Khối ngoại xả ròng gần 12.000 tỷ đồng tháng 11, đâu là tâm điểm?

VN-Index kết thúc tháng 11/2024 tại 1.250,46 điểm, giảm 14,02 điểm tương đương 1,11% so với tháng 10. Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 545 triệu cổ phiếu/ngày với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 14.156 tỷ đồng/ngày; tương ứng giảm 12,82% về khối lượng và giảm 11,25% về giá trị so với tháng 10/2024.

Xét theo khung thời gian tháng, tỷ trọng dòng tiền giảm ở nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép, thực phẩm, bán lẻ, dầu khí trong khi tăng lên ở lĩnh vực bất động sản, công nghệ thông tin, hóa chất, xây dựng, dệt may, hàng không. Xét theo quy mô vốn hóa, tỷ trọng dòng tiền giảm trở lại ở nhóm VN30 trong khi tăng trở lại ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Theo thống kê, trong Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index trong tháng 10, VPB và MWG trở thành hai mã chính khiến thị trường “đánh rơi” tổng cộng 4,5 điểm. BID đứng ở vị trí tiếp theo với mức ảnh hưởng giảm 1,3 điểm.

Ở chiều ngược lại, FPT là trụ đỡ chính của thị trường với mức đóng góp 3,2 điểm cho VN-Index. Với mức tăng 18,7% trong tháng 11, HVN cũng đứng thứ hai trong Top cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực lên VN-Index, giúp chỉ số có thêm 2,8 điểm.

Trong bối cảnh kém sắc của thị trường chung, khối ngoại có động thái gia tăng bán ròng với quy mô hơn 11.883 tỷ đồng, nối dài chuỗi rút ròng tháng thứ 10 liên tục.

Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 12.000 tỷ đồng, tăng 22% so với tháng 10. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng gần 9.454 tỷ đồng. Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với quy mô gần 3.139 tỷ đồng. Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng hơn nghìn tỷ đồng bộ đôi SSI và HDB.

Danh mục rút ròng hàng trăm tỷ đồng của NĐT nước ngoài còn có loạt bluechips như VCB (946 tỷ đồng), MSN (835 tỷ đồng), MWG (417 tỷ đồng), HPG (410 tỷ đồng), VRE (354 tỷ đồng) và VPB (59 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Ngược lại, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) dẫn đầu danh mục top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 554 tỷ đồng trong tháng.

Đứng thứ hai trong Top mua ròng là HDG với quy mô 295 tỷ đồng. Một số mã cũng nằm trong danh mục rót ròng của khối ngoại là TCB, DPM, SIP, HAH, NVL, CTR, TLG và LPB với quy mô dưới 200 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp đà bán ròng gần 343 tỷ đồng. Cụ thể, họ tập trung bán ròng 164,8 tỷ đồng ở cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - CTCP, theo sau là 143,9 tỷ đồng mã PVS. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như SHS (104,2 tỷ đồng), CEO (29,1 tỷ đồng), HUT (11,2 tỷ đồng), …

Trái lại, NĐT ngoại rót ròng hơn 40,9 tỷ đồng gom cổ phiếu. Cùng chiều, mã MBS của CTCP Chứng khoán MB cũng được mua ròng với quy mô gần 21,3 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của PVI, VGS, TNG với giá trị 5 – 6 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Sau 2 tháng bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng trên thị trường UPCoM trong tháng 11 với giá trị mua ròng gần 460 tỷ đồng.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng mạnh nhất 468,7 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan, giá trị này bỏ xa các mã còn lại trong Top mua ròng. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu VEA (20,2 tỷ đồng), OIL (9,4 tỷ đồng), KLB (5,8 tỷ đồng), ABI (5,3 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP dẫn đầu chiều bán ròng với quy mô hơn 29,5 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 6,5 tỷ đồng mã BSR và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như DDV, QTP và NTC.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Khi nào xu hướng bán ròng của vốn ngoại đảo chiều?

Trên thị trường cổ phiếu, dòng vốn ngoại đang có xu hướng rút khỏi thị trường khi từ đầu năm đến nay đã ghi nhận dòng tiền ngoại rút ròng khoảng 3 tỷ USD. Nếu tính trong giai đoạn 3 - 4 năm gần đây, tổng lượng vốn ngoại rút ra lên đến khoảng 6 tỷ USD, chiếm 7% dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 tổ chức ngày 8/11, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital đã có những chia sẻ về nguyên nhân dòng vốn 6 tỷ USD vốn ngoại rút khỏi Việt Nam. Chuyên gia cho rằng có 3 lý do dẫn đến sự rời đi của dòng tiền ngoại.

Một là, Việt Nam chúng ta vẫn là thị trường cận biên (frontier market). “Nếu chúng ta không ra khỏi thị trường cận biên thì các quỹ đầu tư bị động sẽ sớm rời đi hết”, ông Lê Anh Tuấn nói.

Hai là, tỷ lệ chiết khấu về định giá của thị trường cận biên hiện tại so với thị trường Mỹ khoảng 31 - 35%, so với mức bình quân trong quá khứ khoảng 25%. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư đang rất thích thị trường Mỹ so với thị trường cận biên. Việt Nam nằm ở nhóm thị trường cận biên cho nên tất nhiên dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng outflow (vốn rút – PV).

Yếu tố thứ ba liên quan đến nội tại, NĐT ngoại dán nhãn (labelling) thị trường chứng khoán Việt Nam giống với thị trường chứng khoán Trung Quốc, mà những thị trường giống với Trung Quốc sẽ có mức outflow (vốn rút – PV) rất mạnh trong giai đoạn 3 – 5 năm vừa qua.

“Có lẽ trong vài năm tới, NĐT quốc tế sẽ thay đổi quan điểm và nhận ra thị trường Việt Nam không giống với Trung Quốc”, đại diện từ Dragon Capital nêu quan điểm.

Dự báo về thị trường sắp tới, chuyên gia Dragon Capital bày tỏ quan điểm rằng, khá tự tin về việc nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging markets) sẽ sớm xảy ra. Việc nâng hạng có thể thực hiện trong tháng 9, sớm hơn có thể vào tháng 3 năm sau. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng kỳ vọng với bộ máy các nhà lãnh đạo mới chúng ta sẽ đi một hướng rất khác với Trung Quốc, mạnh mẽ hơn và dẫn tới một kỷ nguyên mới.

Xem thêm tại vietnambiz.vn