Khoảng 20% ngân hàng Việt Nam cắt giảm nhân sự trong quý 1/2025

13 - 16% tổ chức tín dụng dự kiến cắt giảm lao động trong năm 2025

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, tình hình lao động việc làm của ngành tài chính ngân hàng trong quý 1/2025 có "cải thiện" so với quý trước, tương đương mức độ "cải thiện" ở quý 4/2024, nhưng chưa đạt được như kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Trong quý 1/2025, 32,5% tổ chức tín dụng cho biết đã tuyển dụng thêm lao động và 21,1% tổ chức tín dụng cho biết đã cắt giảm lao động.

Tại thời điểm cuối quý 1/2025, 78,9% tổ chức tín dụng đánh giá số lượng lao động hiện có tại đơn vị đáp ứng đủ nhu cầu công việc; 20,2% tổ chức tín dụng nhận định đang thiếu lao động và 0,9% tổ chức tín dụng cho biết đang thừa lao động.

Dự kiến trong quý 2/2025 cũng như cả năm 2025, tình hình lao động việc làm được kỳ vọng tiếp tục khả quan với 42-54% tổ chức tín dụng dự kiến tuyển dụng thêm lao động và 13-16% tổ chức tín dụng dự kiến cắt giảm lao động

Trước đó, số liệu từ báo cáo tài chính riêng lẻ cho thấy quy mô nhân sự của nhiều ngân hàng đã sụt giảm trong năm 2024.

Năm ngoái, quy mô nhân sự của BIDV đã giảm đến 1.107 người. Đây cũng là năm chứng kiến quy mô nhân sự của BIDV giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ qua.

Cũng trong năm 2024, 3 trong 11 ngân hàng có quy mô hơn 10.000 nhân viên ghi nhận quy mô nhân sự thu hẹp. Báo cáo tài chính quý 4/2024 của Sacombank cho thấy, quy mô nhân sự của ngân hàng cuối năm 2024 là 17.058 người, giảm 354 người so với cuối năm 2023. So với quy mô lớn nhất vào năm 2019, Sacombank giảm hơn 1.000 nhân sự trong 5 năm qua. Tương tự, ACB cũng đã giảm ròng 377 nhân sự, còn 12.847 người; VIB ghi nhận quy mô nhân sự giảm 476 người.

Ở các ngân hàng tầm trung, quy mô nhân sự của TPBank, Nam A Bank, ABBank, Kienlongbank cũng đã giảm từ 50 đến 60 người trong năm qua.

Khoảng 20% ngân hàng Việt Nam cắt giảm nhân sự trong quý 1/2025- Ảnh 1.

Biến động nhân sự các ngân hàng năm 2024. Nguồn: BCTC riêng lẻ, Tổng hợp: Linh San

Tính chung, có tới 8/27 ngân hàng trên sàn chứng khoán ghi nhận quy mô nhân sự thu hẹp trong năm 2024. Ở chiều ngược lại, phần lớn các ngân hàng vẫn tiếp tục mở rộng số lượng nhân viên như MB (tăng 1.674 người), VPBank (tăng 1.404 người), HDBank (tăng 965 người), Vietcombank (tăng 796 người); các ngân hàng còn lại có số lượng nhân viên tăng thêm khoảng 200 - 300 người.

Khảo sát trên trang tuyển dụng của các ngân hàng trong năm 2024 cho thấy, nhiều nhà băng không còn ồ ạt tuyển dụng số lượng lớn nhân sự như các năm trước. Một số đơn vị vẫn đều đặn đăng tuyển nhân sự nhưng số lượng không nhiều, hầu hết dưới 100 người/đợt.

Các ngân hàng đẩy mạnh tin gọn bộ máy 

Đại diện một số ngân hàng cho việt việc cắt giảm nhân sự vừa qua chủ yếu do sắp xếp, thu gọn lại hoạt động ở phòng ban, các vị trí công việc truyền thống. Đổi lại, nhu cầu về nguồn nhân lực cho các bộ phận công nghệ, chuyển đổi số, tài chính số là rất lớn. Thậm chí, có sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trong thu hút nhân sự mảng công nghệ, tài chính số.

Tại tờ trình phục vụ Đại hội đồng cổ đông công bố mới đây, lãnh đạo ABBank cho biết năm 2025, ngân hàng này sẽ triển khai và hoàn thành việc rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức Hội sở. Trong đó, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở sắp xếp lại các chức năng/nhóm chức năng của các Khối/Ban hiện tại; sắp xếp, tinh giảm nhân sự một cách có hiệu quả.

Đồng thời, ABBank sẽ thu gọn số lượng đầu mối Hội sở đồng thời giảm các tầng nấc trung gian từ Hội sở xuống các đơn vị kinh doanh ABBank cũng tổ chức lại mô hình mạng lưới bán hàng cho phù hợp với thực tiễn của ABBank, khắc phục các yếu kém, hạn chế, bất cập hiện tại.

