Khó khăn từ tình hình Biển Đỏ, doanh nghiệp thủy sản tìm cách thích ứng
Chi phí vận chuyển tăng
Gần đây, xung đột Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển phải ra thông báo dừng vận chuyển hàng hóa hoặc thay đổi lịch trình, kéo theo hệ luỵ là cước vận tải biển gia tăng với nhiều khoản phụ phí phát sinh. Điều này đang có những tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, đơn hàng phải vận chuyển qua khu vực Biển Đỏ đã nhận được thông báo tăng giá cước từ một số hãng tàu biển áp dụng từ đầu năm 2024. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 1/2024, nhiều hãng tàu, như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ. Theo đó, bắt đầu từ tháng 1/2024, cước đi Mỹ, Canada và EU tăng rất nhiều so với tháng 12/2023. Cụ thể, Bờ Tây (LA) tăng 800 USD - 1.250 USD/container, tùy theo tuyến; Bờ Đông (NY) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 USD đến 1.750 USD/container tùy theo tuyến…
Ngoài ra, điều khiến doanh nghiệp lo lắng không phải chỉ giá cước tàu biển qua tuyến này tăng mà có thể các tuyến khác cũng sẽ tăng giá theo do tình trạng ách tắc kéo dài. Đây là thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản.
Tận dụng thị trường XK chủ lực là Nhật Bản, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho rằng, tình hình Biển Đỏ đã làm cho cước tàu biển tăng lên. Thế nhưng, rất may mắn thời điểm này FMC có ít lô hàng xuất khẩu tới thị trường EU, Mỹ…. Doanh nghiệp chỉ tập trung ở thị trường Nhật Bản nên tạm thời những khó khăn về cước phí tăng như trên chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động XK của doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng phương thức vận chuyển trong ngắn hạn. Hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin và phối hợp làm việc trong chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý khi ký kết, đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên bổ sung điều khoản về bồi thường… trong những tình huống khẩn cấp cũng như mua bảo hiểm đầy đủ. Ngoài việc đa dạng phương thức vận chuyển, doanh nghiệp xuất khẩu nên đa dạng nhà cung cấp nguyên, phụ liệu để tránh bị gián đoạn quá trình sản xuất, ảnh hưởng tiến độ giao hàng…
Ứng phó với tác động kép
Ngoài cước vận tải tăng, các doanh nghiệp thủy sản nhận định, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024 vì hàng tồn kho vẫn còn nhiều. Hiện các doanh nghiệp đang đối diện với chi phí lớn và tăng cao của thức ăn đồng thời dịch bệnh trên tôm nuôi chưa kiểm soát được. Đây là thách thức lớn cho ngành nuôi tôm của Việt Nam. Cùng với khó khăn về nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp XK tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh tôm với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024; các rào cản thương mại gia tăng và quy định thị trường khắt khe hơn, trong đó có vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ với tôm 4 nước, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Hồ Quốc Lực, mặc dù đã hoàn thành kế hoạch ở nửa tháng cuối năm 2023 nhưng FMC không chủ quan mà chuẩn bị tâm thế ngay cho năm 2024 khi có quá nhiều thông tin bất lợi cho hoạt động ngành tôm Việt. Từ đó, FMC đã có sự nhận diện môi trường trong, ngoài nước và đề ra chương trình hành động phù hợp cho mình. Trong đó, cải tiến đa dạng hóa sản phẩm nhưng phải phù hợp với điều kiện nhà xưởng, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng. Các sản phẩm cần tăng sản lượng nhằm phát huy thế mạnh là tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi, nhưng đồng thời nỗ lực giữ thị phần cho các mặt hàng tôm khác.
Hơn lúc nào hết, những lúc có nhiều bất ổn doanh nghiệp sẽ kích hoạt các đầu mối tiếp nhận các nguồn thông tin từ các nguồn cung nguyên liệu, tiêu thụ thị trường, cơ cấu sản phẩm, các đối thủ cùng ngành sự thay đổi về hành vi của người tiêu dùng... sẽ được sàng lọc và xử lý thành những tín hiệu có ích cho mình.
“Môi trường liên tục biến động đòi hỏi DN luôn thích ứng. Muốn thích ứng thì cần có những kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra. Chẳng hạn, nếu như thuế trợ cấp cao và thuế chống bán phá giá cao khó lòng để duy trì được thị trường Mỹ thì có kịch bản thay đổi cơ cấu thị trường ngay”, ông Hồ Quốc Lực nhấn mạnh. Ông Lực cũng cho biết, FMC tiếp tục tăng cường phát triển thị trường Nhật Bản; duy trì các thị trường đang có; chú trọng tìm hiểu từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc, trên nền tảng phát huy thế mạnh của mình.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, bên cạnh vượt qua những khó khăn, các doanh nghiệp đang tận dụng những cơ hội đang có để đẩy mạnh XK. Chẳng hạn, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, là tín hiệu tích cực cho kinh tế và tiêu dùng; các động thái cấm vận thương mại thủy sản của Mỹ và EU với Nga; của Trung Quốc và Nga với Nhật Bản… cũng làm thay đổi cục diện thương mại của các nước trên thế giới, tác động gián tiếp và tạo ra một số cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam. Cùng với đó, cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng thủy sản, mà Việt Nam là một trong số những lựa chọn được các doanh nghiệp thủy sản tại nhiều thị trường quan tâm dựa trên năng lực và thế mạnh về chế biến và đảm bảo chất lượng của Việt Nam.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn