Kỳ vọng nợ xấu ngân hàng sẽ giảm tốc
Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quý III/2024, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về lợi nhuận ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng cũng được chú ý.
Nợ xấu có xu hướng tăng
Nhiều ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng có quy mô lớn Vietcombank, Techcombank ghi nhận tình trạng nợ xấu tăng cao.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính, tính đến hết quý III/2024, tổng nợ xấu nhóm 3, 4 và 5 của Vietcombank đã tăng mạnh 35,8% so với đầu năm, vượt ngưỡng 17.100 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ dưới 1% hồi đầu năm lên 1,22%.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đến cuối quý III đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,3% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm đến 64% tổng dư nợ.
Nợ xấu tiếp tục tăng tại các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm. |
Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Vietcombank bất ngờ tăng vọt 39% so với đầu năm, lên mức 11.092 tỷ đồng.
Ngoài ra, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng 18%, đạt 3.344 tỷ đồng, và nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 48%, lên 2.696 tỷ đồng.
Tại VietinBank, tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý III/2024 đạt 1,57%, tăng so với mức 1,13% tại thời điểm đầu năm.
Tại các ngân hàng TMCP tư nhân, nợ xấu cũng gia tăng.
Theo báo cáo tài chính quý III, luỹ kế 9 tháng năm 2024, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 4.900 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 72% kế hoạch năm.
Tỷ lệ nợ xấu của MSB hiện ở mức gần 2,88% tổng dư nợ, tăng nhẹ so với mức 2,86% hồi cuối năm 2023. Đáng lưu ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 66%, lên hơn 3.008 tỷ đồng nhưng lại ghi nhận giảm nhẹ ở nợ nhóm 3 và nhóm 4 (nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ).
Tại Techcombank, tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 9 ở mức 1,35%, tăng so với tỷ lệ 1,28% tại thời điểm cuối tháng 6. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhà băng này cũng tăng nhẹ, lên mức 103%.
Tại ACB, tổng nợ xấu đã tăng lên 8.274 tỷ đồng vào cuối quý III, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng tới 55% so với hồi đầu năm, lên 6.064 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay theo đó tăng từ mức 1,22% hồi đầu năm lên 1,5% vào cuối tháng 9.
Tại PGBank, tính đến cuối quý III/2024, số dư nợ xấu là 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,85% lên 3,19%.
Tương tự, tại LPBank, nợ xấu đã tăng 70%, từ 3.689 tỷ đồng lên 6.272 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lên 1,96%; tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank tăng nhẹ từ mức 1,93% hồi đầu năm lên 1,94% vào cuối tháng 9; tỷ lệ nợ xấu của SaigonBank đến cuối tháng 9/2024 ở mức 2,2%...
Yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tiến trình xử lý nợ xấu
Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, một số ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Đơn cử như PGBank chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu tăng gấp gần 3 lần (lên 300 tỷ đồng) so với cùng kỳ; hay tại KienlongBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng từ mức 62% thời điểm đầu năm lên 73% khi kết thúc quý III/2024; SaigonBank trích lập dự phòng thêm 20% so với năm trước...
Tuy vậy, vẫn có nhà băng giảm mạnh dự phòng rủi ro dù nợ xấu tăng cao như Vietcombank giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 3.347 tỷ đồng, tương ứng giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế vĩ mô và thiên tai.
“Nợ xấu đang có xu hướng tăng lên, nhất là sau bão số 3. Đây cũng là vấn đề ngành ngân hàng phải đối mặt và cần phải có phương án xử lý trong thời gian tới”, NHNN nhận định.
Trước hết, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tốc độ phục hồi còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, thị trường bất động sản cũng là một nguyên nhân đáng kể dẫn đến sự gia tăng nợ xấu. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ nếu thị trường gặp khó khăn.
Đại diện một số ngân hàng cho biết, hiện nay, 70% tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là bất động sản, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, các ngân hàng rất khó để xử lý tài sản đảm bảo thông qua việc phát mãi. Ngay cả khi phát mãi thành công, ngân hàng vẫn phải chịu thiệt hại lớn do giá trị tài sản đã giảm đáng kể.
Các chuyên gia đánh giá, điểm tích cực hiện nay là các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tiến trình xử lý nợ xấu. Các sắc luật mới (sửa đổi) liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8/2024 tạo cú hích với thị trường bất động sản, giúp thị trường dần ấm lên, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản), thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ đầu tháng 7. Theo các quy định mới, từ ngày 1/8/2024, ngân hàng sẽ được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Luật cũng cho phép mở rộng đối tượng và phạm vi mua bán nợ xấu, bao gồm cả việc mua nợ từ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều này sẽ giúp xử lý những khoản nợ xấu đang vay tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước, vốn chưa được xử lý triệt để trước đây.
Huyền Anh
Xem thêm tại vnbusiness.vn