Kỳ vọng đón dòng vốn tỷ đô từ nâng hạng thị trường chứng khoán
Các công ty chứng khoán đang nỗ lực cùng Uỷ ban Chứng khoán nhà nước tháo gỡ những vướng mắc với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm tới nhằm đón dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Nhưng vẫn đề đặt ra là, nếu thị trường chứng khoán được nâng hạng, liệu dòng vốn đầu tư nước ngoài có chảy vào mạnh như kỳ vọng?
Bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Chứng khoán SSI dự báo, nếu được FTSE nâng hạng vào tháng 9/2025 và sớm nhất được vào rổ thị trường mới nổi MSCI vào tháng 3/2026 thì thị trường chứng khoán sẽ sôi động vào nửa cuối năm tới.
Các quỹ trong nước đang tập trung vào việc vận hành các quỹ ETF cho đến khi thị trường có nhiều cơ hội lớn hơn sau nâng hạng.
Tuy nhiên, vấn đề “thiếu hàng mới” tiếp tục được bà Hằng nhắc lại như một yếu tố cốt lõi cần giải quyết nhằm giúp thị trường thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.
Trong những năm qua, thị trường không có nhiều lựa chọn mới. Đơn cử như rổ VN30 chưa có thêm doanh nghiệp nào mới, dẫn đến việc khối ngoại dù có muốn phân bổ vốn ngay tức khắc họ cũng sẽ phải chờ, cũng như chờ được nới hạn mức để có nhiều thanh khoản hơn.
Trong năm nay, bà Hằng ước tính khoảng 2 tỷ USD vốn ngoại rút ra, nhưng nếu thị trường được nâng hạng sẽ thu hút được khoảng 2 tỷ USD tiền vào. Tuy vậy, có thể thấy mức độ hấp thụ vốn hay độ hấp dẫn dòng vốn của thị trường vẫn ở mức chưa cao khi câu chuyện chất lượng hàng hóa chưa được cải thiện.
Tại những sự kiện gần đây, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam và ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lưu ký chứng khoán đều cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu các yếu tố mới để thu hút thêm vốn ngoại.
Tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua vẫn chậm. Khâu chào bán ra công chúng cũng hạn chế, thiếu các doanh nghiệp, tập đoàn mới, “các món hàng cũ đã rất nhiều năm”.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, suốt 24 năm kể từ khi thành lập thị trường, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có định hướng rất rõ ràng đó là hạn chế tối đa can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính.
Do vậy, ông Hải khẳng định sẽ không có chuyện quay trở lại biện pháp hành chính để ép doanh nghiệp niêm yết hoặc từ bỏ thị trường.
Trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp lớn niêm yết không nhiều vì họ chưa nhìn thấy khối lượng nhà đầu tư lớn có thể mua được phần vốn lớn của họ và họ không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải quá. Do đó, việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn niêm yết nhiều hơn cũng là giải pháp cần cố gắng để nâng hạng thị trường.
Theo thống kê của uỷ ban này, trong 24 năm hình thành và phát triển, chỉ từ hai mã chứng khoán ban đầu, hiện đã có hơn 1.800 mã chứng khoán đang niêm yết trên thị trường. Tuy vậy có khoảng 50% doanh nghiệp có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước.
Ông Hải cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang cùng các thành viên thị trường đang tích cực xây dựng các giải pháp, nguồn lực để chuẩn bị cho việc thị trường nâng hạng, cũng như các giải pháp để nâng hạng thị trường.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hai cản trở lớn là quy định ký quỹ trước khi giao dịch và hạn mức đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, ông Hải cho biết giải pháp để vượt qua nút thắt lớn nhất là câu chuyện về ký quỹ trước khi giao dịch hiện đã được Bộ Tài chính thực hiện thông qua hoàn thành dự thảo bằng việc sửa bốn văn bản thông tư nhằm tập trung xử lý vấn đề này.
Đối với "room ngoại" và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo thông tư mới này cũng đã có những quy định mang tính chất bắt buộc và có lộ trình.
Xem thêm tại theleader.vn