Bên cạnh đó, nhà băng này sẽ rà soát tinh giản nhân sự trên toàn hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bố trí nhân sự phù hợp với tổ chức bộ máy đã được điều chỉnh tinh gọn; đồng thời bảo đảm đủ nguồn nhân lực cần cho phát triển kinh doanh. ABBank sẽ giao chỉ tiêu, đánh giá gắn với thực hiện chính sách đãi ngộ nhằm bảo đảm công bằng theo kết quả, đóng góp thực tế, tâm huyết và trách nhiệm của CBNV, mang lại niềm tin, sự khích lệ và tinh thần cống hiến của đội ngũ CBNV; thay thế nhân sự có hiệu quả làm việc và đóng góp thực tế thấp.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 mới đây, bà Bùi Thị Thanh Hương, Chủ tịch NCB cho biết, tại thời điểm 2021 về trước, NCB có 90 điểm giao dịch, trong đó có 24 chi nhánh, còn lại là PGD và 1 hội sở chính, nhân sự khoảng 2.100 người. Tuy nhiên, đến 2021, sau khi có bộ máy quản trị điều hành mới, NCB nhận thấy xu hướng ngân hàng trong thời gian tới các điểm giao dịch vật lý không còn là cốt lõi để xác định một tổ chức tín dụng kinh doanh thành công hay không, nên NCB đã trình Ngân hàng Nhà nước đóng bớt các điểm giao dịch, với con số đóng lũy kế đến giờ này là 25 điểm, bao gồm 23 PGD và 2 chi nhánh.

Số lượng nhân sự thời gian đầu giảm từ 2.100 xuống 1.800, nhưng sau đó theo nhu cầu phát triển của ngân hàng bình quân từ 22 đến 30%/năm tùy theo chỉ tiêu, thì NCB đã rà soát lại và đầu tư trở lại cho ngân hàng một cách tổng thể, bao gồm bộ nhận diện thương hiệu, bộ mặt mới cho các điểm giao dịch và đặc biệt là đầu tư công nghệ và chuyển đổi số.

Theo Chủ tịch NCB, sau khi tái cấu trúc mạng lưới, NCB đã tiến hành tái cấu trúc đội ngũ nhân sự, chiêu mộ, tuyển dụng nhân sự có năng lực tốt trên thị trường. Bà Hương cho rằng, nếu nhân sự có năng lực tốt thì chế độ đãi ngộ phải cạnh tranh so với thị trường, thì nhân sự mới về với mình, đây là nguyên lý rất thông thường và tất yếu. Thu nhập bình quân đầu người của NCB đã leo từ thứ 25 thị trường tại năm 2021 lên thứ 12-13 thị trường năm 2024. Đây là lý do giúp NCB đảm bảo được năng suất lao động của cán bộ nhân viên cạnh tranh so với thị trường.

TS. Châu Đình Linh, sáng lập và điều hành trường Quản trị & Lãnh đạo SSB, giảng viên tại trường Đại học Ngân Hàng TPHCM cho rằng, tinh gọn bộ máy là xu hướng tất yếu, không chỉ là ngành ngân hàng mà tất cả các ngành khác. Một tổ chức hiệu quả là khi giữ nguyên đầu ra nhưng tối thiểu hóa đầu vào hoặc tối đa hóa đầu ra với cùng một lượng đầu vào. Một số ngân hàng áp dụng cả hai, nghĩa là cùng một kết quả nhưng với ít nhân sự hơn, giúp tinh gọn bộ máy, tối ưu chi phí và nâng cao tỷ suất sinh lợi. Doanh thu của ngân hàng đến từ lãi và phi lãi, trừ đi chi phí hoạt động và nhân sự, nên khi cắt giảm hợp lý, tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng.

Tháng 6/2024, một báo cáo của Citigroup cũng nhận định rằng AI có khả năng thay thế nhiều việc làm trong ngành ngân hàng hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Tổ chức này ước tính khoảng 54% vị trí trong ngành ngân hàng có nguy cơ cao bị tự động hóa.

Với sự phát triển không ngừng, hiện hầu hết các nghiệp vụ ngân hàng đều có thể ứng dụng AI để xử lý, từ khối hành chính như tự động điền biểu mẫu, phân tích dữ liệu, phát hiện gian lận, đề xuất sản phẩm dựa trên lịch sử giao dịch, hay khối vận hàng như sinh trắc học để xác thực, trợ lý ảo hỗ trợ khách hàng, tự động hóa quy trình xử lý tài liệu,...nhờ vậy ngân hàng hoàn toàn có thể hoạt động hiệu quả hơn với quy mô tinh gọn hơn.

Xem thêm tại cafef.vn