Khơi thông dòng vốn xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh

Kể lại chuyến đi khảo sát tại một doanh nghiệp nhựa ở Hải Dương, tại tọa đàm “Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh bền vững” do Thời báo Ngân hàng tổ chức tuần qua tại Hà Nội, TS. Nguyễn Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, cho biết cả đoàn công tác đều ngỡ ngàng khi doanh nghiệp chỉ sản xuất túi nilông nhưng áp dụng tuyệt đối sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, sàn nhà sạch bong không có bụi và vận chuyển nguyên vật liệu hoàn toàn bằng robot. 

ÁP LỰC BUỘC DOANH NGHIỆP KHÔNG THỂ TRÌ HOÃN

Tất nhiên, quy trình sản xuất sạch xanh đó phải xuất phát từ yêu cầu của đối tác tại Nhật Bản muốn sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao với giá cả được chấp nhận tại các thị trường như Nhật, Mỹ.

“Điều gì tạo nên lợi ích, doanh nghiệp sẽ tự làm, thị trường yêu cầu chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp sẽ triển khai ngay. Tuy nhiên, mô hình hiện phù hợp hơn với cụm công nghiệp, còn với doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó triển khai”, ông Thái đánh giá.

Nhắc đến khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam ví von đây là một món “trang sức” không chỉ của riêng Hải Phòng mà của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Duy Thái, những doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất xanh, xây dựng khu công nghiệp tuần hoàn dù đi đầu, tốn kém nhiều chi phí nhưng đều chưa nhận được chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước, kể cả vay vốn vẫn như các doanh nghiệp khác. Việc thiếu cơ chế ưu đãi và hỗ trợ khiến các nhà đầu tư thiếu động lực xây dựng khu công nghiệp xanh, dù đây là một lợi thế đáng kể thu hút doanh nghiệp FDI.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, trên thực tế, khi vận hành khu công nghiệp sinh thái cũng gặp một số vướng mắc. Chẳng hạn, toàn bộ nước thải sau khi được xử lý, đạt chuẩn lại đổ ra sông rất lãng phí, tự tưới đường, việc sử dụng phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp cũng dư thừa nhưng lại chưa có tiêu chí để doanh nghiệp được phép kinh doanh lại.

Nhiều năm theo đuổi, nghiên cứu về mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận thấy ở cấp độ doanh nghiệp, việc chuyển đổi xanh thấy rõ sự khác biệt giữa nhóm doanh nghiệp lớn và nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.

Ông Lại Văn Mạnh.
Ông Lại Văn Mạnh.

"Ở góc độ áp lực của thị trường quốc tế, khu vực mạnh nhất là Liên minh châu Âu (EU) ban hành rất nhiều quy định về thiết kế sinh thái, chỉ thị liên quan đến nhựa, phân loại xanh.

Đồng thời, yêu cầu các sản phẩm bán trên thị trường châu Âu phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe này. Điều này ràng buộc rất mạnh với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu".

Các doanh nghiệp lớn như: Vinamilk, TH True Milk, Samsung, Apple… vào cuộc rất mạnh mẽ, họ tự nguyện tham gia để thể hiện trách nhiệm xã hội trong quá trình sản xuất kinh doanh và một phần do áp lực của thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó nhận biết sự chuyển đổi hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, dù một số doanh nhân có nhiều sáng kiến. Các rào cản chính là hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ, khiến nhiều doanh nghiệp bị tụt lại phía sau.

Chia sẻ dưới góc nhìn một định chế tài chính lớn, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank, cho biết Agribank từ sớm đã tích hợp phát triển xanh trong chiến lược phát triển của ngân hàng với mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

TRỞ NGẠI CHO VAY KINH DOANH TUẦN HOÀN

Trong dư nợ nền kinh tế hơn 1,55 triệu tỷ đồng, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 32% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn ngành và luôn chiếm khoảng 60-70% dư nợ nền kinh tế. Vốn tín dụng của Agribank phủ kín 100% số xã trên cả nước, huyện đảo, vùng sâu vùng xa, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp.

Khẳng định phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ, song lãnh đạo Ban Chỉ đạo ESG Agribank cho rằng trong quá trình triển khai cho vay kinh doanh tuần hoàn vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Một là, nhận thức về kinh tế, mô hình kinh doanh tuần hoàn vẫn hạn chế với toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Kinh doanh tuần hoàn là vấn đề mới đối với hầu hết doanh nghiệp, đối tượng chính trong việc triển khai mô hình này.

Hai là, Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về kinh tế tuần hoàn, pháp luật về kinh tế tuần hoàn phân tán và thiếu hệ thống, nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, chưa đồng bộ giữa pháp luật về môi trường với pháp luật về đất đai, đầu tư, doanh nghiệp, thuế, công nghệ.

Ba là, trong quá trình thực thi, thiếu hệ thống tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực có trình độ cao, thiếu hệ thống thông tin dữ liệu và cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Bốn là, hiện hầu hết các doanh nghiệp hoạt động theo logic kinh tế tuyến tính, gặp nhiều khó khăn và trở ngại trong triển khai mô hình nền kinh tế tuần hoàn do hạn chế về mặt bằng, công nghệ, kết nối và nhân lực triển khai chuỗi, mạng lưới sản xuất khép kín trong mô hình kinh tế tuần hoàn.

Năm là, nhiều vướng mắc về công tác quy hoạch, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp…

QUY MÔ TÀI CHÍNH XANH KHIÊM TỐN

Do khoảng trống về khung pháp lý, hạ tầng và cơ chế ưu đãi phù hợp, nguồn vốn xanh hiện vẫn eo hẹp. Về tín dụng, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến ngày 31/3/2024, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng xanh vào cuối năm 2015 (71 nghìn tỷ đồng).

Dù tăng trưởng nhanh nhưng tín dụng xanh hiện có quy mô khiêm tốn, chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết giai đoạn 2019-2023, Việt Nam phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, trong đó, EVN Finance phát hành 1.725 tỷ đồng năm 2022; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng năm 2023.

Về cổ phiếu xanh tại Việt Nam, ông Lực cho biết các công ty niêm yết phải công bố phát triển bền vững từ năm 2016. Tuy nhiên, số lượng công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt còn ít và các mục tiêu ESG đưa ra còn khá chung chung...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2024 phát hành ngày 06/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Khơi thông dòng vốn xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh - Ảnh 1

Xem thêm tại vneconomy.vn