Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ cuối: Tương lai vững bền bên tán rừng cao su

Đó là những ngôi làng kiểu mẫu khang trang được các công ty cao su Việt Nam dành cho công nhân Lào ở quê xa và người có hoàn cảnh khó khăn ở miễn phí.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ cuối: Tương lai vững bền bên tán rừng cao su - Ảnh 1.

Trường học ở huyện Bachiang, tỉnh Champasak, Lào - Ảnh: QUỐC MINH

Và đặc biệt hơn nữa là những trường học được các công ty hỗ trợ xây dựng để giúp địa phương bạn kiến tạo tương lai vững bền cho thế hệ trẻ.

Những bản làng kiểu mẫu trù phú

Nong Phư (huyện Phunthong, tỉnh Champasak) giờ đã khác lắm cảnh xưa nghèo khó. Nhà gạch xây, xe máy, tivi, tủ lạnh đầy đủ cả, chẳng còn những căn nhà gỗ mái lá xiêu vẹo năm nào. Anh Su Noui - công nhân nông trường 4, Công ty CP Cao su Việt Lào - cho hay hơn chục năm trước nhà anh vẫn thiếu gạo ăn. Hết mùa lúa, vợ chồng lên rừng đốn củi, đốt than, cuộc sống vô cùng cực nhọc.

Trong bản nhiều người còn trốn sang Thái Lan làm thuê, thỉnh thoảng lại có người bị trả về, nghe nói lương cao nhưng chẳng thấy mang đồng nào về nuôi vợ, nuôi con.

Su Noui lại nghe trưởng bản nói có công ty cao su người Việt cần tuyển công nhân, một người làm đủ nuôi cả nhà bốn miệng ăn, anh liền xách ba lô đi tìm việc. Nông trường 4 cách bản Nong Phư hơn 80 cây số. Xa nhà nhưng công ty lại có nhà ở cho công nhân. Nhà gỗ nhưng chắc chắn, có chỗ ngủ, chỗ nấu nướng riêng. Công nhân ở không mất tiền thuê, không phải trả tiền điện, nước.

Su Noui làm được vài tháng, vợ con ở nhà chẳng phải lên rừng đốt than nữa. Chị Hindi, vợ anh, cũng theo chồng đi làm công nhân, hai đứa con gửi ông bà nội chăm.

Hai vợ chồng cần cù làm việc ở nông trường hơn chục năm. Họ đã mua thêm mấy mảnh đất ở quê, xây căn nhà mới, mua sắm đồ đạc... Vợ chồng Su Noui từ một hộ thiếu ăn trở thành "đại gia" ở bản Nong Phư. Anh công nhân góp tiền lương âm thầm gom đất đủ rộng, anh sẽ trồng thêm cao su bán mủ cho công ty.

Khu tập thể cho công nhân ở nông trường 4 có hơn trăm căn hộ nhỏ dành cho cả công nhân Việt và Lào. Nhà ở người Việt quây thêm rào trồng rau, dãy công nhân Lào mái hiên sau được nới rộng làm bếp.

Chủ trương ban đầu của công ty là dành nhà ở cho công nhân hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng sau hơn chục năm, xóm "nhà ở xã hội" này không biết có bao nhiêu "đại gia" đang ở. Cứ tính lương bình quân hơn bảy, tám triệu kip/người/tháng thì những công nhân xóm "nhà ở xã hội "này có thu nhập cao gấp ba lần lao động bình quân ở Lào.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ cuối: Tương lai vững bền bên tán rừng cao su - Ảnh 2.

Người lao động tại các công ty cao su Việt Nam (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) có việc làm ổn định, không sợ thất nghiệp và lãnh lương khá so với mức lương chung ở Lào - Ảnh: QUỐC MINH

Giờ nghỉ việc, cả xóm quây quần với nhau bên hiên dãy tập thể. Gương mặt chị Hindi không còn rám nắng như ngày còn theo chồng lên rừng đốt than nữa. Chị sắm mỹ phẩm, điệu đà xăm chân mày, tô son cùng chồng ra thành phố Pakse mua sắm. "Tôi không mua nhà gần đây đâu, mua thêm đất ở quê, sau này để lại cho con cái. Chúng tôi ở nhà công ty tốt lắm!", anh Noui cười nói.

Ở cùng bản Nong Phư, vợ chồng chị NongKhai cũng chọn ngôi làng kiểu mẫu của Công ty CP Cao su Việt Lào làm nơi an cư. Ngôi làng nằm ngay sát trung tâm huyện Bachiang, gần nông trường, tiện cho vợ chồng chị đi làm lại gần trường học của con cái. Sắp tới trụ sở chính của công ty cũng chuyển về nơi này.

Ngôi làng có 50 căn nhà sàn cột bê tông, vách gỗ kiểu nhà người Lào dưới tán cây mát rượi. Gọi là làng nhưng được quy hoạch bài bản, có khuôn viên cây xanh, đường nhựa rải quanh như khu quy hoạch đô thị đẹp.

Căn nhà số 4 gia đình chị NongKhai sống, tầng trệt là nơi sinh hoạt chung, có cả ti vi, tủ lạnh, khu vệ sinh hiện đại. Trước nhà đậu chiếc xe bán tải Toyota sắm cách đây hai năm, tính ra tiền Việt cũng gần tỉ đồng.

Chị tâm sự hơn chục năm trước, vợ chồng cũng rời bản Nong Phư sang Thái Lan làm thuê. Bên đó tiền công cũng hậu hĩnh nhưng chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ, chẳng được hưởng phúc lợi gì, cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Chị cũng thương hai con nhỏ, bố mẹ đi làm xa, chẳng ai chăm nom học hành.

Thế là vợ chồng chị quyết định về làm công nhân cho Công ty CP Cao su Việt Lào, lương khá mà lại chẳng mất tiền thuê nhà, được hưởng phúc lợi đầy đủ. Họ đã dành dụm mua được đất, sửa nhà cho bố mẹ ở quê, lại mua thêm được chiếc ô tô để đi lại. Con cái được học trường huyện, tương lai rộng hơn ở phía trước.

"Phải khẳng định rằng các dự án đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thời gian qua đã đóng góp rất lớn cho việc tăng cường tình hữu nghị giữa hai đảng, hai nhà nước nói chung và giữa các tỉnh có quan hệ song phương với các tỉnh nam Lào nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Trung (tổng lãnh sự Việt Nam tại thành phố Pakse, Lào)

Khó khăn vẫn gắng lo đời sống công nhân

Tâm sự chuyện chăm lo đời sống người lao động, ông Ngô Quyền - tổng giám đốc Công ty CP Cao su Việt Lào - cho biết thật sự các công ty cao su Việt Nam ở Lào cũng gặp rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Đến thời kỳ cây cao su trên nước bạn cho thu hoạch thì giá thị trường lại tụt giảm nặng nề. Từ năm 2012 đến 2014, giá mủ cao su thị trường thế giới chạm đáy. Công ty buộc phải cắt giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản xuất. Thế nhưng nếu cắt tiền lương thì thu nhập công nhân sẽ giảm, mà con người mới là nguồn lực quan trọng.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ cuối: Tương lai vững bền bên tán rừng cao su - Ảnh 3.

Công nhân Lào làm việc ở Công ty CP Cao su Việt Lào có nhà sàn khang trang và ô tô để đi làm - Ảnh: VŨ TUẤN

Thế là cuộc "cách mạng tiền lương" được tổ chức: Công ty cắt giảm đơn giá tiền lương trả theo sản phẩm nhưng lại trả thêm tiền lương ngày lao động, còn ngày lễ mức tăng gấp đôi. Lương tháng trả đều đặn hai tuần một lần.

Bên cạnh đó, công ty tăng mức thưởng tháng, quý theo đánh giá lao động và thay đổi kỹ thuật cạo mủ làm tăng năng suất lao động

Thế là công nhân phấn khởi, lúc khó khăn nhất của ngành cao su nhưng đời sống công nhân không bị ảnh hưởng. Thu nhập tiền lương trong giai đoạn khó nhất từ năm 2012 đến 2017 vẫn năm sau tăng hơn năm trước chứ không hề bị giảm.

"Tâm lý công nhân Lào là thích tiền "tươi". Nhận được tiền thưởng họ mừng lắm! Có giai đoạn công ty rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng công ty vẫn chia sẻ đời sống với họ, không làm thu nhập của họ bị ảnh hưởng nên họ yên tâm gắn bó với công ty", ông Ngô Quyền chia sẻ.

Kỳ tích cao su Việt trên nước bạn Lào - Kỳ cuối: Tương lai vững bền bên tán rừng cao su - Ảnh 4.

Ngôi làng kiểu mẫu của Công ty CP Cao su Việt Lào ở huyện Bachiang, tỉnh Champasak - Ảnh: THẾ KIỆT

Những mái trường vui

Đặc biệt ngoài chăm lo trực tiếp đời sống, các công ty Việt Nam sang phủ màu xanh cao su trên đất Lào cũng hỗ trợ xây dựng trường học để góp phần kiến tạo tương lai cho con em công nhân nước bạn. Trường mầm non huyện Phìn, tỉnh Savannakhet là ngôi trường nhỏ xinh được Công ty CP Cao su Quasa - Geruco hỗ trợ xây dựng thêm.

Trường có hai dãy lớp học thoáng mát, sạch sẽ dưới bóng xanh. Những cái xích đu giống phim hoạt hình là những thứ trẻ ở đây thích nhất. Hiệu trưởng Okham Manyvone chia sẻ ngày học sinh còn học ở dãy nhà cũ, trường chỉ có 100 học sinh từ nhà trẻ đến mẫu giáo. Trường muốn nhận nhiều hơn, dân vùng cũng không gửi vì... chê lớp học cũ.

Từ khi được hỗ trợ xây dựng dãy phòng học mới, trường nhận gấp đôi số học sinh, cô giáo cũng phải tuyển thêm mới đáp ứng được. "Ngày xưa người dân họ không yên tâm khi gửi con cái vào học ở nhà trường. Bây giờ thì khác rồi, trường khang trang, sạch sẽ hơn, ai cũng muốn gửi con vào học. Tôi cũng thấy rất vui vì nhờ có sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam mà trường được như bây giờ", cô giáo Okham tâm sự.

Chủ tịch huyện Phìn Supchay Xaynhavong cho hay ngoài việc đóng góp cho ngân sách địa phương, tạo điều kiện để người dân trong huyện có việc làm tăng thu nhập, Công ty CP Cao su Quasa - Geruco còn giúp huyện rất nhiều về an sinh xã hội. Người dân vùng dự án có đường, có điện, có trường học... Mỗi năm công ty giúp huyện từ 200 triệu đến 300 triệu tiền kip an sinh xã hội.

Ở huyện Bachiang, tỉnh Champasak, Công ty CP Cao su Việt Lào cũng đã góp phần xây dựng một dãy trường học mới trị giá 1,16 tỉ đồng và cũng bàn giao cho huyện một ngôi chùa hơn 1 tỉ đồng.

Khi chúng tôi đến trường Sucxamphan, các em học sinh đang giờ ra chơi vui vẻ ở sân rợp bóng mát. Thầy hiệu trưởng Khamsavoi Xitkongkham hào hứng chia sẻ từ khi trường được hỗ trợ thêm cơ sở vật chất, thầy cô và học trò ở đây có thêm điều kiện giảng dạy và học tập tốt hơn hẳn.

"Trước khi có các công ty cao su Việt Nam sang đây, Bachiang là huyện nghèo nên việc học hành của các em rất khó khăn, nhiều em còn không được đi học. Nhưng bây giờ thay đổi tốt hơn hẳn rồi, chúng tôi đã thấy một tương lai bền vững cho thế hệ trẻ của mình bên tán rừng cao su", thầy hiệu trưởng người Lào tâm sự vui vẻ.


https://tuoitre.vn/ky-tich-cao-su-viet-tren-nuoc-ban-lao-ky-cuoi-tuong-lai-vung-ben-ben-tan-rung-cao-su-20241208074916538.htm

Xem thêm tại vnrubbergroup.com