Kinh Bắc 'quay xe', muốn huỷ phương án mua cổ phiếu quỹ, trả cổ tức

kcn-hinh

KBC cần vốn cho kế hoạch mở rộng quỹ đất và tăng tốc đầu tư dự án. Ảnh minh họa: Vnfdi.com

Hủy kế hoạch trả cổ tức tiền 20% và mua lại cổ phiếu quỹ

Vào nửa cuối 2022, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh trong bối cảnh thanh khoản thị trường căng thẳng, nhiều doanh nghiệp chật vật tìm cách huy động vốn trả nợ trái phiếu. Không nằm ngoài vòng xoáy chung, cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã: KBC) do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT cũng giảm mạnh về vùng đáy 14.000 – 15.000 đồng/cp vào cuối tháng 11/2022, mất 2/3 giá trị so với đầu năm 2022.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp của đại gia Đặng Thành Tâm liên tục phát đi thông điệp có dòng tiền lớn. Công ty tiến hành tổ chức ĐHCĐ bất thường 2022 (EGM) lần 2 công bố đã ký được các hợp đồng và thu hút nhiều nhà đầu tư lớn mang về khoản tiền lớn trong 2023.

Theo đó, công ty tự tin tất toán nợ trái phiếu 3.900 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẵn sàng chi đến hơn 1.500 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20% và mua lại 100 triệu cổ phiếu giá tối đa 34.000 đồng/cp để tăng giá trị trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó lường, giá cổ phiếu xuống thấp gây thiệt lại cho cổ đông. Tổng số tiền dự chi lên tới 8.000 – 9.000 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, chỉ mới kết thúc năm 2022 nhưng ban lãnh đạo đã trình kế hoạch lãi tham vọng 4.000 tỷ đồng cho năm 2023 mà không cần chờ đến kỳ ĐHCĐ thường niên. Trước những thông tin tích cực và sự phục hồi chung của thị trường, cổ phiếu KBC đã tăng một mạch từ 15.000 đồng/cp lên 26.000 đồng/cp trong vòng gần 3 tháng (từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023).

Theo tài liệu họp ĐHCĐ bất thường 2024 (EGM) lần 1 mới đây, ban lãnh đạo công ty cho biết đã thực hiện mua đúng hạn và trước hạn toàn bộ dư nợ gốc trái phiếu 3.900 tỷ đồng. Do vậy, dự nợ vay ngắn hạn giảm mạnh từ 3.951 tỷ về 337 tỷ đồng, vay dài hạn giảm từ 3.687 tỷ về 3.322 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 0,12%. Nhờ đó, ngay từ đầu năm 2024 đã có nhiều tổ chức và quỹ đầu tư đặt vấn đề được tài trợ các dự án hiện tại của tổng công ty.

Tuy nhiên, kế hoạch trả cổ tức 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 20% và dùng thặng dư vốn cổ phần để mua lại cổ phiếu chưa thực hiện được trong năm qua. Đồng thời, HĐQT trình hủy cả 2 phương án trên.

Ban lãnh đạo lý giải phải ưu tiên trả nợ trái phiếu, thu xếp vốn mở rộng quy mô dự án cũng như nhiều dự án cần tăng tốc đầu tư trở lại. Mặt khác, vào cuối 2022, cổ phiếu KBC lao dốc xuống vùng 14.000 – 15.000 đồng/cp nhưng hiện nay đã tăng trở lại và duy trì trên 30.000 đồng/cp, gần chạm ngưỡng dừng mua cổ phiếu ban lãnh đạo đặt ra.

Kế hoạch tham vọng nhưng tỷ lệ thực hiện quanh 50%

Trong năm nay, Đô thị Kinh Bắc tiếp tục đề ra kế hoạch tham vọng với tổng doanh thu hợp nhất 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 80% so với thực hiện 2023.

Kế hoạch kinh doanh đặt ra dựa trên ước tính diện tích cho thuê đất khu công nghiệp trong năm 2024 đạt 150 ha đến từ các khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung, cụm khu công nghiệp ở Hưng Yên, Long An và Tràng Duệ 3… Ngoài ra, ban lãnh đạo cho biết một số dự án khu đô thị của công ty cũng dự kiến mang lại doanh thu và lợi nhuận năm nay.

Theo KBC, từ cuối 2023 đã đón rất nhiều tập đoàn tư nhân, các công ty đa quốc gia có tên tuổi lớn trên thế giới đến làm việc và đặt vấn đề về nhu cầu đầu tư vào các khu công nghiệp của tổng công ty. HĐQT dự kiến các dự án còn thiếu thủ tục pháp lý sẽ được hoàn thiện và thông qua từ quý II năm nay như Tràng Duệ 3, Lộc Giang, khu đô thị Phúc Ninh, khu đô thị Tràng Cát...

Bên cạnh đó, công ty cũng đang nỗ lực thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để tiếp tục được phê duyệt mới các dự án tại địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu… với tổng diện tích lên đến 3.500 ha đất khu công nghiệp và 650 ha đất khu đô thị.

Tuy nhiên, nhìn lại các năm gần đây, Đô thị Kinh Bắc thường xuyên đưa ra kế hoạch kinh doanh cao ngất ngưỡng nhưng tỷ lệ thực tế đạt được chỉ khoảng 50% đổ lại. Như năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi 4.000 tỷ đồng nhưng con số thực tế đạt được là 2.218 tỷ đồng, năm 2022 mục tiêu lãi 4.500 tỷ đồng và tỷ lệ hoàn thành 35%, năm 2021 và 2020 đạt 49 – 47% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Nguyên nhân không hoàn thành kế hoạch được doanh nghiệp lý giải là do đã ký các thỏa thuận nguyên tắc cho thuê đất nhưng chưa được ghi nhận ngay do các nhà đầu tư nước ngoài chưa được cấp phép đầu tư, chưa kịp nhận bàn giao đất trong năm. Công ty kỳ vọng với những chính sách quyết liệt của Chính phủ, cơ chế linh hoạt của chính quyền địa phương sẽ tháo gỡ vướng mắc pháp lý thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp bất động sản nói chung và KBC nói riêng.

Dù không hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng kết quả kinh doanh 2023 là kết quả tốt nhất trong nhiều năm gần đây của Đô thị Kinh Bắc. Doanh thu thuần 5.644,7 tỷ đồng, gấp gần 6 lần và lợi nhuận 2.218 tỷ đồng, tăng 32% so với 2022.

Xem thêm tại nhadautu.vn