Khối doanh nghiệp tại Lào của Cao su Việt Nam (GVR) "thắng lớn", quản lý hơn 26.600 ha cao su
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào vừa diễn ra, ông Trần Công Kha - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) cho biết, hiện tập đoàn đang có 6 công ty tại Lào, hoạt động tại 5 tỉnh biên giới giữa Lào và Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư là hơn 254,5 triệu USD.
Các doanh nghiệp trên có tổng diện tích trồng cao su là hơn 26.644 ha, trong đó diện tích cao su đã đưa vào khai thác 23.239 ha. Đồng thời, tập đoàn đã đầu tư 3 nhà máy chế biến mủ cao su tại Lào, với tổng công suất chế biến là 34.000 tấn/năm. Từ khi đưa dự án vào kinh doanh, tổng sản lượng cao su khai thác của các doanh nghiệp tại Lào là 344.148 tấn và tổng sản lượng tiêu thụ luỹ kế là hơn 374.771 tấn.
Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế luỹ kế từ khi bắt đầu đưa dự án vào khai thác lần lượt là 554,5 triệu USD và 74,91 triệu USD. Trong đó, riêng năm 2024, tổng doanh thu ước đạt 66,3 triệu USD và lợi nhuận sau thuế ước đạt 14,85 triệu USD, lần lượt hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 180% mục tiêu lợi nhuận cả năm, ông Trần Công Kha cho biết.
Hiện có 2 dự án, gồm Công ty Cổ phần Cao su Việt Lào và Công ty Cổ phần Quasa Geruco, đã có lợi nhuận và đã chia cổ tức, chuyển tiền về nước (tính lũy kế đến 31/12/2024) là 26,6 triệu USD. Các dự án còn lại đang tiếp tục đầu tư, dự kiến sẽ có lợi nhuận trong vài năm tới.
Lãnh đạo Cao su Việt Nam cũng cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu từ khi đưa các dự án tại Lào vào kinh doanh thương mại đến nay là 547,09 triệu USD. Lũy kế tổng giá trị nộp ngân sách từ đầu dự án đến nay là 29,09 triệu USD, trong đó năm 2024 là 5,23 triệu USD, đạt 137% so với kế hoạch năm 2024.
Hiện các doanh nghiệp của Cao su Việt Nam tại Lào đang tạo ra việc làm cho hơn 5.500 người; trong đó, gần 4.800 cán bộ, người lao động là người Lào, với thu nhập bình quân là 350 USD/người/tháng.
Chủ tịch Cao su Việt Nam cũng cho biết, các dự án của tập đoàn tại Lào đã và đang đóng góp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội trong vùng dự án như: làm đường, trường học, trạm xá, giúp tôn lợp, hệ thống đường dây điện, khoan giếng… và nhân dân vùng bị thiên tai lũy kế đến 31/12/2024 đạt 9 triệu USD.
Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân trong vùng dự án và quan trọng nhất là đã thay đổi được tập quán sống du canh du cư, dần quen với định canh, định cư, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, quy mô công nghiệp.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, khối doanh nghiệp tại Lào của Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu ở mức 66,03 triệu USD và nộp ngân sách ở mức 4,56 triệu USD.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Cao su Việt Nam ông Trần Công Kha đã nêu những khó khăn vướng mắc của tập đoàn khi hoạt động kinh doanh tại Lào. Trong đó, thách thức lớn nhất là việc xin chuyển đổi thời gian thuê đất phát triển dự án, để đảm bảo dự án cao su có hiệu quả kinh tế cao, yêu cầu thời gian đầu tư phải đạt chu kỳ 2 vòng đời cây cao su, nghĩa là 50 năm.
Hiện có 2 đơn vị thành viên của Cao su Việt Nam, chỉ được thuê đất lần lượt là 30, 40 năm, không đủ điều kiện tái canh, đầu tư lâu dài, ổn định sản xuất, chế biến, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân tại vùng dự án. Hai đơn vị này đã hoàn tất thủ tục, nộp hồ sơ đầy đủ cho cơ quan chức năng Lào phụ trách.
Xem thêm tại tapchicongthuong.vn