Không hổ danh là “vua quảng cáo” tiêu 3 tỷ/ngày, tỷ lệ chọi cho vị trí Marketing tại Vinamilk là 1:150, khó hơn đại học Top đầu Việt Nam

Theo số liệu thống kê mới nhất từ LinkedIn thì trong khoảng 2 năm trở lại đây, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng truy cập tăng cao nhất trên toàn cầu. Được biết, LinkedIn tiến vào thị trường Việt Nam từ năm 2019 thông qua Anphabe, đến nay số lượng hồ sơ nhân tài chất lượng có mặt trên nền tảng này đã vượt ngưỡng 5 triệu thành viên.

Riêng năm 2023, kênh tuyển dụng chính LinkedIn trở thành kênh thu hút nhân tài sôi động nhất Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 20%. Báo cáo thường niên 2023 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) cho biết, qua kênh tuyển dụng này, tỷ lệ chọi cho một vị trí ở Vinamilk là 1:150 (vị trí Marketing, phòng Hoạch định chiến lược), cao hơn tỷ lệ chọi vào các trường đại học Top đầu trong nước.

Giá trị thương hiệu Công ty đã tăng lên mốc 3 tỷ USD từ con số 2,8 tỷ USD năm trước. Đồng thời, Vinamilk cũng là thương hiệu sữa Việt lọt Top 6 trên thế giới.

Một trong những “vũ khí” giúp Vinamilk đạt được thành tích trên có thể kể đến chiến dịch lớn - thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu - vào tháng 7/2023. Dù không tiết lộ kinh phí, song Vinamilk có lẽ “đốt” không ít tiền cho sự kiện này khi quy tụ đến 55 chuyên gia về thương hiệu, sáng tạo hàng đầu thế giới.

Vinamilk vốn được biết đến là “ông vua quảng cáo” khi từng chi đến 6 tỷ đồng/ngày cho hoạt động quảng bá sản phẩm thời đỉnh cao (năm 2019). Hiện, dù đã tiết giảm đáng kể, song Công ty vẫn dành hơn 3 tỷ đồng mỗi ngày cho hoạt động này.

Công ty cũng chi mạnh cho việc khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm…. các chi phí này chiếm trên 90% tổng chi phí bán hàng của Công ty.

Quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, khuyến mãi... chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu bán hàng của Vinamilk

Không hổ danh là “vua quảng cáo” tiêu 3 tỷ/ngày, tỷ lệ chọi cho vị trí Marketing tại Vinamilk là 1:150, khó hơn đại học Top đầu Việt Nam- Ảnh 1.

Đvt: Tỷ đồng.

Thay đổi nhận diện thương hiệu và tạo hiệu ứng tốt cũng là một trong số nguyên nhân giúp Vinamailk tăng trưởng dương trở lại trong năm 2023. Kết thúc năm 2023, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 60.479 tỷ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 9.019 tỷ - tăng 472 tỷ đồng so với cùng kỳ và vượt kế hoạch 5%.

Thị trường nội địa ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 50.617 tỷ đồng, ổn định so với cùng kỳ trong bối cảnh ngành sữa Việt Nam suy giảm, nhờ kết quả tích cực từ các ngành hàng sữa đặc, sữa chua và sữa hạt. Lợi nhuận gộp nội địa hợp nhất đạt 20.894 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần của thị trường nước ngoài đạt 9.752 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ, trong đó, Các chi nhánh nước ngoài đóng góp 5.039 tỷ đồng và hoạt động Xuất khẩu đóng góp 4.713 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,5% và 4,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ thị trường nước ngoài đạt 3.651 tỷ đồng, tăng ấn tượng 9,3% so với cùng kỳ.

Trên thị trường, VNM cũng là đơn vị có vốn hoá lớn với giá trị tính đến cuối năm 2023 đạt 6 tỷ USD. Công ty cũng có truyền thống chi trả cổ tức tốt hàng năm. Trong năm 2023, Công ty đã công bố 3 đợt tạm ứng cổ tức với tổng giá trị đạt 2.900 đồng trên mỗi cổ phần, tương ứng tổng tỷ lệ cổ tức trong năm 2023 là 29% bằng tiền mặt.

Không hổ danh là “vua quảng cáo” tiêu 3 tỷ/ngày, tỷ lệ chọi cho vị trí Marketing tại Vinamilk là 1:150, khó hơn đại học Top đầu Việt Nam- Ảnh 2.

Tại Đại Hội Cổ Đông Thường Niên năm 2024 tới đây, HĐQT dự kiến sẽ đề xuất mức cổ tức đợt cuối để tổng mức cổ tức cho cả năm không thấp hơn so với năm 2022. Nếu được phê duyệt, tỷ lệ chi trả cổ tức trên lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của Công ty Mẹ sẽ có thể tiếp tục đạt trên 90%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ cam kết tối thiểu 50%.

Xem thêm tại cafef.vn