Kinh doanh thua lỗ, Xây dựng Hòa Bình còn nợ bảo hiểm xã hội gần 40 tỷ đồng

Được biết, Xây dựng Hòa Bình là “ông lớn” đầu ngành xây dựng, cùng với Contecons. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại khá tiêu cực. Hiện, doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023.

Trước đó, trong quý III/2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 50% so với cùng kỳ, đạt mức 1.893 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng 170,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 5,4 tỷ đồng.

-9581-1706257991.jpg

Xây dựng Hòa Bình ghi nhận số tiền nợ bảo hiểm gần 40 tỷ đồng, thời gian chậm đóng là 9 tháng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Xây dựng Hoà Bình thu về hơn 5.355 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 50,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 883,5 tỷ đồng, trong khi 9 tháng đầu năm 2022 lãi 61,2 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục lỗ trong 9 tháng đầu năm 2023, tính tới 30/9/2023, tổng lỗ luỹ kế của Xây dựng Hòa Bình lên tới 2.980,3 tỷ đồng, bằng 108,7% vốn điều lệ (vốn điều lệ là 2.741,33 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh sa sút, doanh nghiệp phải huy động vốn để trả nợ vay. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 lần 2 tổ chức ngày 18/10, Xây dựng Hòa Bình thông qua kế hoạch phát hành 252.484.528 cổ phiếu (220 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ và 32.484.528 cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ).

Đối với kế hoạch chào bán riêng lẻ 220 triệu cổ phiếu, giá chào bán tối thiểu 12.000 đồng/cp và giá chào bán cao nhất là 14.500 đồng/cp, số tiền huy động dự kiến từ 2.640 - 3.190 tỷ đồng và cổ phiếu chào bán bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày phát hành.

Thời gian chào bán dự kiến trong quý IV/2023 đến quý I/2024 và sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông qua.

Số tiền huy động từ đợt chào bán riêng lẻ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ vay. Trong đó, 1.754 tỷ đồng trả gốc và lãi tại Ngân hàng BIDV, thời gian từ quý IV/2023 đến quý III/2024; 997,8 tỷ đồng trả gốc và lãi tại Ngân hàng VietinBank, thời gian từ quý IV/2023 đến quý IV/2024; 158,3 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Hàng Hải, thời gian từ quý I/2024 đến quý IV/2024; 135,96 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Quốc Dân, thời gian dự kiến từ quý I/2024 đến quý II/2024; 95,3 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, thời gian dự kiến từ quý II/2024 đến quý III/2024; và 48,6 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Đông Nam Á, thời gian quý I/2024.

Đối với phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, công ty dự kiến phát hành cùng với đợt chào bán riêng lẻ 220 triệu cổ phiếu, thời gian dự kiến trong quý IV/2023 đến quý I/2024.

Được biết, trước đó, công ty từng lên kế hoạch phát hành 54 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ nhưng sau đó đã điều chỉnh chỉ còn hơn 32 triệu cổ phiếu, lý do được đưa ra do công ty đã thanh toán nợ cho một số chủ nợ, một số chủ nợ thay đổi ý định hoán đổi nợ…

Trên thị trường, trong 5 phiên gần nhất, cổ phiếu HBC giao dịch khá tiêu cực với 4 phiên giảm đỏ và 1 phiên đi ngang giá tham chiếu. Chốt phiên 26/1, cổ phiếu HBC giảm về mức giá 8.880 đồng/cp.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn