Kịch bản sau cú đảo chiều vuột mốc 1.300 điểm
Sau 2 phiên chốt trên mốc 1.300 điểm, VN-Index đảo chiều giảm mạnh ở phiên cuối tuần, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5. Đâu là nguyên nhân đánh bay thành quả đạt được? Liệu VN-Index có chinh phục lại được mốc 1.300 điểm? Tạp chí Tài chính ghi nhận ý kiến các chuyên gia dưới đây:
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC:
Điều chỉnh là cần thiết để chuẩn bị cho sóng tăng mới
Nếu nói về nguyên nhân để thị trường sụt giảm tuần rồi, có thể thấy, thị trường đã trải qua một chuỗi phục hồi mạnh 140 điểm từ đáy và khi vượt vùng đỉnh cũ thì dòng tiền lại không cho thấy sự đồng thuận. Yếu tố nữa đến từ việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng rất mạnh. Đồng thời, thị trường vắng đi những thông tin hỗ trợ đủ mạnh để có thể tiếp tục tăng.
Từ những nguyên nhân ở trên, có thể thấy, áp lực điều chỉnh của thị trường cũng là tương đối bình thường và cần thiết để chuẩn bị cho sóng tăng mới.
Về khả năng VN-Index phục hồi lại vùng 1.300 điểm, một lần nữa cần nhắc lại là thị trường đã tăng ròng rã 2 tháng và hơn 10% từ đáy nên áp lực chốt lời là hoàn toàn bình thường. Trong bối cảnh chờ thông tin hỗ trợ và nước ngoài bán ròng mạnh, việc tích lũy là cần thiết và khả năng thị trường điều chỉnh 2-3 tuần là hoàn toàn bình thường. Khó kỳ vọng thị trường sẽ bật tăng ngay trở lại.
Tôi cho rằng, vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm, tức là giảm khoảng 5% từ đỉnh là vùng hỗ trợ tiềm năng. Trong điều kiện các yếu tố vĩ mô trụ cột định hướng thị trường trong và ngoài nước không có sự thay đổi lớn, đây là vùng có thể kỳ vọng làm chân sóng mới.
Việc thị trường không thể bứt phá một cách quá mạnh mẽ về điểm số một phần lớn do nhóm Ngân hàng và Bất động sản không có sự đồng thuận. Đây là 2 nhóm chiếm khoảng 50% thanh khoản và vốn hóa của thị trường.
Đối với nhóm Ngân hàng, sự phân hóa diễn ra rõ rệt và không phải Ngân hàng nào cũng tăng giá. Các ngân hàng có câu chuyện riêng mới hút tiền và các ngân hàng có vốn Nhà nước đang có diễn biến giá khá yếu giai đoạn này. Sau câu chuyện chia cổ phiếu thưởng, nhóm Ngân hàng sẽ mất đi câu chuyện quan trọng và có lẽ cần tìm động lực mới. Tóm lại, câu chuyện Ngân hàng khá phân hóa và chưa cho thấy sóng ngành.
Một lần nữa cần nhắc lại quan điểm đây là đợt điều chỉnh cần thiết và không quá lo lắng nếu thị trường có giảm điểm trong tuần này hoặc vài tuần tới. Thị trường cần có thêm sự tích lũy để tiếp nhận các thông tin vĩ mô 6 tháng đầu năm và cả những thông tin về kết quả kinh doanh quý II.
Câu chuyện chính lúc này là đà phục hồi kinh tế và các nhóm ngành liên quan như Bán lẻ, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng. Các nhóm ngành sản xuất, cảng biển – logistics…
Ngoài ra, những nhóm ngành như Công nghệ, Viễn thông… cũng có xu hướng hút tiền theo xu hướng chung toàn cầu. Ngân hàng sẽ phân hóa và cần tìm câu chuyện mới sau mùa tăng vốn. Trong khi đó, nhóm Bất động sản có lẽ là câu chuyện cuối năm.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Chuyên gia Phân tích Khách hàng cá nhân - Công ty chứng :khoán MB
Khả năng VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm trong tuần là không cao
Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều biến động mạnh, thị trường tăng từ đầu tuần với sự lan tỏa tích cực đến nhiều nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường đã đảo chiều giảm mạnh trong phiên cuối tuần 14/6, VN-Index kết thúc tuần giảm 1,66%, đóng cửa ở mức 1.279,91 điểm.
Tôi cho rằng, nguyên nhân chính cho cú đảo chiều này do áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại. Khối này đã bán ròng 571 tỷ đồng trong phiên thứ 6, nối tiếp chuỗi bán ròng cả tuần đạt 5.516 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu trụ cột như FPT, MWG, VHM, VIC, VNM, BID… điều này ảnh hưởng khá lớn đến thị trường.
Yếu tố thứ hai là áp lực từ thị trường tài chính thế giới. Tuần qua, chỉ số USD-Index đã có mức tăng khá mạnh từ 104 lên 105,5. Đây là mức tăng tới từ lo ngại việc Cục Dự trữ liên bang mỹ (Fed) thông báo chỉ giảm lãi suất một lần trong năm nay và có thể tháng 11/2024 mới thực hiện, điều này gây thất vọng cho nhà đầu tư toàn cầu khi kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9/2024.
Thị trường chứng khoán Mỹ và các nước đều đã giảm, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã cố gắng đi ngược nhờ các lực mua của nhà đầu tư trong nước, tuy vậy, khi đảo chiều giảm thì đó sẽ là một cú giảm mạnh như thứ 6 vừa rồi.
Thứ ba là các thông tin không tích cực về lãi suất. Hiện tại, đã có hơn 7 ngân hàng tăng mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm lên từ 0,25 – 0,75%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền đang đầu tư chứng khoán cũng như kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn.
Tôi cho rằng, việc VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm trong tuần là không cao vì có nhiều yếu tố không khả quan.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô toàn cầu: Nếu như chỉ số USD-Index tiếp tục tăng thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu và VN-Index cũng sẽ bị ảnh hưởng và giảm theo.
Thứ hai, kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp: Do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phải tới sau ngày 15/7 mới được công bố nhiều nên giai đoạn này thị trường đang ở vùng trống thông tin và chỉ kỳ vọng vào một vài cổ phiếu riêng lẻ. Tôi cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giải ngân tiền của nhà đầu tư để kéo Vn-Index lên.
Thứ ba, áp lực bán ròng từ khối ngoại: Nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng như thời gian qua thì chỉ số khó mà tăng trở lại được ngưỡng 1.300 điểm.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn