Khối ngoại giải ngân 186 tỷ đồng, dứt chuỗi 9 tháng bán ròng liên tiếp trên HoSE

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tháng đầu tiên của năm 2024 với biến động tương đối tích cực. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1, VN-Index đóng cửa ở mức 1.164,31 điểm, tương ứng tăng 34,38 điểm (3,04%) so với thời điểm cuối năm 2023. UPCoM-Index tăng 0,65 điểm (-0,75%) lên 87,69 điểm. Riêng HNX-Index không duy trì được diễn biến tích cực mà giảm nhẹ 1,86 điểm (-0,81%) xuống 229,18 điểm. 

Thanh khoản thị trường ở mức tương đương với thời điểm tháng 12/2023. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 18.751 tỷ đồng/phiên, tăng 1,26% so với tháng trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 7,63% lên mức 16.883 tỷ đồng/phiên.

Giao dịch của khối ngoại là điểm đáng chú ý của thị trường trong tháng 1/2024. Cụ thể, dòng vốn ngoại đã thực hiện mua vào hơn 1 tỷ cổ phiếu, trị giá 31.030 tỷ đồng, trong khi bán ra 938 triệu cổ phiếu, trị giá 29.856 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 132 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 1.265 tỷ đồng. Dòng tiền giải ngân của khối ngoại tháng này dựa chính vào giao dịch đột biến tại cổ phiếu của Bảo hiểm Hàng không (AIC) với giá trị mua ròng lên tới 1.263 tỷ đồng. Dù chưa có thông báo chính thức, vớiikhối lượng cổ phiếu lớn và đúng bằng lượng mua dự kiến, khả năng lớn, DB Insurance - hãng bảo hiểm từ Hàn Quốc đã hoàn tất mua lại hơn 75% vốn Bảo hiểm Hàng Không sau phiên giao dịch sáng nay.

Kể cả không tính giao dịch trên, dòng tiền của khối ngoại vẫn tích cực hơn so với nhiều tháng nay. Riêng sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 9 tháng bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 186 tỷ đồng, tương ứng 64,7 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh các cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, VCB được mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 900 tỷ đồng. Tiếp sau đó, STB cũng được mua ròng 771 tỷ đồng. Các mã VPB, CTG hay EIB đều có trong danh sách 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất sàn HoSE. Đứng thứ 3 trong danh sách mua ròng của khối ngoại là HPG với 738 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VNM bị bán ròng mạnh nhất với 956 tỷ đồng. VRE đứng sau với giá trị bán ròng 791 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ ETF gồm FUEVFVND và FUESSVFL đều bị bán ròng khá mạnh, trong đó, FUEVFVND bị bán ròng 751 tỷ đồng còn FUESSVFL là 370 tỷ đồng.

Ở sàn HNX, khối ngoại bán ròng trở lại 191 tỷ đồng sau chuỗi 4 tháng mua ròng liên tiếp.

Khối ngoại sàn HNX bán ròng mạnh nhất mã PVS với 240 tỷ đồng. Tiếp sau đó, SHS bị bán ròng 109 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, dòng vốn ngoại sàn này mua ròng chủ yếu mã IDC với 313 tỷ đồng. Đứng thứ hai trong danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HNX là MBS nhưng giá trị chỉ 18 tỷ đồng.

Tại sàn UPCoM, khối ngoại gây sự chú ý khi mua ròng đột biến 1.270 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng gần 81 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại sàn UPCoM mua ròng đột biến mã AIC với 1.263 tỷ đồng và toàn bộ được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Động thái mua vào mạnh của khối ngoại đối với cổ phiếu AIC được diễn ra sau khi AIC được Bộ Tài Chính chấp thuận chuyển nhượng cổ phiếu cho Công ty DB Insurance Co., Ltd và CTCP Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ (Artexport), hồi đầu tháng 1 vừa qua. Cùng với đó, hàng loạt lãnh đạo của công ty cũng đăng ký bán một lượng lớn cổ phiếu AIC.

Đứng thứ 2 danh sách mua ròng là cổ phiếu của Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) với 231 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu Viettel Post (VTP) bị bán ròng mạnh nhất sàn này với 119 tỷ đồng. Động thái chốt lời diễn ra sau thông báo Viettel Post được chấp thuận hồ sơ niêm yết để chuyển sàn sang HoSE. Phía công ty cho biết thời gian chính thức giao dịch của cổ phiếu VTP trên HOSE  kiến  diễn ra trong tháng 2 - 3/2024. Cùng với VTP, một số cổ phiếu lớn khác của sàn UPCoM gồm NCG và ACV cũng đều bị bán ròng, lần lượt 76 tỷ đồng và 74 tỷ đồng.

Xem thêm tại baodautu.vn