Không phải ‘cổ đất’, Nhựa Bình Minh (BMP) vẫn hưởng lợi khi thị trường BĐS phục hồi

Các thương vụ đấu giá đất đình đám gần đây đã làm sôi động thêm câu chuyện về thị trường bất động sản. Không chỉ dừng lại trên bàn giấy, lĩnh vực bất động sản dân dụng và ngành xây dựng cũng đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc, hứa hẹn sự hồi phục từ nửa sau năm 2024.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), số lượng dự án bất động sản được cấp phép mới và quay trở lại thi công trong nửa cuối năm 2024 sẽ cao hơn so với nửa đầu năm. Đặc biệt, việc áp dụng Luật Đất đai sửa đổi và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi sẽ giúp rút ngắn quy trình hoàn thiện pháp lý, cải thiện nguồn cung và tạo điều kiện cho thị trường phát triển bền vững hơn.

Cùng với sự hồi phục này, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng, đặc biệt là ống nhựa, cũng được kỳ vọng sẽ khởi sắc từ nửa sau năm 2024. KBSV cho rằng, tốc độ hồi phục nhanh hơn của nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước là chỉ báo dẫn dắt cho nhu cầu tiêu thụ ống nhựa trong thời gian tới.

CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa, được dự báo sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng này. Theo KBSV, sản lượng tiêu thụ của Nhựa Bình Minh trong nửa cuối năm 2024 có thể đạt 44.625 tấn, tăng 25% so với 6 tháng đầu năm.

Không phải ‘cổ đất’, Nhựa Bình Minh (BMP) vẫn hưởng lợi khi thị trường BĐS phục hồi
Sản lượng tiêu thụ ống nhựa của BMP trong nửa cuối năm 2024 có thể đạt 44.625 tấn

Trong ngắn hạn, Nhựa Bình Minh được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện biên lãi gộp nhờ giá bột nhựa PVC duy trì ở mức thấp. Nguyên nhân là do nhu cầu giảm từ Trung Quốc trong bối cảnh thị trường bất động sản tại quốc gia này chưa hồi phục. KBSV dự báo giá nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp có thể tiếp tục ở mức thấp trong vòng 6-9 tháng tới.

Tuy nhiên, về dài hạn, xu hướng này khó có thể kéo dài khi thị trường bất động sản Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn từ năm 2025, kèm theo những rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu. Ngoài ra, việc Nhựa Bình Minh tăng cường các chương trình chiết khấu cho đại lý nhằm thúc đẩy doanh thu có thể gây áp lực lên biên lãi gộp của doanh nghiệp.

So với các đối thủ, chiến lược của Nhựa Bình Minh tập trung vào việc duy trì hiệu quả sinh lời trong bối cảnh thị trường ống nhựa nội địa đang bão hòa, trong khi các doanh nghiệp khác cạnh tranh thông qua các chương trình chiết khấu lớn.

Trong quá khứ, tỷ lệ chiết khấu của Nhựa Bình Minh cho kênh phân phối thường thấp hơn so với đối thủ, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, KBSV nhận định chi phí bán hàng của Nhựa Bình Minh có thể tăng lên khi công ty đẩy mạnh chương trình khuyến mãi nhằm gia tăng doanh thu khi nhu cầu tiêu thụ dần phục hồi.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn