Sau diễn biến ảm đạm của phiên sáng, thị trường tiếp tục bước vào phiên giao dịch chiều không có tín hiệu gì lạc quan. Sắc đỏ vẫn bao phủ trên diện rộng bảng điện tử nhưng chỉ số chung không giảm quá sâu bởi đà bán tháo đã được tiết chế và lực bán chỉ mang tính thăm dò.
Ngưỡng 1.080 điểm đã phát huy tác dụng hỗ trợ khá tốt cho thị trường trong suốt cả phiên sáng cũng như sau khoảng 1 giờ mở cửa của phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, thị trường lại xảy ra sự cố sau thời điểm 14h. Dường như bên nắm giữ có phần mất kiên nhẫn khiến áp lực bán gia tăng, đẩy các cổ phiếu lớn bé đồng loạt lùi sâu và chỉ số VN-Index ngày càng nới rộng đà giảm.
Khi tâm lý nhiều nhà đầu tư trở nên chán nản và xác định thị trường tiếp tục đón nhận thêm “cú đạp” sâu thì bất ngờ lại xuất hiện trong đợt khớp lệnh ATC.
Trái với pha bán tháo đột ngột trong đợt khớp lệnh ATC hôm qua, phiên hôm nay đã cứu thị trường “một bàn thua” bởi lực cầu mạnh đã được kích hoạt khi VN-Index lùi về sát mốc 1.070 điểm, giúp chỉ số bật hồi tới 22 điểm và đã đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 1.095 điểm.
Phiên cuối tuần đầy kịch tính đã khép lại trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” với mức tăng hơn 7 điểm và thanh khoản khá tốt, đạt gần mức 20.000 tỷ đồng. Dù còn nhiều nghi ngờ nhưng màn “quay xe” ấn tượng đã phần nào giúp nhà đầu tư có được niềm vui nhỏ ngày cuối tuần.
Chốt phiên, sàn HOSE có 146 mã tăng và 381 mã giảm, VN-Index tăng 7,12 điểm (+0,65%) lên 1.095,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 958,34 triệu đơn vị, giá trị 19.243 tỷ đồng, giảm 5,88% về khối lượng và 6,76% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 57,4 triệu đơn vị, giá trị 1.457,87 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng khởi sắc khi ghi nhận mức tăng gần 5 điểm, với 17 mã tăng và 9 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu SAB tiếp tục tăng tốc và đóng cửa tăng 4,3% lên mức cao nhất trong ngày 63.000 đồng/CP; MWG cũng nới rộng biên độ khi tăng 3,4% và xác lập mức giá cao nhất ngày 38.550 đồng/CP với thanh khoản tăng đột biến so với phiên sáng, đạt gần 11,2 triệu đơn vị khớp lệnh và nhà đầu tư nước ngoài cũng trở lại mua ròng nhẹ.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác đã có pha tăng tốc hoặc đảo chiều hồi phục tích cực như SSI tăng 3,6%; các mã BID, HPG, CTG đều tăng hơn 1%...
Ở chiều ngược lại, hầu hết chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%, ngoại trừ MSN giảm 2,4% và TCB giảm 1,2%.
Trong nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu HAG tiếp tục tạo ấn tượng mạnh sau pha ngược dòng tỏa sáng phiên lao dốc hôm qua khi có thời điểm chạm trần. Đóng cửa, HAG tăng 6,1%, tiếp tục xác lập đỉnh mới của năm tại mức giá 10.400 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đạt 34,28 triệu đơn vị, thuộc top 3 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường.
Xét về nhóm ngành, lĩnh vị trí leader cho thị trường không ai khác chính là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi các mã trên sàn HOSE đều tăng khá tốt và đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày, ngoại trừ duy nhất TVB giảm nhẹ 0,2%.
Trong đó, BSI tăng mạnh nhất ngành đạt 6,3%, tiếp theo là AGR tăng 4,7%, VIX tăng 3,8%, SSI và VCI cùng tăng 3,6%..., với VIX vẫn có thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 56,86 triệu đơn vị khớp lệnh.
Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu bất động sản đã có pha đảo chiều ấn tượng nhất với hàng loạt mã hồi phục thành công từ vùng giá thấp trong phiên sáng như DIG, DXG, CTD, VCG, TCH, BCG, HHV… đều tăng hơn 1-2%. Trong đó, NVL kết phiên tăng 3,5% lên mức 17.600 đồng/CP, khớp lệnh đạt 47,25 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp là điểm sáng của ngành, với SZC kết phiên tăng kịch trần và khớp lệnh 4,29 triệu đơn vị, TIP tăng 4,4%, SIP tăng 3,6%, KBC tăng 3,1%...
Bộ 3 cổ phiếu lớn nhà thép đều được kéo từ vùng giá đỏ lên mức giá cao nhất ngày và cùng ghi nhận biên độ tăng tốt, trong đó HPG và HSG cùng tăng hơn 2%, còn NKG tăng 4,5%.
Dòng bank cũng hồi nhẹ nhờ VCB tăng 0,6%, các mã khác như LPB, EIB, CTG, BID đều tăng hơn 1%, còn VPB, STB, SSB nhích nhẹ chưa tới 0,5%.
Trên sàn HNX, nhận tín hiệu từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng có pha đảo chiều đầy ấn tượng bất chấp sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Chốt phiên, sàn HNX có 57 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index tăng 1,56 điểm (+0,7%) lên 226,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 122,38 triệu đơn vị, giá trị 2.241,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,31 triệu đơn vị, giá trị 29,97 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chứng khoán chính là điểm sáng của thị trường. Bên cạnh SHS đóng cửa tăng 4,7% lên mức giá cao nhất ngày 17.800 đồng/CP cùng thanh khoản đạt xấp xỉ 38,2 triệu đơn vị; MBS là mã tăng mạnh nhất ngành khi đóng cửa tăng 8% lên mức 21.500 đồng/CP, khớp lệnh đạt hơn 7 triệu đơn vị. Đây cũng là 2 mã tăng tốt nhất trong rổ HNX30.
Ngoài ra, trong nhóm chứng khoán còn có BVS tăng 1,6%, PSI tăng 1,1%, WSS tăng 3,1%...
Tuy nhiên, ấn tượng vẫn là các mã bất động sản, điển hình là cặp CEO và IDC có thời điểm bị đẩy về mức giá sàn nhưng lực cầu tăng mạnh cuối phiên đã giúp bộ đôi hồi phục sắc xanh. Đóng cửa, CEO tăng 1,8% và khớp 23,58 triệu đơn vị, còn IDC tăng 2,3% và khớp 2,51 triệu đơn vị.
Một số mã khác trong rổ HNX30 cũng khởi sắc, hỗ trợ giúp thị trường đảo chiều thành công như PVS tăng 1,4%, VGS tăng 4,4%, L14 tăng 4%, LAS tăng 1,5%...
Trên UPCoM, thị trường cũng đã đảo chiều hồi phục thành công trong những phút cuối phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,05%) lên 84,99 điểm với 113 mã tăng và 188 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44,58 triệu đơn vị, giá trị 481,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,92 triệu đơn vị, giá trị 133,85 tỷ đồng, trong đó riêng NAB thỏa thuận gần 7,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 103,36 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR chưa thoát sắc đỏ nhưng đã bật hồi khá tốt và đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ 1%, đứng tại mức giá 19.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 6,83 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán trên UPCoM có phần kém khả quan hơn sàn niêm yết, trong đó SBS và AAS đóng cửa đứng giá tham chiếu, nhưng đây cũng là mức giá cao nhất của các mã này trong ngày; TCI đảo chiều thành công và đóng cửa tăng 1,7%. Thanh khoản của các mã này đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều biến động nhẹ. Trong đó, VN30F2312 tăng 4,9 điểm, tương đương +05% lên 1.084,9 điểm, khớp lệnh hơn 332.970 đơn vị, khối lượng mở hơn 53.440 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao phủ trên diện rộng, trong đó CHPG2325 có thanh khoản lớn nhất đạt hơn 5,12 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,6% xuống 340 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2324 khớp 4,79 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,1% xuống 400 đồng/cq.