Kỷ lục vừa xác lập giúp “ngụm bia” Sabeco bớt đắng, Thaibev “gỡ” được 3.400 tỷ sau hơn một tuần
Sau giai đoạn miệt mài dò đáy, cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bất ngờ đảo chiều hồi mạnh từ cuối tháng 2. Cổ phiếu này thậm chí còn đi ngược thị trường phiên 6/3 khi tăng 4% với thanh khoản cao kỷ lục. Sau 6 phiên, thị giá SAB đã tăng gần 9% tương ứng vốn hóa tăng thêm hơn 64.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu SAB hồi phục mạnh phần nào làm vơi đi nỗi buồn cho các cổ đông Sabeco sau thời gian dài ngậm ngùi nhìn tài khoản "bốc hơi". Đương nhiên, Thaibev cũng không ngoại lệ khi đại gia Thái Lan hiện đang nắm đến hơn 687 triệu cổ phiếu SAB (tỷ lệ chi phối đến 53,59%). Ước tính, giá trị khoản đầu tư vào Sabeco của Thaibev đã tăng khoảng 3.400 tỷ chỉ sau hơn một tuần.
Dù vậy, con số trên vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì đại gia Thái Lan đã "đánh rơi". Từ sau khi bạo chi 110.000 tỷ (~5 tỷ USD) để nắm quyền chi phối Sabeco trong thương vụ thoái vốn đình đám cuối năm 2017, khoản đầu tư này của Thaibev thường xuyên trong trạng thái "tạm lỗ", giá trị hiện chỉ còn khoảng 42.000 tỷ đồng (~1,7 tỷ USD). Tính cả cổ tức bằng tiền hơn 9.000 tỷ đồng đã "bỏ túi", Thaibev vẫn đang lỗ nặng sau hơn 5 năm đầu tư vào Sabeco.
Nhu cầu tiêu thụ bia sụt giảm mạnh
Thực tế, "tạm lỗ" không phải là vấn đề quá lớn bởi Thaibev từng khẳng định mục đích đầu tư vào Sabeco là hướng đến tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á. Điều khiến đại gia Thái Lan thực sự "đau đầu" là sự thay đổi thói quen người tiêu dùng đang khiến nhu cầu tiêu thụ bia sụt giảm mạnh.
Động thái siết chặt việc sử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông thời gian qua đang đảnh hưởng rõ rệt đến văn hóa bia rượu. Không chỉ ở Việt Nam, giảm tiêu thụ bia rượu cũng đang là xu hướng chung trên thế giới. Theo tờ Forbes, quan điểm hạn chế bia rượu trong giới trẻ ngày càng gia tăng đã khiến nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh.
Nhiều dự báo cho thấy danh mục sản phẩm đồ uống không có cồn sẽ tăng 25% trong khoảng 2022-2026 khi các hãng rượu bia buộc phải chuyển hướng kinh doanh. Theo Forbes, thế hệ Gen Z ngày nay uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials và việc ngày càng nhiều người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe khiến nhu cầu tiệu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh.
Nhu cầu tiêu thụ giảm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số của các hãng bia, Sabeco cũng không ngoại lệ. Năm 2023, doanh thu của Sabeco đạt hơn 30.700 tỷ đồng, giảm gần 13% so với năm trước. Con số này chỉ cao hơn giai đoạn Covid (2020-2021), tính từ khi về tay Thaibev cuối năm 2017.
Doanh số giảm, lợi nhuận cũng đi lùi. Năm 2023, Sabeco lãi ròng hơn 4.100 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước. Theo giải trình, ngoài việc siết chặt Nghị định 100, công ty còn chịu ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế trong nước suy thoái. Chi phí đầu vào và chi phí quản lý cũng tăng lên trong khi phần lãi trong liên doanh, liên kết thấp hơn.
Thích nghi với sự thay đổi thói quen của người dùng
Là một trong hai doanh nghiệp đầu ngành sản xuất bia tại Việt Nam, thị phần của Sabeco bắt đầu bị thu hẹp từ năm 2019 trước sự "bành trướng" của Heniken khi liên tục ra mắt các dòng sản phẩm mới như Heniken Silver, Heniken 0 độ cồn. Tuy nhiên, Sabeco vẫn có ưu thế về thương hiệu Việt như bia 333, bia Saigon Chill. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và cho ra mắt các dòng sản phẩm cao cấp cũng góp phần giúp công ty giữ được vị thế và thị phần của mình.
Báo cáo của ShinhanSec chỉ ra rằng, với sự gia tăng trong thu nhập, người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ phân khúc bình dân sang phân khúc phổ thông và từ phân khúc phổ thông sang phân khúc cao cấp. Theo Euromonitor, bia cao cấp được dự báo tăng trưởng kép 12,7% trong giai đoạn 2021-2026, cao hơn so với tăng trưởng bình quân của ngành ở mức 4%.
ShinhanSec kỳ vọng tiêu thụ bia được cải thiện vào năm 2024 nhờ sự quay trở lại của các giải bóng đá lớn (Asian Cup, Euro 2024, Copa America) và sự thích nghi và chuyển đổi thói quen từ tiêu thụ tại chỗ (on-trade) sang mua mang về (off-trade) khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt vi phạm nồng độ cồn tiếp tục thực thi quyết liệt hơn.
Về hệ thống phân phối, Sabeco hiện sở hữu 26 nhà máy bia với công suất 2,4 tỷ lít/năm và 11 công ty thương mại toàn quốc, vượt trội hơn hẳn Heniken với chỉ 6 nhà máy bia và 8 văn phòng bán hàng. Mạng lưới phân phối rộng khắp từ Bắc vào Nam là thế mạnh của Sabeco, giúp tiếp cận được các quán nhậu, nhà hàng ở kênh on-trade. Với kênh off-trade, Sabeco hiện đang có mặt tại cửa hàng tiện lợi và nhiều trang thương mại điện tử từ Tiki đến Bách Hóa Xanh.
Theo dự phóng của ShinhanSec, doanh thu thuần năm 2024 của Sabeco sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ 6,3% so với năm trước do việc chuyển đổi thói quen tiêu thụ từ tiêu thụ tại chỗ sang mua mang về có thể cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp được kỳ vọng sẽ cải thiện lên mức 34,6% từ mức 33,4% nhờ sự giảm giá của nguyên vật liệu đầu vào.
Xem thêm tại cafef.vn