Khơi thông dòng vốn ngoại vào Đà Nẵng - Bài 3: Cần chính sách hấp dẫn nhà đầu tư
Cần cơ chế thu hút hợp lý
Theo định hướng, Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài... Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư vào các lĩnh vực này, TP. Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng - CTCP Long Hậu cho biết, nhiều "ông lớn" trong ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển tại thị trường mới Việt Nam, mà cụ thể tại các trung tâm phát triển công nghệ cao của cả nước, trong đó có Đà Nẵng. Họ có nhu cầu lớn về xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tại Việt Nam, kéo theo sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Theo ông Hiếu, với mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng cần sẵn sàng, chủ động đón đầu làn sóng các "đại bàng" trong ngành công nghiệp này như: Qualcomm, Broadcom, Toshiba, Synopsys, Marvell, Nvidia, Mediatek, USI Electronics… để tạo động lực cho dòng vốn FDI.
Từ bài học của Đài Loan trở thành "mãnh hổ châu Á" đi lên từ công nghệ, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực này. Trong lĩnh vực công nghệ cao, các công đoạn đều đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản và chuyên sâu. Để thu hút đại bàng công nghệ, cần phải có sự đầu tư dài hạn về con người và R&D.
"TP. Đà Nẵng cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước, ưu tiên đào tạo ngành bán dẫn và công nghiệp công nghệ cao tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan…", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng, thành phố cần xây dựng cơ chế thu hút hợp lý, phù hợp với thực tế: Tạo cơ chế, chính sách giúp lực lượng doanh nghiệp công nghệ cao được tiếp cận các nguồn vốn vay, lãi suất ổn định để tập trung vận hành kinh doanh, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, có chính sách ưu đãi thay thế để kịp thời đáp ứng quy định của thuế tối thiểu toàn cầu.
Tương tự, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, bằng mọi cách phải xây dựng Đà Nẵng có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới, và vượt mọi khó khăn, cản trở để làm được. Để từng bước làm được điều đó, Đà Nẵng nên lựa chọn đi những bước đầu tiên là: phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngành điện tử, bán dẫn về Đà Nẵng để xây dựng ngành này phát triển.
"Để thu hút đầu tư cần trải thảm đỏ đón doanh nghiệp. Thảm đỏ của Đà Nẵng là khung pháp lý thuận lợi, cơ chế, đào tạo, kết nối quốc tế và tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng. Ngoài ra, Đà Nẵng cần chứng minh thực lực bằng các con số: Nhân sự, doanh nghiệp, nhân vật danh vọng của ngành ở tại Đà Nẵng", ông Bình nói.
Trong khi đó, ông Christopher Allan Vanllon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam – Chi hội Đà Nẵng (AmCham Đà Nẵng) cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp FDI Hoa Kỳ đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam nói chung, miền Trung Việt Nam nói riêng. Các doanh nghiệp này quan tâm nhiều đến lĩnh vực phát triển bền vững, năng lượng xanh, năng lượng bền vững.
"Đà Nẵng cần có những chính sách thiết thực để thu hút nguồn vốn đầu tư Hoa Kỳ ở những lĩnh vực này. Lợi thế của các doanh nghiệp Hoa Kỳ là công nghệ cao, giúp họ thiết lập mối quan hệ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại địa phương nơi họ chọn là điểm đến đầu tư", ông Christopher Allan Vanllon nói và cam kết sẽ làm hết sức mình để xúc tiến, quảng bá cho môi trường đầu tư Đà Nẵng trong thu hút thêm các dự án FDI từ Hoa Kỳ.
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư
Bên cạnh cơ chế chính sách để hấp dẫn các nhà đầu tư, các chuyên gia cũng cho rằng, TP. Đà Nẵng cần chủ động hơn trong việc xúc tiến đầu tư, đặc biệt là những thị trường tiềm năng.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG cho rằng, khu công nghệ cao Đà Nẵng là khu công nghệ cao "sinh sau đẻ muộn" so với các khu công nghệ cao ở 2 đầu đất nước. Bên cạnh đó, tỉ lệ đầu tư nước ngoài vào miền Trung cũng khá hạn chế.
"Để thu hút nhà đầu tư, Đà Nẵng cần phối hợp với địa phương lân cận có những chính sách thu hút nhà đầu tư công nghệ cao chứ không thể là nỗ lực riêng của một địa phương. Không chỉ vậy, bản thân lãnh đạo TP. Đà Nẵng nên có những cách tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài ở miền Nam, miền Bắc… có nhu cầu mở rộng, phát triển mạng lưới", ông Hòa nói và gợi ý, thành phố nên tổ chức xúc tiến đầu tư tại địa phương đang có nhiều nhà đầu tư hoạt động như Hà Nội, TP.HCM…
Trong khi đó, ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung- Cục đầu tư nước ngoài nhận định, mặc dù, xu hướng đầu tư FDI thế giới và khu vực có suy giảm đáng kể, tuy nhiên Việt Nam vẫn đang là điểm đến của các nhà đầu tư có chiến lược phát triển lâu dài, dựa vào vị thế của Việt Nam trên trường thế giới.
"Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến của nhà đầu tư theo xu hướng nearshore, friendshore từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…", ông Dương nói và lưu ý, TP. Đà Nẵng cần theo dõi diễn biến, xu hướng đầu tư của thế giới sát sao hơn, có nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về quá trình này.
Để thu hút vốn FDI trong thời gian tới, ông Dương cho rằng, TP. Đà Nẵng cần định vị, xác định các ngành, lĩnh vực động lực tăng trưởng mới của thành phố. Các ngành, lĩnh vực dựa vào nguồn lực đất đai, thâm dụng lao động không còn lợi thế xem xét nghiên cứu dần dần dịch chuyển sang các địa bàn khác để tạo quỹ đất.
"Tập trung cải thiện hơn, tạo môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhanh chóng nhất cho doanh nghiệp, tiến đến đơn giản hóa nhất các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Đẩy mạnh "công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ" và giải ngân (bao gồm giải phóng mặt bằng) cho các dự án đầu tư…", ông Dương nói.
Xem thêm tại nhadautu.vn