày 4/3 và dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 18,75% vào 28/6.
Tỷ lệ cổ tức còn lại chi trả trong năm 2024 là 6,25%, tương đương số tiền dự chi là 200 tỷ. Tổng số tiền chi trả cổ tức trong ba đợt là 890 tỷ đồng.
Xem thêm tại vietnambiz.vn