Khối ngoại và những 'cuộc chơi không kèn trống' tại loạt cổ phiếu VN30

Kết thúc tuần giao dịch từ 6-10/5 tại mức 1.244,7 điểm, thị trường chứng khoán đã có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với biên độ 23,67 điểm (+1,94%).

Bất chấp nỗ lực hồi phục của VN-Index, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng với quy mô hơn 3.000 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Trên HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 3.139 tỷ đồng trong tuần. Cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes bị xả ròng mạnh nhất với giá trị hơn 2.500 tỷ - bỏ xa các mã còn lại trong top bán ròng.

did.png

Ở chiều ngược lại, MWG của Thế giới Di động tiếp tục dẫn đầu danh mục mua ròng với giá trị 475 tỷ đồng - tương đương khối lượng gom ròng hơn 8,1 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng được khối ngoại rót ròng 382 tỷ đồng.

Tuần qua, cổ phiếu HPG cùng với GVR và FPT là 3 mã chứng khoán ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với mức đóng góp lần lượt 2,61 điểm, 2,28 điểm và 1,61 điểm. Chiều ngược lại, VHM và VCB trở thành "gánh nặng" lấy đi 0,79 điểm và 0,69 điểm của chỉ số.

Quay trở lại với diễn biến của dòng tiền khối ngoại, tính đến hết tháng 4, lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã được duy trì sang tháng thứ 12 liên tiếp, tổng giá trị lên tới 49.600 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).

Trong tháng 4, cổ phiếu VHM bị bán ròng mạnh nhất với giá trị gần 2.800 tỷ đồng. Đà bán thực tế đã kéo dài suốt 7 tháng qua. Tính từ tháng 11/2023 đến hiện tại, gần 257 triệu cổ phiếu Vinhomes đã rời tay khối ngoại, tổng giá trị bán ròng gần 11.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu giảm mạnh 5,9% từ 24,72% về còn 18,82% (tính đến hết phiên 9/5).

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VHM hiện giao dịch tại mức 40.350 đồng.

Động thái của khối ngoại diễn ra trái ngược với tiềm năng của Vinhomes, được ghi nhận tại báo cáo phân tích của một số công ty chứng khoán. Cụ thể: Chứng khoán SSI (báo cáo ngày 15/4) định giá VHM 69.400 đồng/cp, tiềm năng tăng giá 69,5%; Chứng khoán BSC (báo cáo ngày 29/3) định giá VHM 62.300 đồng/cp, tiềm năng tăng 52%; Chứng khoán KB (báo cáo ngày 19/3) định giá VHM 69.000 đồng/cp, tiềm năng tăng 68,9%; Chứng khoán ACBS (báo cáo ngày 1/3) định giá VHM 61.400 đồng/cp, tiềm năng tăng 51,6%...

Trái chiều, trong tháng 4, cổ phiếu MWG hút ròng hơn 1.400 tỷ đồng tiền ngoại - bằng tổng giá trị mua ròng của các mã MBB, SBT, HPG, KDH, TCB cộng lại.

Phát động các động thái xả hàng từ nửa sau tháng 8/2023, có thời điểm hơn 70 triệu cổ phiếu bị bán ra, từ đầu tháng 4/2024 tới nay, khối ngoại đã gom trở lại khoảng 46 triệu cổ phiếu Thế giới Di động, giá trị tương ứng hơn 2.700 tỷ đồng.

Từ mức hở room gần 5%, hiện lượng cổ phiếu free float nhà đầu tư nước ngoài còn có thể mua vào tại MWG chỉ còn khoảng 19,4 triệu đơn vị - tương ứng 1,32% vốn công ty. Việc rót ròng hàng nghìn tỷ đồng trở lại doanh nghiệp bán lẻ nhà Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài sau gần nửa năm "thả lưới" cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại.

Hơn hai tuần gần nhất, cổ phiếu MWG đã tăng 22% lên gần mức 59.000 đồng/cp - cao nhất 19 tháng. Tính từ đầu tháng 11/2023, cổ phiếu MWG đã tăng hơn 70% giá trị.

Hay như trường hợp của cổ phiếu Hòa Phát cũng được khối ngoại gom ròng 1.130 tỷ đồng từ đầu năm 2024 tới nay, góp phần kéo giá quay trở lại mốc 30.000 đồng/cp.

Khối ngoại và những 'cuộc chơi không kèn trống' tại loạt cổ phiếu VN30
Diễn biến giá cổ phiếu VHM (vàng), MWG (xanh) và HPG (tím)

Ngoại trừ MWG có câu chuyện liên quan đến cơ cấu danh mục các quỹ ETF, diễn biến giao dịch khối ngoại ở VHM, HPG chủ yếu đến từ câu chuyện kinh doanh. Trong quý I/2024, trong khi Vinhomes chưa bước vào cao điểm doanh số thì cả Hòa Phát và Thế giới Di động đều chứng kiến KQKD tăng bằng lần.

Ngoài các cổ phiếu kể trên, dòng tiền khối ngoại cũng âm thầm trở lại ở một số cổ phiếu như VCB với hơn 610 tỷ đồng từ đầu năm - cao nhất nhóm ngân hàng. Hay như trường hợp của TCH, HVN...

Xem thêm tại nguoiquansat.vn