Khối ngoại 'đua' bán ròng, tỷ giá USD có bị ảnh hưởng?

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia Nguyễn Quang Huy - Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Nguyễn Trãi - cho biết, 12 tháng qua giá trị đồng USD liên tục tăng, đặc biệt trong tháng 6 này. Lần đầu tiên, USD trên thị trường tự do vượt mức 26.000 đồng.

Nhà đầu tư ngoại đã bán ròng vượt mốc 50.000 tỷ đồng (xấp xỉ 2 tỷ USD) trên sàn HoSE tính từ đầu năm tới nay. Việc họ bán và chuyển tiền sang USD là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng tỷ giá trong thời gian qua”, ông Huy phân tích.

Khối ngoại 'đua' bán ròng, tỷ giá USD có bị ảnh hưởng? ảnh 1

Nửa đầu năm, khối ngoại bán ròng vượt mốc 50.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giá trị đồng USD mạnh lên trong thời gian dài còn đến từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao. Chỉ số theo dõi đồng USD của Bloomberg đã tăng gần 5% kể từ cuối tháng 12/2023, khi các quan chức Fed ra tín hiệu hoãn việc cắt giảm lãi suất cho đến khi có bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm xuống mục tiêu 2%.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ (SNB) tiến hành cắt giảm lãi suất sớm và nhiều hơn có thể khiến cho chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác gia tăng. “Điều này sẽ giữ cho nhu cầu đối với đồng USD vẫn mạnh”, ông Huy chỉ ra.

Ngoài ra, xung đột địa chính trị, nhu cầu thanh toán nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 6 cũng làm tỷ giá “nóng” hơn. Theo ông Huy, nhu cầu USD tăng cao hơn tháng 6 do các các doanh nghiệp nhập khẩu phải chốt sổ 6 tháng đầu năm. Cùng với đó, một số đơn vị có nhu cầu nhập khẩu vàng qua đường biên mậu để hưởng chênh lệch trong bối cảnh giá vàng nhẫn và vàng trang sức vẫn đang cao hơn thế giới từ 3-4 triệu đồng/lượng.

Khối ngoại 'đua' bán ròng, tỷ giá USD có bị ảnh hưởng? ảnh 2

Về tổng thể, theo chuyên gia, tỷ giá tăng chỉ là vấn đề trong ngắn hạn.

Với việc đồng USD chưa hạ nhiệt, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Giám đốc chứng khoán Kiến Thiết (CSI) - cho rằng, dòng vốn ngoại có thể tiếp tục gây áp lực đến thị trường. "Khi nền lãi suất cao duy trì lâu hơn, Fed chưa rõ thời điểm nới lỏng chính sách, các thị trường chứng khoán trên thế giới có thể có một đợt định giá lại do nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng", ông Ngọc cho biết.

Theo đánh giá của Chứng khoán KBSV, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ chịu áp lực bởi các vấn đề về dòng ngoại tệ và chỉ số USD Index (DXY) neo ở vùng cao.

Về dài hạn, KBSV dự báo tỷ giá sẽ duy trì ở mức cao hiện tại cho đến khi các tín hiệu tích cực xuất hiện giúp tỷ giá hạ nhiệt vào cuối năm khi Fed thực hiện việc hạ lãi suất. Năm nay, mức tăng của tỷ giá được dự báo quanh 3,5%, tương ứng 25.120 VNĐ/USD.

Giới phân tích cũng cho rằng, về tổng thể, tỷ giá tăng chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. Ngân hàng nhà nước vẫn dư sức can thiệp với nguồn dữ trữ ngoại hối khoảng 100 tỷ USD vào cuối năm 2023. Việt Nam vẫn đảm bảo xuất siêu 6 tháng đầu năm hơn 9 tỷ USD, giải ngân FDI cũng đạt khoảng 9 tỷ USD, đảm bảo ổn định các cán cân thanh toán lớn. Bên cạnh đó, lượng kiều hối luôn có xu hướng tăng mạnh về 6 tháng cuối năm.

Xem thêm tại tienphong.vn