Kỳ vọng thành thất vọng với cổ phiếu HNG
Phiên 6/2, cổ phiếu HNG tiếp đà lao dốc, giảm đỏ về mức 3.900 đồng/cp cùng thanh khoản hơn 16 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong vòng một tháng qua của cổ phiếu này.
Mất 34% giá trị sau 1 tháng
Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian 1 tháng (4/1 – 6/2), cổ phiếu HNG đã đánh mất hơn 34% giá trị; vốn hoá thị trường theo đó giảm xuống dưới 5.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu HNG đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc. |
Ngược thời gian, trong giai đoạn cuối tháng 12/2023, cổ phiếu HNG bắt đầu “vào sóng” khi có tin về kết quả kinh doanh của HAGL Agrico có khả năng là số dương và thoát án huỷ niêm yết.
Đáng chú ý, chỉ trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024 (2-5/1) dù chỉ có 4 phiên nhưng mã cổ phiếu HNG ghi nhận mức tăng ấn tượng 16,63%, từ 3.300 đồng/cp lên 5.330 đồng/cp. Với mức tăng này, HNG cũng là một trong những mã cổ phiếu tăng mạnh nhất trong tuần đầu tiên của năm mới, và trung bình mỗi phiên có tới hơn 19 triệu cổ phiếu được "sang tay".
Kỳ vọng và “tin đồn” xuất phát từ thông tin HAGL Agrico công bố quyết định HĐQT thông qua việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào với số vốn lên đến 400 triệu USD (gần 10.000 tỷ đồng). Công ty cũng đang lấy ý kiến cổ đông phương án lập dự án đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong của Lào.
Theo thông tin lan truyền trên một số hội nhóm diễn đàn chứng khoán, công ty mới sẽ nhận chuyển nhượng tài sản hoặc vốn cổ phần từ hai công ty cũ, qua đó việc định giá lại tài sản khi chuyển giao sẽ giúp ghi nhận khoản lợi nhuận khác, từ đó đưa lợi nhuận cả năm 2023 về con số dương. HAGL Agrico hiện có hai công ty con trụ sở tại Lào là Công ty TNHH Công nghiệp và Nông nghiệp Cao su Hoàng Anh – Quang Minh và Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu, thành lập lần lượt vào năm 2007 và 2008.
Như vậy, nếu kết quả kinh doanh thoát lỗ thì HNG có thể thoát án huỷ niêm yết bắt buộc trên HoSE. Kỳ vọng này đã giúp cổ phiếu HNG tăng trần liên tiếp trước thời điểm công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2023.
Tuy nhiên, trái ngược kỳ vọng, HAGL Agrico công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023. Mặc dù doanh thu thuần đạt 184 tỷ đồng, tăng 21% so cùng kỳ năm 2022, nhưng do giá vốn "ngốn" tới 611 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 427 tỷ đồng, suýt soát mức lỗ 465 tỷ của cùng kỳ. Cộng thêm mức lỗ từ hoạt động khác 66,6 tỷ đồng, nhẹ hơn mức 2.211 tỷ đồng của cùng kỳ.
Sau khi trừ các loại chi phí, HAGL Agrico lỗ ròng gần 604 tỷ đồng trong quý IV/2023, nhẹ hơn mức lỗ 2.804 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp ở mức 605 tỷ đồng, tiếp tục giảm 18% so năm trước.
Lại thêm một năm kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp lỗ gộp 616 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ nặng hơn tới 971 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc HNG sẽ đối mặt với “án” huỷ niêm yết bắt buộc do đã có 3 năm thua lỗ liên tiếp.
“Án” huỷ niêm yết gần kề
Trên thị trường, ngay khi đón nhận tin kết quả kinh doanh “bết bát”, mở cửa phiên sáng ngày 31/1, cổ phiếu HNG lập tức nằm sàn với thị giá 4.470 đồng/cp.
Tâm lý nhà đầu tư chỉ mới tạm ổn định được 2 phiên sau đó thì vào ngày 3/2 vừa qua, HoSE đưa ra cảnh báo về khả năng huỷ niêm yết bắt buộc cổ phiếu HNG do công ty đã có 3 năm thua lỗ liên tục.
Bắt đầu phiên 5/2, áp lực bán tháo lập tức xảy đến với HNG đẩy cổ phiếu rơi về giá sàn 4.070 đồng/cp, không có bên mua trước giờ đóng cửa. Mức giá này giảm khoảng 26% so với vùng đỉnh 5.500 đồng được thiết lập hồi đầu năm. Khối lượng giao dịch cũng tăng cao bởi áp lực xả hàng từ nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước với hơn 7,4 triệu cổ phiếu được sang tay, tăng gấp rưỡi so với phiên trước đó. Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt xấp xỉ 3 triệu cổ phiếu.
HAGL Agrico được thành lập năm 2010 với vốn ban đầu 485 tỷ đồng, định hướng là công ty phụ trách toàn bộ mảng nông nghiệp gồm cao su, cọ dầu, bắp, mía đường và chăn nuôi bò. Những ngày đầu thành lập, HAGL Agrico tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục mở rộng quy mô.
Giai đoạn 2012-2015, doanh thu HAGL Agrico nhảy vọt bằng lần, từ mức 135 tỷ (năm 2012) đột biến lên 1.630 tỷ đồng trong năm 2013. Đến năm 2015, doanh thu HAGL Agrico ở mức 4.731 tỷ đồng, tăng 114% so với năm liền trước và tăng 3.431% so với năm 2012.
Tương ứng, lợi nhuận tăng bình quân hơn 80%/năm, đặc biệt năm 2012 tăng vọt từ 3 tỷ (năm 2011) lên 685 tỷ đồng. Giai đoạn đó, người đứng đầu doanh nghiệp ước tính sau 5 năm sẽ thu về 200-300 triệu USD lợi nhuận.
Đáng buồn, từ năm 2016, tình hình “sức khoẻ” của HAGL Agrico bắt đầu suy yếu với doanh thu và lợi nhuận suy giảm mạnh. Từ doanh thu gần 5.000 tỷ, đến nay doanh nghiệp mang về vỏn vẹn chỉ hơn 600 tỷ cho cả một năm. Khoản lỗ hình thành trong 8 năm lên tới 9.315 tỷ đồng.
Từ một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu hơn 11.000 tỷ đồng, đến nay vốn chủ sở hữu của HAGL Agrico chỉ còn 2.305,8 tỷ đồng. Trong khi đó nợ vay và chi phí lãi vay lên tới 9.359,9 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.
Đáng chú ý, sau khi HoSE thông báo cổ phiếu HNG có khả năng bị huỷ niêm yết, ban lãnh đạo HAGL Agrico đã thông tin kế hoạch từng bước giảm khoản lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính trong thời gian ngắn nhất.
“Chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ, quản trị theo phương pháp công nghiệp và ứng dụng cơ giới hoá sẽ từng bước tạo ra lợi nhuận và giúp công ty xoá lỗ luỹ kế”, ông Nguyễn Hoàng Phi, Phó tổng giám đốc HAGL Agrico cho biết.
Tuy nhiên, đó là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư cho giai đoạn 2024-2027. Còn trước mắt, “án” huỷ niêm yết của cổ phiếu HNG khó có thể xoay chuyển. Dự báo đà giảm của cổ phiếu sẽ còn tiếp tục.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn