Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 2.250 tỷ đồng tuần VN-Index rơi về ngưỡng 1.255 điểm
Trong tuần 1 – 5/4, tâm lý giao dịch thận trọng của nhà đầu tư xuất hiện ngay phiên đầu tiên khi VN-Index luôn trong trạng thái giằng co. Nỗ lực tăng điểm được chứng kiến trong 2 phiên tiếp theo nhưng khi không thể vượt mốc 1.285, VN-Index đã tỏ ra đuối sức và bắt đầu xu hướng giảm.
Liên tiếp giảm trong 3 phiên cuối tuần, chỉ số đã chốt tuần tại 1.255,11, để mất gần 29 điểm, tương đương 2,26% so với cuối tuần trước.
Tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 28.893 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân ở mức 27.111, tăng 11,8% so với tuần trước.
Thống kê cho thấy, cổ phiếu ngành ngân hàng gây áp lực lớn nhất lên VN-Index. Trong đó, 4 mã ảnh hưởng tiêu cực đều là các đại diện thuộc nhóm bank, bao gồm CTG, BID, MBB và TCB. Riêng nhóm này đã lấy đi tổng cộng 10,3 điểm của VN-Index. Ngoài ra trong top 10 còn có các mã ngân hàng khác như ACB, VIB và STB.
Ở phía đối diện, HVN và NVL với mức tăng lần lượt 15,2% và 6% trở thành hai lực đỡ chính với mức đóng góp lần lượt là 1,46 điểm và 0,53 điểm cho VN-Index.
Trên HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị 2.182 tỷ đồng trong tuần. So với các tuần trước, tuần này khối ngoại đã ít tiêu cực hơn khi mua ròng trở lại trong 2 phiên cuối tuần dù với giá trị không lớn.
Trong đó, VHM là mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị gần 655 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, Vinhomes lên mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, HĐQT Vinhomes dự kiến trình ĐHĐCĐ trích 5 tỷ đồng vào Quỹ dự trữ theo quy định tại Điều lệ công ty. Toàn bộ phần lợi nhuận còn lại dự kiến để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là MSN với quy mô 526 tỷ đồng. Tuần trước đó, cổ phiếu của Tập đoàn Masan dẫn đầu top bán ròng với giá trị trên 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, khối ngoại cũng rút ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán, ngân hàng như SSI (491 tỷ đồng), VCI (408 tỷ đồng), TCB (261 tỷ đồng), MBB (260 tỷ đồng), VND (167 tỷ đồng), STB (161 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại cổ phiếu MWG dẫn đầu danh mục Top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 392 tỷ đồng trong tuần.
Cùng chiều, NVL và NLG được gom ròng lần lượt 202 tỷ và 191 tỷ đồng. Tương tự, NĐT ngoại cũng mua ròng DXG (170 tỷ đồng), DIG (121 tỷ đồng), FUEVFVND (121 tỷ đồng), PDR (108 tỷ đồng). Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của FPT, VCB, DPM, GVR, CTG, DBC, DPG quy mô dưới 100 tỷ đồng.
Trên HNX, NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng gần 4 tỷ đồng với khối lượng hơn 3,9 triệu đơn vị.
Trong đó, khối ngoại bán ròng gần 221 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Theo sau là IDC (33,7 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như CEO (9,5 tỷ đồng), LAS (7,9 tỷ đồng), PVI (7,7 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, cổ phiếu MBS của Chứng khoán MB dẫn đầu bên mua với giá trị gần 21,7 tỷ đồng. Kế tiếp là các giao dịch tương tự ở các mã như IVS (12,2 tỷ đồng), GKM (8,3 tỷ đồng), TIG (5,6 tỷ đồng), TA9 (4,2 tỷ đồng), …
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại đảo chiều bán ròng gần 76 tỷ đồng, tương đương với khối lượng hơn 4 triệu cổ phiếu.
Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 77 tỷ đồng ở cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như VGI (6,1 tỷ đồng), VEA (6,1 tỷ đồng), MPC (3,7 tỷ đồng), WSB (2 tỷ đồng), …
Ở chiều đối diện, khối ngoại mua ròng hơn 9,1 tỷ đồng ở cổ phiếu ACV. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã VGT (5,4 tỷ đồng), MCH (2,8 tỷ đồng), SGP (2,4 tỷ đồng), VGR (1 tỷ đồng), …
Xem thêm tại vietnambiz.vn