Kỳ vọng ngành bảo hiểm tăng trưởng 10% trong năm 2024
Ghi nhận tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định song đã có dấu hiệu suy giảm ở lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt khoảng 109 nghìn tỷ đồng, giảm 6,76% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản đạt 951,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,57%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 795,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,71%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,58%. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 11,23%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, thị trường Việt Nam hiện có khoảng 11,7 triệu hợp đồng có hiệu lực, chiếm khoảng 10% dân số. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ này là 70-80% dân số, còn số lượng hợp đồng trên đầu người lên tới 150-200% ở một số quốc gia. Nhóm 5 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường về tổng doanh thu phí bảo hiểm vẫn là Bảo Việt nhân thọ, Manulife, Prudential, Dai-ichi và AIA. |
Mới đây, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm của Vietnam Report trong giai đoạn tháng 5-6/2024, 45,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành bảo hiểm sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2024. Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ngành bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm đầy triển vọng với những mục tiêu tài chính đáng chú ý. Cụ thể, tổng tài sản của ngành ước tính đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 9,97% so với năm 2023. Dự kiến năm 2024, ngành bảo hiểm cũng đóng góp tích cực cho nền kinh tế thông qua số vốn đầu tư ước đạt 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51% so với năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến đạt 243.472 tỷ đồng, trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%) và bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%).
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang dần được công bố và ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 370 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm trước, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã chi trả bảo hiểm cho hơn 1.000 khách hàng. Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt hơn 176,5 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (AIC) ghi nhận mức tăng lợi nhuận “khủng” 165% từ hơn 9 tỷ đồng của 6 tháng năm 2023 lên mức lợi nhuận hơn 23,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024…
Cơ hội phát triển từ hoàn thiện chính sách pháp luật
Theo các chuyên gia, trong quá trình phục hồi, ngành bảo hiểm không tránh được tác động kép cả khách quan lẫn nội tại. Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt vẫn là dư âm của cuộc khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023 còn kéo dài sang năm 2024, trong khi người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ về các chính sách bảo hiểm. Hơn nữa, cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng cũng như những khó khăn liên quan đến các vấn đề trục lợi bảo hiểm, nhiều sai phạm khi cung ứng bảo hiểm qua kênh bancassurance…
Chia sẻ về vấn đề này, bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho rằng, ngành bảo hiểm đang đứng trước những thách thức về sự thanh lọc để thay đổi hướng đi một cách đúng đắn và mạnh mẽ hơn. Vì thế, theo bà Tina Nguyễn, doanh số trong ngắn hạn có thể bị ảnh hưởng nhưng về dài hạn, niềm tin của người dân sẽ quay trở lại. Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cũng dự báo, so với con số 700.000 đại lý bảo hiểm trước đây, có lẽ tới đây giảm xuống còn khoảng vài ba trăm nghìn đại lý, những người muốn trụ lại với nghề phải đào tạo về trình độ, đạo đức nghề nghiệp.
Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết đã chủ động thay đổi để đáp ứng hàng loạt quy định mới ban hành, đồng thời tìm cách lấy lại niềm tin của khách hàng như có nhiều hình thức đào tạo, chấn chỉnh cách tuyển dụng đại lý để tăng chất lượng...
Cũng theo khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chỉ ra 3 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành bảo hiểm năm 2024, bao gồm công nghệ phát triển mạnh mẽ và áp dụng trong tất cả giai đoạn của chuỗi giá trị ngành bảo hiểm; tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP thấp; cùng với đó là các thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 đã chính thức được ban hành.
Bộ Tài chính cho biết đã tập trung xây dựng, lấy ý kiến các cơ quan liên quan dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP và Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP; nghiên cứu Thông tư sửa đổi Thông tư 69/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm… Đặc biệt, Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 được 59,1% doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report đánh giá là một trong những cơ hội quan trọng thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn