Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh: VNM, FPT đứng đầu danh sách xả hàng

Trong tuần giao dịch đầu tiên của năm Ất Tỵ, khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng với giá trị lên tới hơn 4.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, lực bán tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip), khiến thị trường chịu áp lực điều chỉnh đáng kể trong phiên đầu tuần.

Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 4.256 tỷ đồng trong 5 phiên liên tiếp của tuần vừa qua, trong đó phiên giao dịch đầu tiên của năm 2025 có mức bán ròng lớn nhất, đạt 1,462 tỷ đồng, phiên cuối của tuần cũng có mức bán ròng lớn hơn 1.100 tỷ đồng.

Thống kê quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE

Mặt khác, sàn HNX và UPCoM vẫn ghi nhận một số phiên mua ròng của khối ngoại, tổng cộng tuần qua khối ngoại đã mua ròng hơn 95 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 61,88 tỷ đồng trên UPCoM.

Theo dữ liệu thống kê, cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần là MSN với giá trị lên tới 915 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng trong phiên 7/2 (thứ Sáu), nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới 956 tỷ đồng.

Theo sau trong nhóm bị khối ngoại “xả” mạnh nhất trong tuần qua là VNM với 677 tỷ đồng và FPT với 637,3 tỷ đồng. Đây là những cổ phiếu bluechip thuộc nhóm ngành tiêu dùng và công nghệ, vốn được khối ngoại nắm giữ với tỷ trọng lớn. Ngoài ra, các mã như MWG (270,8 tỷ đồng), SSI (206,1 tỷ đồng), LPB (203,8 tỷ đồng), FRT (191,4 tỷ đồng), VHM (170,3 tỷ đồng), VPB (126,6 tỷ đồng), VRE (123,3 tỷ đồng), VCB (121,8 tỷ đồng), VND (117 tỷ đồng) cũng chịu áp lực bán đáng kể.

Top những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng và bán ròng mạnh nhất tuần qua (Nguồn: Wichart)

Dù bán ròng mạnh, khối ngoại vẫn duy trì hoạt động gom hàng tại một số cổ phiếu. Dẫn đầu danh sách mua ròng là SHS (138,4 tỷ đồng), OCB (88,1 tỷ đồng) và PC1 (70,3 tỷ đồng), PDR (64,9 tỷ đồng), CTG (63,2 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu khác như TCH, VGC, HPG, GEX,… cũng được khối ngoại mua vào với giá trị đáng kể. Trong đó, riêng trong phiên 7/2 (thứ Sáu), CTG đã ghi nhận giá trị mua ròng của khối ngoại lên tới 100 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, việc khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong tuần đầu năm đặt ra nhiều thách thức cho thị trường. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tìm đến các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là nhóm tài chính và năng lượng.

VN-Index đóng cửa phiên 7/2 ở mức 1.275,2 điểm, ghi nhận 4 phiên liên tiếp tăng điểm. Theo Công ty Chứng khoán Vietcap, VN-Index kết tuần tăng về giá lẫn thanh khoản giúp củng cố mức tín hiệu tích cực trong trung hạn và tăng khả năng kiểm định ngưỡng 1.300 điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn chưa thể loại trừ kịch bản điều chỉnh trong phiên bởi sự xuất hiện của áp lực bán giá cao trong phiên 6-7/2.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xu hướng ngắn hạn của VN-Index là tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.260 điểm - tương ứng giá trung bình 200 phiên hiện nay. Chỉ số hướng đến vùng giá 1.280 điểm - 1.300 điểm, cận trên của kênh giá tích lũy trung hạn 1.200 điểm - 1.300 điểm. Xu hướng trung hạn, VN-Index tiếp tục tích lũy kéo dài từ năm 2024 đến nay, trong vùng 1.200 điểm - 1.300 điểm.

“Trong ngắn hạn, thị trường có tính chất đầu cơ hơn khi nhà đầu tư đang gia tăng giao dịch ở các mã chưa tăng nhiều, thanh khoản ở mức thấp... Chúng tôi đã khuyến nghị xem xét giải ngân tích lũy khi thị trường ở vùng vốn hóa tương đối hợp lý trước đó. Tuy nhiên thị trường sẽ phân hóa mạnh hơn khi VN-Index hướng đến vùng giá 1.280 điểm - 1.300 điểm. Chúng tôi cho rằng, đây không phải là vùng giá hấp dẫn để xem xét gia tăng tỷ trọng”, các chuyên gia của SHS cho biết.

Theo đó, SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi, chọn lọc cẩn thận đối với các vị thế mua khi VN30, VNIndex hướng đến vùng kháng cự mạnh, xem xét đánh giá cơ cấu danh mục ngắn hạn. Nhà đầu tư cần duy trì tỉ trọng hợp lý, mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn