Khởi động sớm kế hoạch 2024

“Phát súng” đầu từ ngành dầu khí

Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) vừa đưa ra con số ước tính kết quả kinh doanh năm 2023 với những con số khá ấn tượng: tổng doanh thu hợp nhất 146.466 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.093 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 290% so với kế hoạch đề ra.

Sau năm 2023 lãi “khủng”, BSR đặt mục tiêu sản lượng sản xuất năm 2024 đạt hơn 5,7 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ hơn 5,66 triệu tấn, tổng doanh thu hợp nhất 94.974,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 991,3 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này được xây dựng theo phương án giá dầu thô đạt 70 USD/thùng.

Các mục tiêu này có phần thận trọng, nhưng thực tế, việc đặt chỉ tiêu cách xa khả năng hoàn thành trở thành “truyền thống” của BSR cũng như nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí.

Để thực hiện kế hoạch kinh doanh, BSR đã đề xuất tập đoàn mẹ PVN nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách như kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP theo hướng cho phép BSR bán lại các lô dầu thô mua từ nước ngoài trong trường hợp cấp bách khi bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, khi nhà máy có sự cố hỏng hóc, dừng vận hành hoặc không còn nhu cầu sử dụng; không áp dụng quy định dự trữ bắt buộc đối với BSR; giảm thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu phối trộn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất về 0% nhằm linh hoạt khả năng sản xuất xăng của Nhà máy; kiến nghị xin hoàn thuế hoặc khấu trừ thuế khi BSR phải xuất khẩu nhằm linh hoạt hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty, nhất là trong trường hợp Nhà máy phải dừng sản xuất. Đặc biệt, BSR tiếp tục kiến nghị các cấp thẩm quyền sớm giải tỏa tiền gửi của BSR tại Oceanbank để thực hiện dự án và đảm bảo dòng tiền đầu tư.

Một doanh nghiệp “họ P” là Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (mã PVS) đã lên kế hoạch năm mới, với doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 660 tỷ đồng.

Năm nay, PTSC đặt mục tiêu tập trung quản lý và khai thác an toàn hiệu quả đội tàu dịch vụ chuyên dụng, đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường trong nước và phát triển ra thị trường nước ngoài (Malaysia, Trung Đông, Ấn Độ); giữ vững và mở rộng thị trường dịch vụ cung ứng lao động khai thác dầu khí và các dịch vụ O&M, phục vụ khác trên các tàu FSO, FPSO trong và ngoài nước; nghiên cứu hướng đầu tư mở rộng sang lĩnh vực kho chứa LNG.

PVS cũng đặt mục tiêu theo đuổi đấu thầu, thắng thầu và thực hiện thành công các dự án cơ khí dầu khí quốc tế, các dự án công trình công nghiệp, dự án thi công chế tạo cấu kiện phục vụ năng lượng tái tạo ngoài khơi trong và ngoài nước, triển khai hiệu quả, an toàn chất lượng và đúng tiến độ các dự án Hải Long, bồn chứa LPG Thị Vải, dự án tại vùng biển Qatar...

Đề cập về kế hoạch 2024, lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (mã PVT) cho biết, thị trường vận tải hàng lỏng dầu thô, dầu sản phẩm nhìn chung vẫn tồn tại nhiều rủi ro ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của thị trường do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ đến hết năm 2024, giảm công suất hoạt động của các máy lọc dầu; sự thay đổi dòng chảy thương mại liên quan đến Nga, quãng đường vận chuyển dầu thô/dầu sản phẩm dài hơn nhờ làn sóng khởi động/đóng cửa mới tại các nhà máy lọc dầu. Với kịch bản giá dầu 70 USD/thùng, năm 2024, PVT đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 7.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng.

Công ty xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay, gồm vận chuyển an toàn, kịp thời nguyên liệu dầu thô đầu vào, sản phẩm dầu và khí đầu ra của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và các đơn vị thành viên khác trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, theo các hợp đồng ký kết; quản lý khai thác an toàn, hiệu quả đội tàu của PVTrans trên các tuyến quốc tế; vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả tàu FSO PVN Đại Hùng Queen tại mỏ Đại Hùng và giàn CPP cho Idemitsu tại mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt.

Hai doanh nghiệp phân bón trong ngành dầu khí đã xây dựng kế hoạch kinh doanh 2024. CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM) đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.878 tỷ đồng, giảm 11,7% so với kế hoạch năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 794,8 tỷ đồng, giảm 42% so với kế hoạch năm ngoái.

Trong khi đó, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) công bố con số kế hoạch năm 2024 với doanh thu 12.755 tỷ đồng, giảm 6% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 542 tỷ đồng, tăng 17% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2023.

Theo giới phân tích, đây là mục tiêu rất thận trọng. Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc nếu tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân bón, giá u-rê thế giới dự báo sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi.

… tới nhiều ngành khác

Tính đến cuối tuần trước, không chỉ các doanh nghiệp niêm yết trong ngành dầu khí, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành khác đã hé lộ chỉ tiêu kinh doanh năm 2024. Thông tin này được chia sẻ cùng thời điểm với con số ước tính thực hiện trong năm 2023.

Chẳng hạn, trong khối công ty chứng khoán, CTCP Chứng khoán Phú Hưng (mã PHS) cho biết, ước tính trong năm qua, Công ty đạt doanh thu hoạt động 561,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 47 tỷ đồng. Trên cơ sở đánh giá năng lực phát triển và điều kiện khách quan của thị trường, PHS đặt chỉ tiêu doanh thu hoạt động năm 2024 đạt 744,8 tỷ đồng, tăng 32,6% so với con số dự báo năm 2023; lợi nhuận sau thuế 100,8 tỷ đồng, gấp 2,1 lần.

Nổi tiếng với doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức hấp dẫn, hoạt động kinh doanh khá ổn định, Công ty cổ phần Đầm Sen Nước (mã DSN) dự kiến trình đại hội cổ đông thông qua các chỉ tiêu kinh doanh chính của năm 2024 như doanh thu 240 tỷ đồng (giảm nhẹ so với thực hiện 2023), lãi trước thuế 130 tỷ đồng (tăng 6% so với mức thực hiện năm ngoái), tỷ lệ cổ tức dự kiến là 24%.

Sau năm 2023 u ám, CTCP Đầu tư Thương mại SMC kỳ vọng bức tranh kinh doanh năm mới sẽ có gam màu tươi sáng hơn. Theo đó, Công ty dự kiến sản lượng tiêu thụ đạt 900.000 tấn thép các loại, lãi sau thuế 80 tỷ đồng (trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty báo lỗ 550 tỷ đồng).

Kế hoạch kinh doanh 2024 mà các doanh nghiệp chia sẻ chỉ được hội đồng quản trị, ban điều hành xây dựng và còn phải thông qua đại hội đồng cổ đông thường niên mới trở thành mục tiêu chính thức. Tuy vậy, việc xây dựng sớm các chỉ tiêu kế hoạch cùng những giải pháp để thực hiện những mục tiêu đó cũng cho thấy sự chủ động, tầm nhìn của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp, đơn vị không còn cảnh “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”. Các đối tác, cổ đông, nhà đầu tư của doanh nghiệp cũng sớm tiếp cận được thông tin để chủ động cho kế hoạch hợp tác, đầu tư.

Không khí làm việc khẩn trương của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đang lan tỏa trong xã hội, trong cộng đồng doanh nghiệp. Việc Ngân hàng Nhà nước giao “room” tín dụng một lần ngay từ ngày đầu năm mới với mức 15%, hay trong tuần trước, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tháo gỡ những “nút thắt” trên trường bất động sản và thị trường tín dụng. Điều này đang củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng tích cực hơn trong năm mới 2024.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn