Khởi công tuyến cao tốc 14.300 tỷ, mở cánh cửa giao thương với Trung Quốc

Ngày 1/1, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức khởi công dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Theo đó, tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Liên danh nhà đầu tư dự án là Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài 93,35km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Tổng mức đầu tư giai đoạn là 14.331 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng.

Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, dự án có vận tốc thiết kế 80km/h, với bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và đối với các đoạn khó khăn bề rộng mặt cắt ngang nền đường 13,5m. Trên tuyến bố trí 7 nút giao và 1 điểm ra vào cao tốc, 4 trạm dừng nghỉ, 7 trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng bộ.

Phối cảnh dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận của Việt Nam.

Ban đầu, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, được Bộ Giao thông Vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Đây là dự án rất khó về yếu tố kỹ thuật bởi địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.

Sau khi tiếp cận dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn còn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.

Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và sự phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn nhưng đảm bảo tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư).

Nguồn vốn nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng (chiếm 31,24% tổng mức đầu tư) đã được các nhà đầu tư thu xếp đủ, trong đó ngân hàng VPBank đồng ý cấp nguồn tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án. Về phía tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 22 dự án đầu tư công, dồn nguồn lực, tăng vốn tham gia của ngân sách địa phương từ 2.500 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng.

Đại diện Đèo Cả cho biết tại dự án này, doanh nghiệp sẽ hợp tác với các trường đại học, trường đào tạo nghề,  để nâng cao tay nghề cho công nhân, khả năng thực hành, ứng dụng công nghệ cho kỹ sư và đúc kết mô hình quản lý, thi công chuẩn mực cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số, mô hình BIM để kiểm soát giải phóng mặt bằng, minh bạch trong thiết kế, tối ưu hóa chi phí; các quy tắc ứng xử, sơ cứu cấp cứu sẽ được tổ chức đào tạo và diễn tập thường xuyên tại công trường.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn