Kiện toàn, lên phương án xử lý dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả ngành Công Thương

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, đến nay đã có 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý cụ thể. Sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

Cụ thể, nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty Cổ phần DAP - Vinachem từ năm 2017 đến nay đã sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022. Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí...

3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gồm: Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã duy trì được sản xuất kinh doanh, nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế. Mặc dù còn lỗ lũy kế, song từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi như giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nên kết quả sản xuất kinh doanh của 3 dự án, doanh nghiệp có cải thiện hơn.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ mới đây, lãnh đạo Vinachem cho biết, 3 đơn vị này đã có lãi hơn 1.046 tỷ đồng, qua đó giúp Vinachem đạt lợi nhuận năm 2023 ước là 790 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch năm 2023.

3 dự án, doanh nghiệp còn lại gồm: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên (TISCO 2); Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM) tại tỉnh Lào Cai; Nhà máy đóng tàu Dung Quất của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã được giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo việc xây dựng phương án xử lý. Còn phương án xử lý Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam do Bộ Công Thương thực hiện.

Ủy ban cho biết đã hoàn thiện phương án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo và báo cáo Thường trực Chính phủ. Ủy ban sẽ tiếp tục thực hiện đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để hoàn thiện phương án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trong đó, về phương án xử lý đối với DQS, tại cuộc họp vào tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện các bộ, ngành, ngân hàng căn cứ các quy định của pháp luật và các ý kiến chỉ đạo phải thống nhất phương án để dứt điểm, bảo đảm hợp lý, hài hòa, có sự đồng thuận giữa các bên liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng, phương án tái cấu trúc DQS để doanh nghiệp này tiếp tục sản xuất kinh doanh, phát huy giá trị tài sản vẫn đang là phương án hợp lý hơn cả, vừa đỡ thiệt hại nhất cho ngân sách nhà nước vừa tạo lập cơ sở quan trọng cho hoạt động của PVN cũng như công nghiệp đóng tàu, phát triển kinh tế biển sau này.

Với dự án TISCO 2, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã nhiều lần làm việc với các bên đối tác để xử lý các tồn tại, vướng mắc. Dự án TISCO 2 khởi công từ năm 2007, có tổng mức đầu tư ban đầu 3.800 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên 8.100 tỷ đồng nhưng kéo dài tới nay chưa hoàn thành và còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan về hợp đồng nhà thầu trọn gói (EPC) giữa chủ đầu tư là TISCO và nhà thầu MCC. Tại buổi làm việc vào nửa đầu tháng 12/2023, đại diện đối tác Trung Quốc là Tập đoàn MCC cho biết sẽ nỗ lực cùng với phía Việt Nam giải quyết dứt điểm những tồn đọng tại Dự án TISCO 2, từ đó, tạo tiền đề hướng tới những hợp tác trong tương lai.

Trong chỉ đạo vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó Thủ tướng chỉ đạo triển khai quyết liệt cơ cấu lại 4/12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại. Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cũng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025 và thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025; khẩn trương triển khai có kết quả và hiệu quả các đề án cơ cấu lại đã được phê duyệt.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn