Kỳ lạ một công ty kiểm toán đã lập 2 BCTC kiểm toán khác nhau cho cùng 1 doanh nghiệp
CTCP Phú Tài (mã chứng khoán PTB) vừa gây bất ngờ khi tiếp tục công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Nói “tiếp tục” bởi đây là BCTC kiểm toán thứ 2 công ty công bố chỉ trong vài ngày.
Cả 2 báo cáo tài chính kiểm toán này đều được lập bởi Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, đều được công bố trên website Phú Tài, và… có số liệu khác nhau.
Báo cáo số 1 được kiểm toán AASC ký lập ngày 28/3/2024, và báo cáo số 2 được ký lập ngày 2/4/2024.
Tại sao có 2 báo cáo tài chính kiểm toán khác nhau? Phía Phú Tài chưa có thông tin về sự khác nhau và nguyên nhân lập ra 2 báo cáo kiểm toán chỉ trong vài ngày này.
AASC từng kiểm toán cho nhiều doanh nghiệp có tiếng
Theo danh sách công bố gần đây nhất, AASC từng làm báo cáo kiểm toán cho nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường trong vài năm liền kề gần đây. Điển hình trong số đó có thể kể đến như CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS); Tập đoàn thép Tiến Lên (TLH); Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR); Gang thép Thái Nguyên (Tisco - TIS)...
Hãng kiểm toán AASC thành lập tháng 7/2007, hiện do ông Ngô Đức Đoàn làm Chủ tịch HĐTV, ông Nguyễn Thanh Tùng là Tổng Giám đốc, địa chỉ trụ sở chính tại Hà Nội. Ngoài ra công ty còn có chi nhánh tại TP HCM và Quảng Ninh.
Về tình hình kinh doanh, năm tài chính 2022-2023 (năm tài chính của ASSC bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau), ASSC đạt 260,3 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính các đơn vị có lợi ích công chúng đạt hơn 43 tỷ đồng; hơn 217 tỷ đồng doanh thu của ASSC là từ “dịch vụ khác”, chiếm trên 83% tổng doanh thu.
Tổng chi phí phát sinh cả năm cũng hơn 260,1 tỷ đồng. Trong tổng chi phí, có 126 tỷ đồng chi phí tiền lương, thưởng nhân viên và 134 tỷ đồng là các chi phí khác. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 3,5 tỷ đồng.
Về nhân sự, hiện ASC có 60 kiểm toán viên hoạt động tại các chi nhánh, trụ sở chính.
Những năm trước đó AASC cũng đạt mức doanh thu trên 200 tỷ đồng. Tuy vậy lợi nhuận không cao, quanh mức 3-6 tỷ đồng mỗi năm.
Phú Tài có hay không phải trích lập dự phòng khoản phải thu với Noble House?
Trở lại với 2 báo cáo tài chính kiểm toán tại Phú Tài đều do AASC lập, điểm khác biệt duy nhất là khoản trích lập dự phòng nợ khó đòi với khách hàng Noble Housse Furnishings LLC dẫn tới sự khác biệt về lợi nhuận sau thuế.
Ở báo cáo với quan niệm "phải trích lập", kiểm toán AASC nêu ý kiến nhấn mạnh với khoản này. Thông tin cụ thể, đối tác này của Phú Tài đã nộp đơn xin phá sản tại Tòa án Nam Texas – Hoa Kỳ. Đến nay vụ việc chưa có phán quyết cuối cùng của Tòa án, Phú Tài vẫn đang cùng công ty Luật đại diện cho các thành viên Ủy ban chủ nợ làm việc với các bên liên quan trong vụ kiện để thu hồi khoản nợ này.
Còn ở báo cáo với quan niệm "không phải trích lập" thì công ty kiểm toán đã "bỏ ngoài" những lo ngại liên quan đến khoản phải thu với Noble House.
Về tình hình kinh doanh, số liệu doanh thu hợp nhất cả 2 báo cáo là không đổi, đạt 5.619 tỷ đồng. Tuy vậy chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đã giảm mạnh còn hơn 259 tỷ đồng, tương ứng giảm điều chỉnh giảm 34 tỷ đồng so với báo cáo số 1.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự sai lệch này đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp. Báo cáo số 1, khoản chi phí này là 206 tỷ đồng và báo cáo số 2 là 248,6 tỷ đồng – tương ứng lệch tăng hơn 42 tỷ đồng. Điều chỉnh số liệu này khiến cho chi phí thuế thay đổi, dẫn tới lợi nhuận sau thuế giữa báo cáo 1 và 2 thay đổi khoảng 34 tỷ đồng.
Tại BCTC số 1, Phú Tài ghi nhận doanh thu hợp nhất cả năm đạt 5.619 tỷ đồng, giảm 18,5% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế giảm 41,6% xuống còn gần 294 tỷ đồng. EPS đạt 4.313 đồng.
Xét về cơ cấu doanh thu, năm 2023 vừa qua doanh thu Phú Tài giảm mạnh chủ yếu đến từ mảng bất động sản (giảm 85% còn 58 tỷ đồng); mảng bán xe (giảm 30% còn 877 tỷ đồng), và đặc biệt là các sản phẩm gỗ (giảm 18% còn 2.785 tỷ đồng)… Còn mảng kinh doanh các sản phẩm đá gần như đi ngang. Trong đó mảng kinh doanh gỗ và đá mang về lợi nhuận chính cho công ty.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn