Khó nhọc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sau 8 tháng
Thông tin về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong tháng 8/2024, Bộ Tài chính cho biết các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 và Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 20/2/2024. Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
"Về tình hình thoái vốn, trong 8 tháng của năm 2024, thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp (F1) với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 145 tỷ đồng, thu về 157 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 03 doanh nghiệp (F2) với giá trị 40,9 tỷ đồng, thu về 182 tỷ đồng".
Bộ Tài chính.
Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 8 tháng của năm 2024 vẫn diễn ra chậm trễ do vướng mắc liên quan đến sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong buổi làm việc của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và uỷ ban nhân dân tỉnh mới đây, đại diện Ban Chỉ đạo cho biết công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn kéo dài nhiều năm chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Điển hình như việc cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và các công ty con, các đơn vị sự nghiệp công lập… nhiều năm nay vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất do yếu tố lịch sử để lại như: chứng từ, hồ sơ góp vốn đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất; góp vốn bằng tài sản trên đất… chưa bảo đảm phù hợp theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Một số thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp cho rằng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp đã nêu nhiều lần và kéo dài nhiều năm nhưng chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm.
Liên quan đến công tác bán vốn, đến nay Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán thành công 2 doanh nghiệp, với tổng doanh thu 181 tỷ đồng, đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol, Công ty cổ phần Phim truyện I. Với kết quả này, SCIC mới đạt 8,3% kế hoạch năm đề ra.
Trong danh sách 59 doanh nghiệp thoái vốn năm 2024 của SCIC có một số doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần FPT (SCIC sở hữu 5,75% vốn điều lệ tương đương khoảng 839,8 tỷ đồng); Công ty cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong (SCIC sở hữu 37,1% vốn điều lệ, tương đương hơn 528,7 tỷ đồng)... Nhiều lần SCIC rao bán cổ phần của một số doanh nghiệp nhưng đều không thu hút được nhà đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp trong danh mục SCIC tiếp tục nắm giữ đến năm 2025, SCIC sẽ tiếp tục thực hiện vai trò cổ đông nhà nước, củng cố, phát triển một số doanh nghiệp quy mô lớn, có hiệu quả cao, thương hiệu tốt, có khả năng cạnh tranh. Theo đó, SCIC tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm tập trung xử lý tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tập trung tái cơ cấu, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài tại một số tập đoàn, tổng công ty có tình hình tài chính phức tạp, quyết toán vốn nhà nước khi cổ phần hóa, sắp xếp nhà đất...
Về công tác cơ cấu lại doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 8/2024, đã có 105 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đề án này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đối với 08/09 doanh nghiệp. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu đã phê duyệt 97/667 doanh nghiệp, gồm 19 doanh nghiệp thuộc trung ương và 78 doanh nghiệp thuộc các địa phương.
Cũng trong tháng 8/2024, Bộ Tài chính thực hiện các công việc trọng tâm khác như thực hiện công tác giám định tư pháp và định giá tài sản theo phân công; công tác thẩm định hồ sơ dự án đối với hoạt động đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp.
Xem thêm tại vneconomy.vn