Kinh Bắc tiếp tục lên kế hoạch tham vọng, dự kiến chào bán 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (MCK: KBC, sàn HoSE) công bố tài liệu ĐHĐCĐ năm 2024. Đại hội dự kiến tổ chức ngày 19/6 tại trụ sở Tổng Công ty ở tỉnh Bắc Ninh.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Kinh Bắc đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng, tăng 60,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng, tăng 78,2% so với thực hiện trong năm 2023.

Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2023, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt 5.618 tỷ đồng, hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.245 tỷ đồng, hoàn thành 56% so với kế hoạch lãi 4.000 tỷ đồng.

Kinh Bắc tiếp tục lên kế hoạch tham vọng, dự kiến chào bán 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn- Ảnh 1.

ĐHĐCĐ bất thường của KBC hồi tháng 3/2024.

Kinh Bắc cho biết ước tính diện tích cho thuê đất khu công nghiệp (KCN) năm 2024 dự kiến 150 ha đến từ các dự án KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung, các cụm công nghiệp ở Hưng Yên, Long An, KCN Tràng Duệ 3 …

Ngoài ra, Kinh Bắc cũng chuẩn bị quỹ đất KCN mới ở các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu với tổng diện tích khoảng 3.500 ha đất KCN và 650 ha đất Khu đô thị.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Kinh Bắc trình cổ đông không trả cổ tức cho cổ đông.

Được biết, trong Đại hội năm 2023, Kinh Bắc thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 20% bằng tiền nhưng tới cuối năm Công ty bất ngờ huỷ kế hoạch trả cổ tức cho cổ đông, đồng thời huỷ kế hoạch mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ đã thông qua đầu năm.

Tại đại hội sắp tới, Kinh Bắc trình cổ đông phương án phát hành 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho không quá 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá phát hành sẽ uỷ quyền cho Hội đồng quản trị quyết định.

Cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành và triển khai trong năm 2024 – 2025. Nếu phát hành thành công, KBC sẽ tăng vốn điều lệ từ 7.676 tỷ đồng, lên 10.176 tỷ đồng.

Kinh Bắc cho biết thêm số tiền huy động, Công ty sẽ dùng tái cơ cấu các khoản nợ; tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết; mua cổ phần, phần vốn góp của các công ty để thực hiện các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp có tiềm năng phù hợp với hoạt động kinh doanh; và bổ sung vốn lưu động.

Xem thêm tại cafef.vn